Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi Thị xã La Gi được đổi mới ra sao?

09/05/2024 06:38
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các biện pháp dự thi có tính mới, phù hợp với quan điểm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo định hướng phát triển về phẩm chất, năng lực...

Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông để thay thế cho những quy định cũ về Hội thi giáo viên giỏi trước đây.

Tuy đã được ban hành cách đây 5 năm, nhưng vì một số lý do khách quan mà đặc biệt là vài năm vướng dịch Covid nên nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa kịp tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục thị xã La Gi đã tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đầu tiên theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2019.

Sau gần 1 tháng diễn ra, theo phản ánh của khá nhiều thầy cô dự thi, Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi được tổ chức lần này như một làn gió mới làm thay đổi từ hình thức tổ chức lớp học đến nội dung tiết sinh hoạt lớp (một tiết dạy luôn là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh trước đây).

gdvn-hình gvg.jpg
Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi (Ảnh tác giả)

Hội thi đã đổi mới về nội dung và hình thức

Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi có 2 vòng thi. Vòng 1, giáo viên phải trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày không quá 30 phút và trả lời một số câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra.

Có 80 giải pháp tham gia dự thi và đã có 73 giải pháp (trong đó có 5 giải pháp đạt xuất sắc) vượt qua vòng 1 để bước sang vòng 2, tiết dạy thực hành trên lớp.

Ở vòng thi này, giáo viên không phải viết sáng kiến kinh nghiệm gửi về ban tổ chức như nhiều năm mà trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân ở ngay lớp dạy của mình.

Sau phần trình bày, Ban giám khảo sẽ đặt câu hỏi xoay quanh biện pháp giáo viên vừa thể hiện để làm rõ hơn một số vấn đề. Theo chia sẻ của giáo viên, phần này nếu thầy cô nào không có sự chuẩn bị kỹ hoặc những biện pháp đưa ra không phải nỗ lực của bản thân đã thực hiện trong thực tế mà cắt ghép nhiều chỗ đưa vào sẽ dễ bị phát hiện. Hoặc khi bị Ban giám khảo đặt câu hỏi cũng khó đưa ra câu trả lời thuyết phục.

"Các biện pháp dự thi có tính mới, phù hợp với quan điểm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học và thể hiện tâm huyết của giáo viên đối với học sinh trong quá trình công tác chủ nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thực hiện được mục tiêu mỗi ngày đến trường của học sinh và giáo viên là một niềm vui, từ đó hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và tình trạng bạo lực học đường”, tổng hợp nhận xét của Ban giám khảo Hội thi.

Một trong 4 biện pháp xuất sắc được biểu dương khen thưởng là: “Giáo dục học sinh chưa ngoan bằng kỉ luật mềm góp phần nâng cao chất lượng dạy học” của giáo viên Nghê Thị Thúy Kiều, Trường Trung học cơ sở Bình Tân, thị xã La Gi.

Biện pháp được giáo viên áp dụng đối với lớp 6/7 đã chinh phục giám khảo vì những điều nổi bật như:

biện pháp.jpg
Một trong những biện pháp dự thi đạt giải xuất sắc

Giáo viên chủ nhiệm xây dựng lớp học của yêu thương theo nguyên tắc “ba không” đó là: Không chỉ trích; Không dọa dẫm; Không tẩy chay; Và theo nguyên tắc “ba luôn” là: Luôn chấp nhận; Luôn lắng nghe; Luôn chia sẻ.

Giáo viên chủ nhiệm là người truyền cảm hứng bằng những câu nói ngỡ đơn giản như vô cùng hiệu quả như “Cô tin em làm được!”. “Hôm nay các em xây dựng bài học rất tốt”, “ lớp học thật sạch sẽ”, “bạn A đang tiến bộ mỗi ngày”, “Bạn làm được thì mình cũng làm được”…

Nói không với bạo lực, hãy kết nối như việc tuyệt đối không dùng bạo lực cả trong lời nói. Thầy cô cần có sự kiên trì và công nhận những nỗ lực của học sinh dù chỉ là nhỏ nhất. Cuối cùng luôn nêu gương và khen thưởng học sinh.

