Trễ hạn tốt nghiệp vì thiếu đầu ra ngoại ngữ, gây ảnh hưởng lớn đến trường và SV

25/10/2024 06:16
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nhiều sinh viên khó đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, có trường đại học đề xuất xây dựng lộ trình tiếng Anh linh hoạt, phân luồng theo trình độ.

Các trường đại học hiện đang quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh để xét tốt nghiệp sinh viên là bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương ứng B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu - CEFR hoặc IELTS 5.0); riêng ngành ngôn ngữ là bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

Đây vốn là điều kiện tối thiểu dành cho người học trình độ cử nhân để tốt nghiệp, tuy nhiên, dù chuẩn đầu ra ở mức cao hay thấp vẫn là “nỗi sợ” của nhiều sinh viên năm cuối. Có những sinh viên xét tốt nghiệp nhiều năm mới đạt chuẩn đầu ra, đủ điều kiện nhận bằng.

Sinh viên gặp khó để hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh để tốt nghiệp

Hoàng Hương Giang (sinh năm 2001), sinh viên khoá 2019-2023 tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2023, Hoàng Hương Giang chưa đủ điều kiện tham gia đợt xét tốt nghiệp tháng 6/2023 và tháng 10/2023. Đến năm 2024, nữ sinh tiếp tục bỏ lỡ đợt xét tốt nghiệp tháng 5/2024 do chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.

Đến tháng 8/2024, nữ sinh mới hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh tại trường và nộp hồ sơ xét tốt nghiệp. Và đến đợt xét tốt nghiệp thứ 2 trong năm nay (vào ngày 05/9/2024), nữ sinh mới chính thức đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp. Như vậy, việc tốt nghiệp của Giang đã bị kéo dài thêm một năm.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hương Giang cho biết, chuyên ngành mà cô đang theo học là một trong những chuyên ngành có chương trình đào tạo chuyên sâu vì vậy, yêu cầu sinh viên đạt trình độ tiếng Anh B2 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu hoặc chứng chỉ tiếng Trung HSK4.

“Năm 2023, tôi chưa hoàn thành các tín chỉ thực tập tốt nghiệp, do đó, tôi xác định sẽ tốt nghiệp muộn và dành thời gian này để học thêm tiếng Anh, thi chứng chỉ TOEIC. Tuy nhiên, đến năm 2024, dù đã hoàn thành học phần thực tập, tôi vẫn thiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tiếp tục phải chờ đợi đợt tốt nghiệp lần 2 trong năm.

Khi đó, tôi quyết định không thi chứng chỉ bên ngoài mà đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh theo khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do nhà trường tổ chức. Bởi tôi cảm thấy khi thi tại trường, kiến thức tôi học được sẽ sát hơn so với các chứng chỉ bên ngoài. Nhờ có đợt thi này, tôi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp và ra trường”, Hương Giang bộc bạch.

Từ bài học của bản thân mình, Giang chia sẻ rằng, người học nên tự trau dồi tiếng Anh thay vì trông chờ các học phần tại trường. Nếu được, có thể học theo cấu trúc của các chứng chỉ như TOEIC, IELTS. Bởi, chứng chỉ này không chỉ giúp người học quy đổi để đạt chuẩn đầu ra, mà còn hỗ trợ thuận lợi cho quá trình xin việc sau này.

Sinh viên vẫn còn sợ, ngại học tiếng Anh, dẫn đến tâm lý học “đối phó”

Nhìn từ thực tiễn, chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay, chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu người học cần đạt được để tốt nghiệp.

Thực tế sinh viên tốt nghiệp muộn do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, cô Hoàng Anh cho hay: “Điều này theo cá nhân tôi đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, do bản thân một số bạn sinh viên chưa có nền tảng tiếng Anh tốt khi bước chân vào cánh cửa đại học nên phát sinh tâm lý ngại/sợ học tiếng Anh, không có lộ trình học, thi chứng chỉ chuẩn đầu ra phù hợp với cá nhân mà để dồn vào thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp mới học ôn và thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Thứ hai, phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở bậc đại học đã triển khai đầy đủ 4 kỹ năng, nhưng với quy mô lớp đông, thời gian đào tạo trên lớp cho từng kỹ năng là giới hạn, năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên chưa tốt đã ảnh hưởng tới kết quả học”.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, việc sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do thiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ có ảnh hưởng lớn đến nhà trường và sinh viên. Với nhà trường, vấn đề trên sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung và phải phân bổ thêm các nguồn lực (giảng viên, giảng đường…) để giảng dạy và hỗ trợ cho những sinh viên chậm tốt nghiệp.

Với người học, sẽ phát sinh các chi phí như học phí, tiền thuê nhà trong thời gian tiếp tục duy trì cho đến khi đủ điều kiện tốt nghiệp. Đồng thời, cơ hội về công việc, nghề nghiệp cũng bị hạn chế hoặc vuột mất do chậm tốt nghiệp gây ra.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), lý do chính khiến nhiều sinh viên vẫn còn “nợ” chuẩn đầu ra ngoại ngữ, dẫn đến tốt nghiệp muộn, là do sinh viên chưa coi trọng ngoại ngữ, xem đây là môn phụ, dẫn đến tâm lý học “đối phó” và không đầu tư thời gian, công sức hợp lý.

