Trường đại học chỉ ra một số tố chất mà người học ngành Nông nghiệp cần có

05/02/2025 06:24
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trước tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao ngành Nông nghiệp, nhiều trường đại học chú trọng liên kết với doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo.

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng, vật nuôi làm tư liệu, nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp.

Ngày nay, nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực. Với sự phát triển của công nghệ và xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch, bền vững, các trường đại học đào tạo ngành Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành Nông nghiệp đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á cho biết, hiện nay, ngành Nông nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Các doanh nghiệp yêu cầu đội ngũ nhân sự không chỉ có chuyên môn kỹ thuật mà còn phải sở hữu kỷ luật làm việc và các kỹ năng mềm như sử dụng và quản lý công nghệ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thương thảo, giải quyết vấn đề, cùng với tinh thần siêng năng học hỏi. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ và khả năng tìm tòi, sáng tạo, bởi đây là lĩnh vực kết hợp cả lao động trí óc và chân tay.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất cần nhân lực am hiểu công nghệ và thông thạo ngoại ngữ để không chỉ làm việc với các công ty trong nước mà còn có thể hợp tác với các tập đoàn quốc tế, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài và tiếp thu tri thức từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đầu ra của các trường đại học hiện chưa đáp ứng được yêu cầu này, bởi một số kỹ năng thực tế mà doanh nghiệp cần lại chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Lê Thụy Tường Vy, chuyên viên đối tác nhân sự khối Chuỗi cung ứng và Nông học, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Pepsico Việt Nam cho hay, ngành Nông nghiệp ở Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về thị trường lẫn phương thức canh tác.

Các công nghệ mới liên tục được ứng dụng, đòi hỏi kỹ thuật canh tác phải không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, tạo ra nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Việc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang hướng hiện đại là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng thị trường. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của sự chuyển đổi này nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng đủ.

Để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong ngành Nông nghiệp, các trường đại học cần cải thiện và làm mới chương trình đào tạo, đặc biệt là trong việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường canh tác hiện đại.

Các trường cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, cũng như đào tạo sinh viên cách sử dụng công cụ kỹ thuật số và phân tích dữ liệu để giải quyết thách thức trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần được rèn luyện khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Điều đó giúp sinh viên không chỉ thích ứng mà còn tiên phong trong những xu hướng mới của ngành.

unnamed.jpg
Chị Lê Thụy Tường Vy, chuyên viên đối tác nhân sự khối Chuỗi cung ứng và Nông học, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Pepsico Việt Nam. (Ảnh NVCC)

Trường đại học gắn đào tạo Nông nghiệp với công nghệ cao

Theo Tiến sĩ Trần Thế Hùng, Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Môi trường, Trường Đại học Quảng Bình, ngành Nông nghiệp của trường được mở và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021. Đến năm 2022 nhà trường bắt đầu có sinh viên theo học.

Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp của trường được thiết kế nhằm trang bị cho người học nền tảng kiến thức toàn diện và kỹ năng chuyên môn sâu rộng. Nội dung chương trình bao quát từ lý thuyết cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Sinh viên sẽ được đào tạo về quá trình sản xuất và chọn giống cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chương trình học còn cung cấp kiến thức về quản lý trang trại tổng hợp, kỹ năng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và các giải pháp thực tế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp còn tích hợp các môn học về kỹ năng mềm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, giúp sinh viên đáp ứng tốt hơn nhu cầu linh hoạt của thị trường lao động. Đặc biệt, sinh viên có cơ hội tham gia thực hành, thực tập tại các trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp, và trung tâm nghiên cứu. Đây là cơ hội để các bạn rèn nghề, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và nâng cao kỹ năng chuyên môn.

Tiến sĩ Trần Thế Hùng cũng chỉ ra một số tố chất mà người học cần có để đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của ngành này.

Thứ nhất, ngành Nông nghiệp gắn liền với thiên nhiên và môi trường, vì vậy, tố chất đầu tiên là niềm yêu thích và tôn trọng với thiên nhiên. Người học cần có sự quan tâm đến bảo vệ và phát triển môi trường sống xung quanh.