Nhiều tiết thực hành đã có sự chuẩn bị chu đáo

67 giáo viên được tham dự vòng 2. Các thầy cô thực hành một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết Hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi.

Yêu cầu của vòng thi này, tiết tổ chức hoạt động giáo dục tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó.

Giáo viên không được tổ chức dạy trước (dạy thử) tiết tổ chức hoạt động giáo dục tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết tổ chức hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi;

Ban giám khảo đã tới từng trường học để dự tiết dạy thực hành. Trong 67 tiết dự thi có 11 tiết dạy được đánh giá xuất sắc.

HÌNH GVXS.jpg
Giáo viên đạt giải xuất sắc (Ảnh tác giả)

67 tiết dạy thực hành tham gia thi, có những tiết dạy Hoạt động trải nghiệm và tiết dạy sinh hoạt lớp. Theo chia sẻ của một số giáo viên, tiết dạy sinh hoạt lớp không đơn giản như chương trình giáo dục phổ thông 2006 trước đây. Ở chương trình 2006, giáo viên tổ chức cho các em nhận xét những việc làm được cũng như mặt tồn tại trong tuần, tuyên dương, nhắc nhở cá nhân, nhóm tổ và đề ra phương hướng cho tuần tiếp theo.

Sinh hoạt lớp dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức sinh động và phong phú hơn. Khoảng 15 phút dành cho việc nhận xét, tuyên dương, đề ra kế hoạch…thời gian còn lại, học sinh được tổ chức sinh hoạt theo chủ điểm của môn Hoạt động trải nghiệm.

Ví dụ, tiết dạy sinh hoạt lớp 6 tuần 27 thuộc chủ đề 8, phòng chống thiên tai và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Nội dung học: Sinh hoạt lớp và thảo luận cuộc sống quanh ta. 15 phút dành cho phần sinh hoạt lớp. Không gian lớp học dành cho học sinh, cô giáo chủ nhiệm đóng vai người quan sát, theo dõi. Điều hành buổi sinh hoạt là lớp trưởng.

Đại diện từng tổ đứng lên nhận xét về ưu điểm, về những tồn tại của tổ trong tuần qua. Các thành viên của lớp cũng được có ý kiến đóng góp...Phần cuối cùng là lời nhận xét, biểu dương của cô giáo chủ nhiệm và kế hoạch đưa ra cho tuần học tiếp theo.

25 phút tiếp theo dành cho nội dung "thảo luận cuộc sống quanh ta". Cô giáo Nghê Thị Thúy Kiều cho biết: "Học sinh trở thành chủ thể và lớp học đã trở thành sân khấu với Hội thi "Biên tập viên toàn năng".

Từng vòng thi được học sinh thể hiện một cách chủ động. Lớp học diễn ra thoải mái, tự nhiên nhưng vô cùng hiệu quả. Học sinh đã hiểu bài ngay trong giờ học".

Bà Phạm Thị Bích Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Lagi, Trưởng ban tổ chức Hội thi nhận xét: "Ưu điểm nổi trội của vòng thi thực hành dạy trên lớp đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, định hướng các hoạt động của học sinh, nhiều tiết thực hành đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.

100% tiết tổ chức hoạt động được ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều giáo viên khai thác rất tốt ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết hoạt động giáo dục, sử dụng hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học giúp các hoạt động trở nên trực quan, sinh động.

Thông qua các tiết dự thi, giáo viên dự thi, nhà trường đã và triển khai thực hiện hoạt động trải nghiệm cơ bản đảm bảo theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp.

Bên cạnh đó cũng đã thấy được sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh học sinh, giáo viên và nhà trường, các tổ chức, đoàn thể trong công tác giảng dạy và giáo dục.

Nội dung giờ học được giáo viên cập nhật thêm một số vấn đề xã hội, thực tế đời sống xung quanh, tạo cơ hội cho học sinh được chia sẻ vốn sống, vốn hiểu biết, trải nghiệm của bản thân với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình, được vận dụng kiến thức kĩ năng các môn học khác vào giải quyết vần đề mới. Học sinh mạnh dạn tự tin, biết chia sẻ, hợp tác, biết tự đánh giá mình và các bạn".

Phan Tuyết