Nhân dịp đầu xuân năm Ất Tỵ 2025, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có chia sẻ về những thành tựu, dấu ấn nổi bật trong năm vừa qua, các định hướng phát triển và kỳ vọng năm mới gắn với phát triển kinh tế biển.
PV: Là một đơn vị giáo dục trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với thế mạnh về đào tạo nhóm ngành hàng hải, kinh tế biển, xin thầy điểm lại một số thành tựu, dấu ấn nổi bật của trường trong năm vừa qua gắn với phát triển kinh tế biển?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Năm 2024, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có nhiều thành tựu và đã được các cấp khen thưởng.
Cụ thể: Bộ Giao thông vận tải tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Cờ thi đua xuất sắc; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng nhiều Bằng khen cho nhà trường và các tập thể, cá nhân trong trường.
Công đoàn Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc; Đoàn thanh niên nhà trường được Thành đoàn Hải Phòng tặng Cờ đơn vị xuất sắc.
Có được thành tích đó là do nhà trường đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao với 27/27 tiêu chí đều hoàn thành, hoàn thành vượt mức đề ra.
Trong đó, về công tác tuyển sinh, nhà trường đã tuyển vượt chỉ tiêu đề ra (tuyển sinh đại học chính quy là 4.966 sinh viên; Tuyển sinh sau đại học là 333 học viên và 11 nghiên cứu sinh; Tuyển sinh vừa học vừa làm, Giáo dục nghề nghiệp và hệ khác là 1.742 học sinh sinh viên).
Điểm trúng tuyển đại học chính quy tăng trung bình gần 1 điểm so với năm 2023, đạt 23,19 điểm.
Tỷ lệ sinh viên đại học chính quy có kết quả học tập khá, giỏi, xuất sắc duy trì mức trên dưới 50%; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2024 đạt 70,6% (tăng 4,7% so với năm 2023).
Nhà trường hoàn thành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của 04 ngành với 10 chương trình đào tạo.
Về huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ hàng hải: trường cấp và gia hạn 5.097 chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên; Đào tạo 15 khoá điều khiển phương tiện thủy nội địa; Biên soạn 73 bộ bài giảng các chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
Về thực hiện nhiệm vụ Khoa học công nghệ: Thực hiện 15 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, cấp thành phố; 126 đề tài cán bộ, giáo viên và 139 đề tài sinh viên cấp trường. Đạt 01 Nhất, 02 Nhì, 01 Ba và 01 khuyến khích giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên cấp Bộ, 01 Giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka.
Về hợp tác quốc tế: Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế: Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về điều khiển và tự động hóa; Hội nghị quốc tế về Công nghệ và An toàn hàng hải thông minh tiên tiến (Ai-MAST).
Nhà trường đã làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) để kêu gọi viện trợ cho đề xuất Dự án Logistics giai đoạn 3. Làm việc với Trường Đại học Memorial tại Canada để trao đổi về các cơ hội hợp tác…
Về công tác tài chính và đảm bảo cơ sở vật chất: công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, đặc biệt là hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) được tiến hành khẩn trương, kịp thời. Bên cạnh đó, Trường cũng đi đầu trong hỗ trợ Thành phố khắc phục hậu quả thiên tai.
PV: Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, thầy có thể chia sẻ về chiến lược phát triển trong năm 2025. Các hoạt động nổi bật sẽ được trường chú trọng đẩy mạnh (ví dụ: mở thêm ngành học mới, đổi mới chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng, liên kết với doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu khoa học…)?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Nhiệm vụ quan trọng trước tiên đó là nhanh chóng hoàn thiện Đề án xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường trọng điểm quốc gia và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để thu hút đầu tư trung hạn của Nhà nước xây dựng trường trong giai đoạn 2025-2030. Có được nguồn lực này sẽ thực sự đưa nhà trường nhanh chóng phát triển thực hiện sứ mệnh Trường đại học trọng điểm quốc gia đã được nêu trong Nghị quyết 30 năm 2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 năm 2023 của Chính phủ.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm kể trên, trong năm 2025, nhà trường sẽ triển khai các nhiệm vụ lớn sau đây:
Thứ nhất là tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; kiện toàn và bầu lại Hội đồng trường nhiệm kỳ 2025-2030, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo nhà trường, xây dựng các chiến lược, các kế hoạch, chương trình hành động nhiệm kỳ mới.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường quy mô tuyển sinh các hệ, đặc biệt là tăng quy mô tuyển sinh đại học chính quy lên 5.000 sinh viên góp phần đạt được quy mô sinh viên từ 22.000-26.000 vào năm 2030.
Mở mới 1 chuyên ngành đào tạo Truyền thông marketing, đưa tổng số chương trình đào tạo đại học lên 50 chương trình.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học với ứng dụng hệ thống LMS triển khai đào tạo từ xa 3 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Luật hàng hải và Quản trị kinh doanh; từng bước xây dựng nguồn học liệu trực tuyến và triển khai đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho tất cả các học phần hướng tới tỉ lệ 70% trực tiếp, 30% trực tuyến.
