Điểm mới trong đánh giá viên chức, xét thi đua của giáo viên năm học 2023-2024

01/04/2024 10:16
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Xếp loại viên chức bị khống chế ở tỉ lệ phần trăm nhưng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở lại mở ra một số tiêu chuẩn có phần thoáng hơn những năm học trước đây.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, năm học 2023-2024 sẽ kết thúc đối với các cấp học từ Mầm non đến Trung học phổ thông. Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc các trường học sẽ tiến hành việc đánh giá viên chức, xét thi đua cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở đơn vị mình.

Việc xếp loại viên chức hằng năm sẽ được nhà trường lưu trong hồ sơ cá nhân của từng giáo viên nên phải tuân thủ theo nhiều bước. Song, điều mà những giáo viên đạt được nhiều thành tích trong một năm học chờ đợi là bản thân họ sẽ được tổ chuyên môn, nhà trường xét, đề nghị ở danh hiệu thi đua nào.

Bởi, danh hiệu thi đua không chỉ ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi viên chức trong 1 năm học mà những danh hiệu cao còn gắn liền với những quyền lợi thiết thực để làm điều kiện cho việc xét nâng lương trước thời hạn sau này.

Trong khi đó, việc xếp loại viên chức; xét thi đua trong năm học 2023-2024 này có nhiều điểm mới. Xếp loại viên chức bị khống chế ở tỉ lệ phần trăm nhưng xét thi đua đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở lại mở ra một số tiêu chuẩn có phần thoáng hơn những năm học trước đây.

de-xuat-gv-1-9468-1666165251528970584317-0-139-630-1147-crop-1666165264618695579555-2497-8990.jpg
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Chỉ 20% viên chức trong mỗi đơn vị được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

Trước đây, cũng như mấy năm học vừa qua đang thực hiện theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thì việc xếp loại viên chức hằng năm ở các nhà trường không bị khống chế bởi số lượng, tỉ lệ phần trăm.

Nếu cán bộ, giáo viên, nhân viên nào đạt được các tiêu chí thì đều có thể được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc xếp loại viên chức được thực hiện theo các bước: viên chức tự đánh giá; tổ chuyên môn đánh giá; hiệu trưởng đánh giá.

Chính vì không khống chế về số tỉ lệ phần trăm nên số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khá nhiều.

Bởi, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, quản lý thì cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường còn tham gia nhiều phong trào khác, như: thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp; thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi làm đồ dùng dạy học; bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa; hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt; Hội khỏe Phù Đổng….

Những hội thi, phong trào mà giáo viên tham gia, bồi dưỡng cho học sinh có giải sẽ là điểm nhấn cần thiết trong việc xét loại viên chức hằng năm. Vì thế, việc xét và xếp loại viên chức thường căn cứ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ và những thành tích đạt được của từng cá nhân để xếp loại.

Tuy nhiên, ngày 17/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi.

Theo đó, tỷ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:

“Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng...”.

Trong khi đó, tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn như sau:

“Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.

Điều này cũng đồng nghĩa, khi kết thúc năm học 2023-2024, các trường chỉ được xếp loại viên chức tối đa là 20% số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì thế, phải là những cá nhân có thành tích nổi bật nhất trong đơn vị mới đạt loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Việc khống chế tỉ lệ xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể dẫn đến việc xét viên chức trong năm học 2023-2024 sẽ gay gắt hơn rất nhiều- nhất là những địa phương, những trường học đang lấy việc xếp loại viên chức hằng năm để làm tiêu chí chia thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.

Xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cũng có những thay đổi so với trước đây

Hiện nay, các danh hiệu Chiến sĩ thi đua bao gồm: Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh; Chiến sĩ thi đua cơ sở đều yêu cầu có sáng kiến hoặc đề tài khoa học được công nhận hoặc nghiệm thu của cấp có thẩm quyền.

Trong các danh hiệu này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thường chỉ hướng đến danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì nó dễ đạt hơn và phù hợp với giáo viên trong 1 năm học. Các danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh đòi hỏi phải nhiều năm mới có thể đạt được.

Trong khi đó, việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học này có những điểm mới, có thể tạo điều kiện cho những giáo viên không đạt sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể được xét danh hiệu này.

Cụ thể, theo Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 tại Điều 23 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cần các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Như vậy, điểm mới trong xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học này so với các năm học trước đây là tiêu chí sáng kiến hoặc đề tài khoa học không còn là tiêu chí bắt buộc khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn thì cho dù cán bộ, giáo viên, nhân viên không có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài khoa học đạt giải nhưng được nhà trường khi được xét viên chức loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng đủ điều kiện để nhà trường xét và đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Việc Luật Thi đua, Khen thưởng mở rộng tiêu chí, không bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài khoa học đạt giải hoặc được nghiệm thu sẽ mở ra cơ hội cho những giáo viên đạt được các thành tích khác, như: thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp; thi làm đồ dùng dạy học; bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa…

Thực tế cho thấy, việc những năm trước đây yêu cầu khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm khiến cho nhiều giáo viên rất thiệt thòi. Chẳng hạn, việc giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng khi học sinh đạt giải lại không được ghi nhận xứng đáng.

Vì thế, việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học 2023-2024 này sẽ góp phần tạo ra sự công bằng hơn giữa các phong trào thi đua trong nhà trường.

Tuy nhiên, để xét loại viên chức; xét thi đua một cách công tâm, khách quan, tránh những thị phi đòi hỏi Ban giám hiệu nhà trường và các tổ chuyên môn phải làm chặt chẽ, phân tích kĩ lưỡng.

Bởi lẽ, việc siết tỉ lệ trong xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% chắc chắn sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các cá nhân trong tổ, trong trường. Một khi xét viên chức không cẩn thận, khách quan sẽ rối khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho các cá nhân vì danh hiệu này đang có rất nhiều quyền lợi đi kèm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO