Trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông vùng cao đang được hưởng những chính sách nào?

20/12/2023 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chế độ chính sách dành cho đối tượng trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có hỗ trợ chi phí ăn bán trú, chi phí học tập...

Vừa qua, một số vụ việc có dấu hiệu "bớt xén" khẩu phần ăn và chế độ chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao được báo chí và dư luận phản ánh về việc một số trường phổ thông dân tộc bán trú.

Hiện nay, trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông vùng đặc biệt khó khăn đang được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc ăn bán trú, chi phí học tập....

Chế độ chính sách với trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn

Tại Điều 7, Nghị định 105/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, có quy định về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn. [1]

Cụ thể, đối tượng hưởng chính sách là trẻ em mẫu giáo thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn (vùng III); thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Trẻ thuộc nhóm đối tượng nêu trên được được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Để trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phải làm hồ sơ được quy định tại khoản 3, Điều 7.

Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học. Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.

Hình ảnh minh họa.

Hình ảnh minh họa.

Có 2 phương thức chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa là cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nấu ăn cho trẻ em). Hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (2 lần/năm học), nếu chưa nhận được kinh phí hỗ trợ ăn trưa theo thời hạn quy định sẽ được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Nghị định 105 cũng có quy định về hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em được nêu tại khoản 3, Điều 4. Theo đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được quy định tối thiểu 2,4 triệu đồng/tháng/45 trẻ em, nếu trường có số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần hỗ trợ.

"Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng (12 triệu đồng - PV) và không quá 9 tháng/01 năm học", trích văn bản.

Ngoài ra, trẻ mẫu giáo thuộc nhóm đối tượng được quy định tại khoản 4, Điều 18, Nghị định 81/2021 của Chính phủ là ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, được hỗ trợ 150 nghìn đồng/học sinh/tháng để mua sách vở, và các đồ dùng học tập khác. [2]

Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/1 năm học và thực hiện chi trả 2 lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.

Như vậy, trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn được hưởng 310 nghìn đồng/tháng trong 9 tháng của năm học, tương đương tổng 2,79 triệu đồng.

Chế độ chính sách với học sinh phổ thông vùng đặc biệt khó khăn

Nghị định 116/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. [3]

Tại Điều 4 có nêu về điều kiện học sinh tiểu học, trung học cơ sở và học sinh phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú, có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

"Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá", trích văn bản.

Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải đảm bảo các điều kiện như học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học. Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

"Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá", trích văn bản.

Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện quy định vừa nêu trên, còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

Về mức hỗ trợ, học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nêu trên được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.

Cụ thể, mỗi học sinh hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở (720 nghìn đồng/tháng); hỗ trợ tiền nhà đối với trường hợp học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở (180 nghìn đồng); hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng. Tất cả những mức hỗ trợ trên, học sinh không được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Ngoài ra, học sinh phổ thông thuộc nhóm đối tượng nêu trên còn được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ là 150 nghìn đồng/học sinh/tháng để mua sách vở, và các đồ dùng học tập khác.

Như vậy, học sinh phổ thông được hỗ trợ 1050 nghìn đồng/tháng tiền ăn, chi phí học tập, nhà trọ và 15kg gạo/học sinh/tháng ước tính khoảng tổng 200 nghìn đồng, tổng chi phí hỗ trợ gần 1,3 triệu đồng/học sinh/tháng.

Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú được quy định hỗ trợ tại khoản 2 Điều của Nghị định nêu trên. Trong đó, nhà trường được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.

Link bài viết tham khảo:

1)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-dinh-105-2020-ND-CP-quy-dinh-chinh-sach-phat-trien-giao-duc-mam-non-452005.aspx

2)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Nghi-dinh-81-2021-ND-CP-quan-ly-hoc-phi-doi-voi-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-457392.aspx

3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-116-2016-ND-CP-chinh-sach-ho-tro-hoc-sinh-truong-pho-thong-o-xa-thon-dac-biet-kho-khan-317616.aspx

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ, cùng các cơ quan ban ngành về Dự thảo quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Theo đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ tiền ăn cho mỗi trẻ em nhà trẻ bán trú (thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) được hỗ trợ mỗi tháng 360.000 đồng không quá 9 tháng/năm học (trước đây, đối tượng này chưa được hưởng chính sách).

Hỗ trợ tiền ăn học sinh bán trú cấp tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông,và học viên (học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông), mỗi em được hỗ trợ mỗi tháng 900.000 đồng (tăng 180 nghìn đồng/tháng so với hiện nay) không quá 9 tháng/năm học. Đồng thời, mỗi em được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo không quá 9 tháng/năm học và một số khoản hỗ trợ khác.

Mạnh Đoàn