Thứ 4, tiếp tục mở rộng hoạt động phục vụ cộng đồng thông qua tăng cường kết nối doanh nghiệp tập trung vào hoạt động thực tập của sinh viên, hoạt động phối hợp, đặt hàng nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên các doanh nghiệp, tham gia sâu vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật…
Tiếp tục mở rộng các dịch vụ phục vụ người học, phụ huynh và doanh nghiệp trên Cổng 1 cửa của nhà trường.
PV: Trong năm vừa qua, nhà trường đã có những đề tài nghiên cứu khoa học nào về lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển. Xin thầy chia sẻ cụ thể về một đề tài nghiên cứu mà nhà trường tâm đắc. Với đề tài này, nhà trường kỳ vọng sẽ chuyển giao khoa học công nghệ như thế nào phục vụ phát triển kinh tế biển?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế biển, hàng hải.
Nhà trường không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại.
Các thành tựu nổi bật bao gồm: phát triển hệ thống cảng thông minh, số hóa logistics chuỗi cung ứng, và công nghệ vận tải biển xanh giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, chúng tôi luôn chú trọng tư vấn chính sách và hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải trên trường quốc tế.
Trong năm vừa qua, nhà trường đã triển khai thành công 01 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, 03 cấp thành phố và 38 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển, và đang tiếp tục thực hiện 6 đề tài thành phố liên quan, như đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống báo cháy cho tàu thủy trên cơ sở ứng dụng công nghệ TIC và trí tuệ nhân tạo nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hàng hải” với sản phẩm: Hệ thống báo cháy tàu thuỷ ứng dụng công nghệ TIC và trí tuệ nhân tạo.
Một trong những đề tài nổi bật nhất mà Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chủ trì gần đây là nhiệm vụ khoa học "Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030”.
Đây là 1 trong 3 nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của thành phố Hải Phòng năm 2024 nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sản phẩm của đề tài là “Chương trình phát triển khoa học và công nghệ biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030”. Chương trình đã được lấy ý kiến rộng rãi của các sở ban ngành, các nhà khoa học, chuyên gia để Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và triển khai.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng triển khai thành công đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ biển”.
Khi sản phẩm của các đề tài này là các chương trình được phê duyệt triển khai đồng bộ, dự kiến sẽ thúc đẩy và phát triển khoa học công nghệ biển của thành phố đạt mục tiêu đến năm 2030, nhằm đạt mục tiêu “Khoa học và công nghệ biển trở thành một trong các động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhằm góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ biển”.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, nhà trường còn gặp phải những khó khăn gì trong quá trình đào tạo. Nhà trường dự kiến khắc phục những khó khăn đó như thế nào để ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Khó khăn lớn nhất đối với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện nay có lẽ là sự thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật dẫn đến khó thực hiện quyền tự chủ của trường về tài chính và tài sản dẫn đến không khai thác được tiềm năng thực tế phục vụ cho hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Để khắc phục những khó khăn đó, nhà trường trong thời gian tới sẽ bám sát các cơ quan chức năng, tham gia sâu vào việc góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để từng bước giải những nút thắt để góp phần tăng tốc xây dựng và phát triển nhà trường trong kỷ nguyên mới.
PV: Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, thầy có gửi gắm, kỳ vọng gì với các thế hệ sinh viên Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam? Ngoài ra, để thuận lợi hơn nữa trong quá trình phát triển nhà trường, thầy có đề xuất, kiến nghị gì để phát triển các ngành hàng hải, kinh tế biển được hiệu quả hơn?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Các em sinh viên thân mến, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển đi đầu trong nền giáo dục Việt Nam và cả trên thế giới.
Để vươn lên đi đầu, nỗ lực thay đổi của thầy cô, của nhà trường là chưa đủ, rất cần có sự đóng góp tích cực của các em trong các hoạt động học tập và rèn luyện tại trường. Các em hãy biến tình yêu, trách nhiệm đối với gia đình, đối với nhà trường, với quê hương đất nước thành động lực để cùng với các thầy cô, chúng ta nắm lấy cơ hội để phát triển bản thân, xây dựng và phát triển nhà trường vươn lên tầm cao mới.
Đối với các thế hệ cựu sinh viên, dấu mốc kỷ niệm 70 năm thành lập trường sắp tới, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam rất mong sự trở về của các thế hệ cựu sinh viên, để cùng chung tay xây dựng và phát triển nhà trường và cùng chứng kiến các thành tựu mà lớp lớp sinh viên, các thầy cô giáo đã xây dựng lên.
Về kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, Đảng đã có Nghị quyết số 36 năm 2018, Nghị quyết số 30 năm 2022, qua đó khẳng định vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành hàng hải và kinh tế biển. Sứ mệnh đó đã được giao cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Nhà trường rất mong được sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường đại học trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương về cuộc trao đổi!