Sử dụng ngân sách mua SGK: Cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng

07/08/2022 06:38
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền để mua một bộ sách mới, nhưng với gia đình có thu nhập thấp hơn, mua một bộ sách mới hàng năm cũng là cả một vấn đề.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 diễn ra ngày 3/8, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, lâu dài.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) đánh giá đây là một sáng kiến hay, giúp giảm "gánh nặng" cho phụ huynh học sinh.

Đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần có thể nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước được ví như "miếng bánh", miếng bánh nhỏ nhưng phải chia cho nhiều nhu cầu khác nhau, cho nên các nhà quản lý cần cân đối và xây dựng lộ trình thực hiện sao cho phù hợp.

"Theo tôi, nên ưu tiên triển khai trước đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Năm nay, chúng ta chưa thể hiện thực hóa đề xuất này ở tất cả các trường học trên cả nước nhưng nếu đặt ra kế hoạch, mỗi năm cố gắng một chút, quyết tâm thực hiện thì số lượng các trường có thư viện cho học sinh mượn sách sẽ sớm được nhân rộng", ông Lê Như Tiến cho hay.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: Cao Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: Cao Kim Anh)

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khi xây dựng thư viện sách trong nhà trường và cho học sinh mượn sách sử dụng nhiều lần cần tính đến việc ổn định chương trình sách giáo khoa, không thể mỗi năm sửa một ít hay mỗi nhiệm kỳ, mỗi năm, cơ quan có thẩm quyền lại lựa chọn những danh mục sách giáo khoa mới, thay một bộ mới.

"Ngày trước, học sinh đi học, sách giáo khoa được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, anh dùng rồi lại đến em, chứng tỏ chương trình phổ thông trước đây ổn định. Nếu chương trình hay sách giáo khoa mới của chúng ta thiếu tính ổn định thì đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo không những không khả thi mà còn ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, dẫn đến sự lãng phí", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Muốn chương trình ổn định thì nội dung sách giáo khoa phải được chọn lọc và mang tính căn cốt. Để làm được điều đó thì các chính sách giáo dục phải rất chuẩn mực.

Mặt khác, đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần cũng cần được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách chuẩn xác bởi thực tế mua sách giáo khoa hay không còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi gia đình.

Khi xây dựng chính sách, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Những gia đình có điều kiện, khá giả hơn, họ có thể sẵn sàng bỏ tiền để mua một bộ sách mới cho con em mình, nhưng với gia đình có thu nhập thấp thì một bộ sách mới cũng là cả một vấn đề. Vì vậy, theo tôi, nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với khả năng đa dạng của người dân để tiền ngân sách rót đúng chỗ".

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tùng Dương)

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa tại các nước tiên tiến khi triển khai chương trình phổ thông mới. Việc cung cấp sách giáo khoa ở nhiều quốc gia có sự khác nhau.

Tại Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển và Thụy Sĩ, các cơ quan quản lý giáo dục trung ương hoặc địa phương sẽ phát miễn phí sách giáo khoa cấp dưới. Phụ huynh chỉ phải mua sách giáo khoa bậc trung học phổ thông. Tất cả học sinh Nhật Bản đều nhận được một bộ sách mới hằng năm. Tại Ý và Singapore, phụ huynh mua sách giáo khoa cho con nhưng học sinh nghèo sẽ được miễn phí.

Để kiềm chế giá, tần số thay đổi sách giáo khoa cũng có quy định. Như ở Pháp và Nhật Bản thay đổi tối thiểu 4 năm một lần, và ở bang Kentucky - Mỹ, chu kỳ này là 6 năm.

"Ở Pháp, hiệu trưởng có quyền chọn nhà xuất bản hoặc cửa hàng sách để lựa chọn những sách giáo khoa đã được chấp thuận. Nói chung, danh mục các sách giáo khoa mà nhà trường đã chọn rất ít thay đổi, nghĩa là sách giáo khoa được sử dụng lại cho năm học tiếp theo ở bậc trung học cơ sở. Bất kỳ sự thay đổi sách giáo khoa hoặc mua những sách tham khảo trong suốt năm học đều bị cấm. Giáo viên ở Pháp không được sử dụng những sách giáo khoa khác nhau cho các lớp học cùng trình độ. Điều này có thể vận dụng vào Việt Nam để hạn chế việc dạy thêm, học thêm", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm.

Để có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra một số giải pháp: "Theo tôi, nước ta nên có viện nghiên cứu về sách giáo khoa. Ngoài ra, việc biên soạn sách giáo khoa cần được thực hiện khoa học và nghiêm túc hơn".

Hoài Ân