Thứ hai, các công việc chủ yếu trong ngành Nông nghiệp đều liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thủy hải sản. Do đó, sinh viên yêu thích việc nghiên cứu, chăm sóc và phát triển cây trồng, vật nuôi là yếu tố không thể thiếu.

Thứ ba, sinh viên cần có đam mê và sự tò mò, luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới, từ đó phát huy sự sáng tạo và khắc phục các thách thức trong học tập và công việc. Bên cạnh đó, những công việc này đòi hỏi sự nỗ lực dài hơi và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Thứ tư, công việc trong ngành Nông nghiệp chủ yếu diễn ra ngoài trời, từ trồng trọt, chăm sóc cây trồng đến các hoạt động chăn nuôi. Vì vậy, học sinh yêu thích các hoạt động ngoài trời như cắm trại, leo núi, làm vườn, hay lặn biển là một lợi thế lớn.

Thứ năm, các môn học như Sinh học, Hóa học và Địa lý là nền tảng quan trọng trong suốt quá trình học ngành Nông nghiệp. Nếu các bạn yêu thích và có năng lực trong những môn học này, quá trình học tập sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

unnamed (1).jpg
Tiến sĩ Trần Thế Hùng, Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Môi trường, Trường Đại học Quảng Bình. (Ảnh NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á cho biết, nhà trường đào tạo ngành Nông nghiệp, chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao cách đây 5 năm.

Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp của trường đa dạng và toàn diện, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại.

Chương trình không chỉ tập trung vào các kiến thức chuyên môn như trồng trọt, chăn nuôi, quản lý trang trại, mà còn tích hợp các kỹ năng mềm cần thiết. Sinh viên được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, tư duy thiết kế ý tưởng, kiến thức về SEO, marketing, và khởi nghiệp. Những nội dung này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ về ngành mà còn nâng cao khả năng sáng tạo và năng lực thích nghi với thị trường.

Về mặt chuyên môn thực tế, sinh viên được đào tạo thông qua các hoạt động thực hành tại các trang trại hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Quá trình học tập này giúp sinh viên nắm vững các bước cơ bản trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp trong ngành Nông nghiệp hiện đại.

Theo cô Thảo, sinh viên ngành Nông nghiệp tại trường bắt đầu hành trình học tập bằng việc nghiên cứu nhu cầu thị trường để xác định các loại nông sản có tiềm năng tiêu thụ, kinh doanh hoặc xuất khẩu. Điều này yêu cầu sinh viên thu thập thông tin từ nhiều nguồn, cả địa phương lẫn các khu vực mục tiêu.

Sau đó, sinh viên sẽ lựa chọn đối tượng sản xuất cụ thể, như nhóm cây trồng hay vật nuôi phù hợp với thị trường. Quá trình này bao gồm phân tích các yếu tố như đặc điểm địa phương, nhu cầu tiêu thụ, và tiềm năng xuất khẩu, nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng qua các môn học về đất đai, dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác, và phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với nghiên cứu chuyên sâu thông qua đồ án hoặc đề án. Những học phần này giúp các bạn hiểu rõ kỹ thuật và đặc điểm của cây trồng, vật nuôi đã chọn.

Sau khi học xong lý thuyết, sinh viên tham gia thực tập tại các trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp để rèn luyện kỹ năng thực hành và làm việc thực tế. Mỗi kỳ thực tập giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường lao động.

Bên cạnh các kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, sinh viên ngành Nông nghiệp còn được học sâu về kỹ thuật bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Điều này giúp sinh viên không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao giá trị thông qua các phương pháp chế biến phù hợp.

