Công việc cuối năm của trường và giáo viên ngoài những việc thường xuyên là chấm điểm kiểm tra cuối kỳ, báo cáo, thống kê điểm, xét tốt nghiệp các cấp,…còn phải thực hiện 2 công việc rất quan trọng là đánh giá giáo viên (viên chức) và xét thi đua, đề nghị các danh hiệu khen thưởng,…
Vì sao phải đánh giá, xếp loại viên chức trước khi xét thi đua trước khi xét viên chức?
Để xét được các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định mới tại Luật Thi đua, khen thưởng 2022 phải căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại viên chức bởi:
Tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 01/01/2024 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”
Như vậy, muốn xác nhận cơ sở giáo dục có bao nhiêu viên chức đủ tiêu chuẩn và đề nghị được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngoài việc đạt tiêu chuẩn Lao động tiên tiến thì phải đạt 1 trong 2 yếu tố là có sáng kiến đạt hiệu quả được cấp trên công nhận hoặc được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (do thủ trưởng đánh giá).
Bên cạnh đó, để được đề nghị được tặng các danh hiệu khen thưởng như Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen bộ, ngành, tỉnh thì vẫn phải căn cứ vào kết quả đánh giá phân loại viên chức.
Cụ thể, tại điểm b, khoản 1 Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
“...b) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;...”
Tại điểm d khoản 1 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng quy định Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây: “…d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở”.
Do đó, để xét được thi đua cá nhân từ chiến sĩ thi đua trở lên hoặc đề nghị hình thức khen thưởng cấp tỉnh trở lên thì phải căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại viên chức.
Đánh giá, xếp loại viên chức khi chưa kết thúc năm học, liệu có khách quan?
Việc thực hiện các việc xét các danh hiệu thi đua, đề nghị các hình thức khen thưởng đối với ngành giáo dục thường thực hiện khi kết thúc năm học, thời điểm tháng cuối tháng 5 mỗi năm học và trình cấp có thẩm quyền xét duyệt trong tháng 6.
Năm học này, để đảm bảo tiến độ hoàn thành nhiệm vụ năm học và xét thi đua, đề nghị các hình thức khen thưởng tại địa phương người viết công tác và nhiều địa phương khác đã có những hướng dẫn đánh giá, xếp loại viên chức khoảng giữa tháng 5/2024, thời điểm một số nơi chưa kết thúc chương trình, học sinh còn học những tuần cuối để hoàn thành chương trình năm học hoặc đang kiểm tra cuối kỳ II, chưa kết thúc năm học.
Chưa kết thúc toàn bộ nhiệm vụ năm học, chưa có số liệu thống kê việc hoàn thành nhiệm vụ, chưa thể xác định giáo viên thực hiện nhiệm vụ tới đâu nhưng đã thực hiện đánh giá xếp loại viên chức, dễ dẫn đến khó công bằng, thiếu khách quan.
Nếu đánh giá trước khi kết thúc năm học có thể xảy ra tình trạng một giáo viên có đạo đức tốt, có kỷ luật tốt, không vi phạm ngày giờ công, tham gia tốt các phong trào,…được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, nhưng đến cuối năm giáo viên đó lại có điểm tổng kết các bài kiểm tra cuối kỳ thấp, không đạt chỉ tiêu chất lượng bộ môn, học sinh giỏi, hay không đạt các nhiệm vụ được giao cuối năm,...
Vì, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định Số: 3/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 90/2020/NĐ-CP và Nghị định 48/2023/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
“1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;
Tại khoản 1 quy định về Chính trị tư tưởng; khoản 2 quy định về Đạo đức, lối sống; khoản 3 quy định về Tác phong, lề lối làm việc; khoản 4 quy định về Ý thức tổ chức kỷ luật; khoản 5 quy định về Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Khi chưa kết thúc năm học, chưa có các đánh giá, tổng kết điểm,…các quy định tại khoản 1,2,3,4 của Điều 3 Nghị định 3/VBHN-BNV có thể đánh giá được.
Tuy nhiên, khi chưa có kết quả về các chỉ tiêu, đánh giá việc thực hiện giảng dạy, giáo dục thì không thể đánh giá được các nội dung quy định tại khoản 5. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tại điểm b khoản 5 quy định việc đánh giá Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ;…
Nếu đánh giá viên chức sớm, khi chưa kết thúc nhiệm vụ năm học, chưa có kết quả thực hiện nhiệm vụ cuối năm cũng không khách quan khi xác định viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì, tại điểm b khoản 1 Điều 12 quy định để đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoài thực hiện tốt các việc trên phải: “b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.”
Bên cạnh đó, để đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ,…theo Nghị định 3/VBHN-BNV thì vẫn phải căn cứ vào việc thực hiện nhiệm vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, tức phải tiến hành vào thời điểm kết thúc năm học, khi đã có đầy đủ số liệu minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ năm học theo kế hoạch, chỉ tiêu đăng ký,….
Nên, đánh giá viên chức khi chưa hoàn tất nhiệm vụ năm học, chưa có tổng kết, chưa thống kê các chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục và ảnh hưởng đến quá trình đánh giá viên chức không chính xác, dẫn đến việc xét thi đua, khen thưởng sẽ không chính xác, dễ dẫn đến mất công bằng.
Và, để đảm bảo công bằng, khoa học, tránh đánh giá thiếu công bằng thì việc đánh giá viên chức phải diễn ra tại thời điểm kết thúc năm học, kết thúc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học,…
Tại khoản 2 Điều 20 có quy định về thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức
“…2. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.”
Nên việc đánh giá viên chức không nhất thiết phải tiến hành quá sớm, đánh giá trước khi kết thúc nhiệm vụ năm học sẽ dẫn đến kết quả đánh giá thiếu khách quan, dễ dẫn đến thiếu công bằng, khoa học.
Việc đánh giá viên chức, xét thi đua nếu trường có tiêu chí rõ ràng, thực hiện công tâm thì việc đánh giá viên chức và xét thi đua sẽ không quá khó khăn, phức tạp.
Nên, người viết cho rằng thời điểm tốt nhất để đánh giá viên chức là cuối tháng 05 khi mọi công việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân đã hoàn tất được định lượng bằng số liệu cụ thể, chính xác. Sau đó, trình cấp có thẩm quyền thống nhất kết quả đánh giá viên chức và hiệu trưởng ký quyết định đánh giá, phân loại viên chức.
Sau khi đánh giá viên chức xong, khoảng đầu tháng 6 thực hiện xét thi đua, xét các hình thức khen thưởng thì cả việc đánh giá viên chức hay xét thi đua, khen thưởng sẽ phù hợp hơn và kết quả sẽ chính xác hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.