Trích ngân sách mua SGK: Cần tính toán kỹ thời điểm cho HS mượn và thu hồi

07/10/2022 06:54
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần rà soát kỹ đối tượng có nhu cầu và tính toán đến các tình huống khi triển khai để tránh bị động khi trích ngân sách mua sách cho học sinh mượn.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, cụ thể trích 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.

Chính sách nhân văn, nên thực hiện

Đánh giá phương án trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho rằng, phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học là chính sách tốt.

“Phú Yên có 3 huyện miền núi và cả tỉnh có khoảng 11.000 học sinh thuộc các hộ nghèo và cận nghèo. Đối với những gia đình học sinh thuộc diện này, việc bỏ tiền mua một bộ sách giáo khoa đầu năm học cũng trở thành gánh nặng.

Từ lâu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên luôn thực hiện phương châm không để bất kỳ học sinh nào vì thiếu sách mà không đến trường, đặc biệt là những học sinh miền núi, thuộc vùng khó khăn, học sinh nghèo, cận nghèo.

Vì vậy, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo và cụ thể là các trường phổ thông có nhiều chính sách động viên, vận động xã hội hóa từ các nguồn hỗ trợ khác nhau như doanh nghiệp, tư nhân hoặc ngay chính các thầy cô ở trường hỗ trợ các em học sinh nghèo có sách học.

Nếu phương án trích ngân sách nhà nước mua sách cho học sinh mượn được triển khai sẽ bớt được phần nào những gánh nặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, bớt đi những công việc trên của các nhà trường”, ông Trần Khắc Lễ nói.

Tuy nhiên, ông Lễ bày tỏ, không nên áp dụng hình thức “cào bằng” mà trước khi triển khai thực hiện cần có một cuộc khảo sát nhu cầu những học sinh muốn mượn sách vì thực tế ở đâu cũng có người có hoàn cảnh kinh tế khá hơn, người nghèo và không phải ai cũng có nhu cầu mượn sách.

“Sau này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo cụ thể, các Sở, Phòng và nhà trường sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng để không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào”, ông Lễ nhấn mạnh.

Trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là chính sách nhân văn. Ảnh minh họa: Kim Sơn

Trích ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là chính sách nhân văn. Ảnh minh họa: Kim Sơn

Cùng ủng hộ với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho hay:

Trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV tổ chức vào tháng 5, 6 năm 2022, tôi cũng đã có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tham mưu cho Chính phủ để trích ra một phần ngân sách mua sách giáo khoa dùng chung cho một số đối tượng như học sinh nghèo, học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngay sau Kỳ họp, tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những động thái tích cực về vấn đề này và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nói sẽ nghiên cứu phương án.

Vì vậy, khi nghe Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin về đề xuất phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học với ngân sách 3.500 tỷ đồng, tôi đánh giá cao vì đây thực sự là phương án rất ý nghĩa.

Khi được áp dụng, rõ ràng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với các gia đình khó khăn có con trong độ tuổi tới trường nhất là những gia đình có nhiều con đang đi học phổ thông.

Thực tế, từ khi tiến hành đổi mới với những bộ sách mới, tiền sách giáo khoa đã trở thành một khoản kinh phí lớn với họ. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm học, phụ huynh phải nộp rất nhiều các khoản tiền khác nhau như học phí... thì việc có thể bớt khoản tiền mua sách giáo khoa cho con thực sự là một tin đáng mừng”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Còn những băn khoăn khi triển khai

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc trích ngân sách mua sách bổ sung vào các thư viện cũng có thể nảy sinh một số vướng mắc.

Thứ nhất, học sinh được mượn sách giáo khoa miễn phí nhưng có thể làm mất đi tính chủ động trong thời gian tiếp cận sách, vì nhà trường cho học sinh mượn sách giáo khoa cũng có tính thời điểm.

Ví dụ, đầu năm học cho các em mượn, cuối năm thu lại cho các em khác mượn. Như vậy, đối với những em học sinh hoặc phụ huynh có nhu cầu cho con tiếp cận với sách giáo khoa như trong hè chẳng hạn thì sẽ nảy sinh bất cập vì không có sách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: NVCC

Thứ hai, không nên “cào bằng”, vì thực tế có những học sinh có nhu cầu mượn nhưng cũng có học sinh không có nhu cầu, gia đình các em hoàn toàn có thể mua được một bộ sách. Vì vậy, nên chăng chúng ta phải tính toán đến việc phân loại, rà soát các em học sinh có nhu cầu mượn.

Thứ ba, hiện nay, phụ huynh học sinh và xã hội đang có ý kiến về giá sách giáo khoa, về việc in ấn sách giáo khoa,...Việc dùng ngân sách mua sách giáo khoa trang bị cho học sinh mượn là việc làm tích cực nhưng không thể bỏ qua việc phải thanh tra, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình in ấn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Khi dư luận và xã hội băn khoăn, nghi ngại về vấn đề này thì cần sớm đưa ra câu trả lời dứt khoát để nếu có vi phạm hay sai sót thì phải xử lý.

“Khi triển khai phương án này cần phải tính toán đến tính hiệu quả của nó và chỉ nên trang bị sách cho những đối tượng nào thực sự cần, không nên áp dụng chung cho tất cả các nhóm đối tượng học sinh vì chưa phù hợp, gây lãng phí nguồn ngân sách, lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, cần rà soát kỹ về nhu cầu và quy trình thời điểm nào cho các em mượn, thời điểm nào thu hồi. Vì là sách dùng chung, cho mượn từ khóa này sang khóa khác nên đội ngũ giáo viên phải hướng dẫn các em học sinh trong quá trình sử dụng làm sao để bảo quản sách giáo khoa được tốt nhất. Phải lường trước được những phức tạp nảy sinh để không bị động khi triển khai.

Chưa kể, theo thống kê số lượng những gia đình có mức sống khá trở lên chưa nhiều, kể cả ở thành thị thì cũng có nhiều gia đình có mức thu nhập chưa cao. Khi nhìn vào số đông như vậy, chúng ta cần đặt ra câu hỏi sách giáo khoa cho học sinh đã cần thiết phải in ấn, thiết kế đẹp hay chưa?

Theo tôi, sách giáo khoa chỉ cần đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đủ; trình bày nội dung kiến thức khoa học, rõ ràng; đảm bảo kiến thức cho các em học sinh chứ chưa cần thiết in quá đẹp để nâng giá thành lên cao, tạo gánh nặng cho các gia đình không có điều kiện và cho xã hội”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị.

Anh Trang