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kiến thức về quản lý trang trại, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Các công nghệ hiện đại như IoT (Internet of Things), hệ thống tưới tiêu tự động, điều khiển nhà lưới và nhà kính tự động được tích hợp vào chương trình học. Nhờ đó, sinh viên có cơ hội làm quen với các công cụ, thiết bị hiện đại để sinh viên đỡ bỡ ngỡ khi đi vào thực tiễn.

sv-thuc-hanh-5-782.jpeg
Sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đông Á chăm sóc các giống lan hồ điệp. (Ảnh NTCC)

Mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Một trong những điểm nổi bật của Trường Đại học Đông Á là chương trình thực tập nghề nghiệp phong phú, được triển khai từ sớm để giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế. Ngay từ năm nhất, sinh viên đã có cơ hội tham gia các đợt kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Đến năm hai, năm ba, sinh viên tiếp tục thực tập tại doanh nghiệp. Như vậy, đến năm thứ ba đại học, sinh viên được thực tập ba đợt, cùng hàng chục đợt kiến tập và thực hành thực tế tại các cơ sở sản xuất.

Những trải nghiệm này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành. Thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết, sinh viên được đào tạo để thành thạo thao tác kỹ thuật thực tế, trau dồi kỹ năng quản lý. Sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng thực hành sẽ giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Trường Đại học Đông Á luôn duy trì kết nối và trao đổi chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Hằng năm, nhà trường tổ chức lấy ý kiến từ doanh nghiệp về các nội dung cần cải tiến trong chương trình học, từ đó cập nhật và điều chỉnh kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trong chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp của nhà trường, 1/5 thời lượng học tập được dành cho việc rèn luyện các kỹ năng mềm. Sinh viên được trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, truyền thông, thiết kế ý tưởng, giải quyết vấn đề, quản lý dự án và khởi nghiệp. Đây là những “hành trang” cần thiết giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường thực tế.

Ngoài ra, trường cũng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên. Sinh viên được rèn luyện để đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

unnamed (2).jpg
Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á. (Ảnh NVCC)

Về phía Trường Đại học Quảng Bình, Tiến sĩ Trần Thế Hùng chia sẻ, nhà trường xác định rõ trong đào tạo ngành Nông nghiệp, thực hành và thực tập là yếu tố cốt lõi để sinh viên nắm vững và áp dụng hiệu quả các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn. Thông qua các hoạt động này, sinh viên không chỉ nâng cao tay nghề mà còn chuẩn bị tốt hơn cho công việc trong tương lai.

Hiện nay, nhà trường đã thiết lập hợp tác với nhiều cơ quan và doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực Nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực hành, thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Nhà trường liên kết với nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Giống cây trồng và vật nuôi, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, Trung tâm Giống Thủy sản,...

Hằng năm, nhà trường đều tổ chức lấy ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp về các kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần đáp ứng. Dựa trên những phản hồi này, nhà trường điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước, đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn của các doanh nghiệp liên doanh quốc tế. Đây là bước đi thiết thực, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực và sẵn sàng tham gia vào môi trường làm việc hiện đại.

Trong khi đó, chị Lê Thụy Tường Vy cho biết: “Ngành Nông nghiệp hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho những ai theo đuổi lĩnh vực này. Với sự mở rộng nhanh chóng, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trở nên ngày càng cấp thiết. Các nhóm kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa đang nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn từ cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, tạo nên những triển vọng đầy hứa hẹn.

Hằng năm, chúng tôi tổ chức các chương trình thực tập, tạo điều kiện để sinh viên nắm bắt, áp dụng các kỹ năng chuyên môn vào thực tế. Điều này giúp các bạn tiếp cận và theo kịp xu hướng phát triển của thị trường nông nghiệp hiện đại.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Pepsico Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ thông tin với sinh viên, giúp các bạn hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp và những cơ hội trong ngành Nông nghiệp. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên học hỏi mà còn để các bạn chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức và yêu cầu của ngành trong tương lai”.

Chị Vy cũng cho biết thêm, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Pepsico Việt Nam, bộ phận Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu chính cho sản xuất. Các vị trí tuyển dụng dành cho kỹ sư/cử nhân ngành Nông nghiệp đa dạng như giám sát và nhân viên tại phòng phát triển vùng trồng, quản lý nhân giống và đào tạo năng lực nông nghiệp, kiểm soát chất lượng giống/điều phối kho giống, kiểm soát chất lượng nông nghiệp.

Mức lương khởi điểm dành cho kỹ sư/cử nhân tốt nghiệp ngành Nông nghiệp ở công ty dao động từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và vị trí công việc.

Hồng Mai