Thầy Nghĩa cho biết, hạn chế về cơ sở vật chất như thiếu phòng học chuyên dụng, thiếu thiết bị hỗ trợ hệ thống âm thanh cũng khiến sinh viên không có cơ hội luyện nghe - nói hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay, tại các nhà trường, chủ yếu là môi trường học ngoại ngữ không tương tác, sinh viên ít có không gian giao lưu, thực hành giao tiếp với nhau hoặc với sinh viên quốc tế, dẫn đến thiếu động lực và cơ hội sử dụng ngoại ngữ ngoài lớp học.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Cần xây dựng lộ trình đào tạo tiếng Anh linh hoạt, phân luồng theo trình độ

Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Châu Văn Đôn - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Yên thì cho dù chuẩn đầu ra được quy định ở mức độ và hình thức nào chăng nữa, đây vẫn là một trong những trở ngại tương đối lớn đối với sinh viên năm cuối, nhất là khi ngoại ngữ không phải sở trường hay là chuyên ngành chính của các em.

Theo thầy Đôn, trên thực tế, phần lớn các nội dung dạy học trong tín chỉ tiếng Anh trên lớp được thiết kế phù hợp với đề thi của chính học phần đó. Do vậy, sinh viên muốn đạt được chuẩn đầu ra bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, ngoài các học phần bắt buộc, cần phải ôn thi chuẩn đầu ra, mới có thể nắm bắt được kết cấu đề thi và đạt kết quả tốt.

Từ kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua, Tiến sĩ Châu Văn Đôn chia sẻ thêm: “Hiện nay, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Yên đang sử dụng giáo trình VOICES của Nhà xuất bản Cengage Learning (Hoa Kỳ), với ưu điểm quản lý được thời gian và kết quả học ngoại ngữ của sinh viên qua hệ thống Spark…, kết hợp với với các phần mềm dạy học Kahoot, Quizizz...

Thông qua các tài liệu và phần mềm này, sinh viên có thể tăng cường tương tác với giảng viên, cũng như nghiêm túc thực hiện các yêu cầu bài tập, kiểm tra... Đây là tiền đề rất tốt để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên và hạn chế tình trạng tốt nghiệp muộn”.

TS Châu Văn Đôn.jpeg
Tiến sĩ Châu Văn Đôn (đứng giữa) - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: Website trường.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, hiện nay, đào tạo ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục đại học thường đi theo 2 mô hình sau: Thứ nhất, chương trình đào tạo có các học phần ngoại ngữ gồm 4 kỹ năng. Thứ hai, chương trình đào tạo không có các học phần ngoại ngữ - với mô hình đào tạo này, người học chủ động học tiếng Anh tại các trung tâm trong và ngoài trường để đạt chuẩn đầu ra và đảm bảo điều kiện tốt nghiệp.

Chia sẻ về thực tế tại Học viện Ngân hàng, cô Hoàng Anh cho biết, tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn của Học viện Ngân hàng những năm gần đây đạt khoảng trên 85%. Theo đó, khoảng 15% sinh viên tốt nghiệp muộn hơn do nhiều lý do khác nhau, trong đó có một số ít tỷ lệ sinh viên ra trường muộn do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tỷ lệ này tương đối đồng đều giữa các ngành đào tạo của Học viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, để nâng cao tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ đúng lộ trình và đáp ứng được yêu cầu của xã hội, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường và người học.

Đầu tiên, nên đổi mới chương trình giảng dạy ngoại ngữ. Các cơ sở giáo dục đại học cần tổ chức phân luồng sinh viên theo trình độ, tổ chức các khóa học ngoại ngữ theo các cấp độ khác nhau, dựa trên năng lực đầu vào của sinh viên, đảm bảo rằng mỗi sinh viên được học tập phù hợp với khả năng của mình.

Ngoài ra, các trường cần thiết kế chương trình học có tính ứng dụng cao: Nội dung giảng dạy hướng đến phát triển kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế. Tăng cường hoạt động giao tiếp, thảo luận nhóm, thuyết trình và các tình huống giả định giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết, mà còn có cơ hội ứng dụng trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong môi trường công việc.

Thứ hai, cần đổi mới hệ thống đánh giá chuẩn đầu ra theo hướng toàn diện bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Việc tổ chức kiểm tra kỹ năng nghe, nói trong tình huống thực tế sẽ đảm bảo sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ có đủ khả năng giao tiếp trong môi trường làm việc sau này.

Thứ ba, tăng cường định hướng và tạo động lực cho sinh viên, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ.

chuan-dau-ra-ngoai-ngu-thumb.jpeg
Phòng thi tiếng Anh phục vụ chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại Học viện Ngân hàng. Ảnh: Website trường.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng tùy chỉnh chương trình đào tạo theo từng ngành, xây dựng lộ trình học tiếng Anh linh hoạt. Bởi vì, sẽ có sự khác biệt đáng kể trong khả năng đạt chuẩn tiếng Anh giữa các ngành học khác nhau. Sự khác biệt này thường xuất phát từ nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong từng ngành, mức độ tương tác với môi trường quốc tế và nền tảng của sinh viên khi nhập học.

“Do đó, thay vì áp đặt cùng một chuẩn tiếng Anh cho tất cả các ngành, nhà trường có thể xây dựng các lộ trình học tập linh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế của từng ngành. Các ngành ít sử dụng tiếng Anh có thể yêu cầu mức độ trung bình, trong khi các ngành liên quan đến lĩnh vực quốc tế hoặc công nghệ cần mức độ cao hơn” - vị này nhấn mạnh.

Ngọc Huyền