Để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 cần giảm thủ tục cấp phép chương trình tích hợp

11/10/2024 06:42
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện hơn trong việc thực hiện các chương trình tích hợp với nước ngoài.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tuy nhiên, hiện nay không ít cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc đưa chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài vào trường học. Nhất là việc xin cấp phép, gia hạn chương trình tích hợp có yếu tố nước ngoài là một thách thức với các trường vì trải qua quá nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài.

Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đề xuất các cơ quan quản lý nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về các thủ tục xin cấp phép chương trình liên kết với nước ngoài, đồng thời tích hợp các bước thực hiện để giảm bớt áp lực về thủ tục hành chính cho các nhà trường.

Đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm

Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài, thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 05 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cho hay: “Tôi đồng ý với quan điểm nếu chương trình không có gì thay đổi thì không nhất thiết phải làm hồ sơ, thủ tục gia hạn mà nên tự động gia hạn thời gian hoặc kéo dài thời hạn thêm cho các chương trình liên kết với nước ngoài.

Thực tế, về mặt chủ trương, Nhà nước rất tạo điều kiện cho các trường phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số thủ tục phức tạp. Nếu có thể đơn giản hóa hơn hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho các trường có thể linh hoạt, sáng tạo hơn khi triển khai thực hiện”.

thay-thong-1.jpeg
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Thống cũng cho biết thêm, Hệ thống Trường Đoàn Thị Điểm cũng xây dựng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Mục tiêu trên hết của nhà trường khi thực hiện chương trình là đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu.

“Tuy nhiên, thời gian đầu khi nhà trường làm thủ tục xin cấp phép chương trình cũng tương đối phức tạp, thời gian nhà trường hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép chương trình tích hợp với nước ngoài là khoảng 2 năm. Hiện, nhà trường mới thực hiện chương trình này được 3 năm, chưa gia hạn lại”, thầy Thống thông tin.

Trong khi đó, nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường liên cấp Newton cho hay: “Theo tôi, với các chương trình tích hợp với nước ngoài nếu cứ 5 năm phải gia hạn một lần thì các trường cũng khá lo lắng vì mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, vừa qua trong kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng nêu nhiệm vụ quan trọng là từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Mà khi đã là ngôn ngữ thứ hai thì không còn là ngoại ngữ nữa. Do đó, khi đưa các chương trình tích hợp, chương trình có yếu tố nước ngoài vào liên kết đào tạo nên có cơ chế cởi mở hơn.

Tôi cũng mong muốn các trường có thể giảm bớt những thủ tục hành chính này. Thực tế, các trường hiện nay có sự cạnh tranh khá lớn. Nếu cơ sở giáo dục muốn giữ uy tín thì họ sẽ xây dựng chương trình thực sự tốt, hiệu quả. Còn ngược lại nếu trường nào làm không tốt thì phụ huynh cũng sẽ có sự đánh giá.

Đối với Hệ thống Trường liên cấp Newton, nhà trường đã bắt nhịp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai từ khá lâu. Nhà trường cũng dạy chương trình Cambridge cả 10 năm nay nên tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai ở trường”.

Tuy nhiên, cô Dung cũng đề xuất với các chương trình liên kết nước ngoài, cần có sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở giáo dục và Đào tạo địa phương nhưng nên tạo điều kiện cởi mở hơn cho các trường phát triển.

Nếu các chương trình tích hợp với nước ngoài không có sự thay đổi về chương trình học thì có thể gia hạn thời gian cấp phép lên 10 năm hoặc tăng cường công tác hậu kiểm hơn để đảm bảo các chương trình này đảm bảo chất lượng.

Cô Lê Thị Bích Dung.jpeg
Nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường liên cấp Newton.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Đỗ Thị Huyền Chi - Phó Hiệu trưởng phụ trách chương trình song ngữ Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cho biết: Đối với thủ tục xin cấp phép chương trình tích hợp với nước ngoài cần có sự thông qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Từ việc tích hợp các môn học nào, thời lượng như thế nào, triển khai ra sao, đội ngũ giáo viên như thế nào… Quy trình để hoàn thành đầy đủ hồ sơ mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều lần thẩm định hồ sơ.

Trên khía cạnh là đơn vị thực hiện, theo tôi có thể tích hợp một số bước trong quy trình lại với nhau để giảm bớt thủ tục hành chính cho các trường. Thực tế để làm một bộ hồ sơ xin cấp phép chương trình tích hợp mất rất nhiều thời gian. Nhà trường phải mất tới 2 năm mới có thể hoàn thiện hồ sơ này.

“Sở dĩ nhà trường mất tới 2 năm mới hoàn thiện xong các hồ sơ, thủ tục vì phải làm đi làm lại rất nhiều lần do không có những hướng dẫn cụ thể. Theo tôi cần có một quy định chung hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể. Ví dụ với môn Toán khi thực hiện chương trình tích hợp cần dạy đủ bao nhiêu tiết và các trường cần đảm bảo những nội dung gì. Khi các trường làm hồ sơ dù có sáng tạo như thế nào vẫn phải đảm bảo quy định chung đó. Nếu có một quy định chung thì sẽ dễ dàng hơn cho các trường trong quá trình thực hiện”.

Cũng theo cô Chi sau một thời gian thực hiện, các trường cần làm báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để đánh giá lại xem việc thực hiện chương trình đó như thế nào, nội dung nào đã thực hiện tốt, nội dung nào chưa hoàn thiện cần điều chỉnh.

“Theo tôi báo cáo và gia hạn là những việc cần thiết phải làm với chương trình tích hợp có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, nhà trường cũng mong muốn các cơ quan quản lý có quy định cụ thể, rõ ràng về mặt văn bản hoặc có một mẫu chung để các trường thực hiện. Những yêu cầu về mặt thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn, cần thiết nhưng đừng rườm rà”, cô Chi nhấn mạnh.

435578573_805540818274465_514596133825770468_n.jpg
Thí sinh tham gia vòng chung kết The Inspirers khối 6 tại Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: NTCC)

Làm thế nào để đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học?

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đặng Quốc Thống khẳng định: Nhà trường hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Với các nước phát triển, gần như họ đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để dạy học. Nếu ở Việt Nam, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện cho các trường phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cũng cần thời gian chuẩn bị về đội ngũ nhân lực. Vì để thực hiện được như vậy trước hết cần một đội ngũ giáo viên rất thông thạo tiếng Anh để có thể dạy được cả hai ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

“Ngay cả các trường đại học hiện nay cũng chỉ có một số ngành dạy bằng tiếng Anh. Chính vì thế, để các trường phổ thông thực hiện được điều này cũng cần một lộ trình dài. Trước hết, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện hơn cho các trường trong việc hợp tác đào tạo, liên kết với nước ngoài để làm tiền đề đưa tiếng Anh vào trường học.

Để nhân rộng mô hình này ra toàn quốc thì cần có cơ chế thông thoáng hơn. Nếu cứ triển khai một chương trình lại cần một quá trình quá dài để chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đôi khi sẽ khiến các cơ sở giáo dục cảm thấy ngại ngần khi thực hiện”, thầy Thống nhận định.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Huyền Chi cho rằng việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào.

“Nếu muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì các trường phải sử dụng tiếng Anh không chỉ trong giờ học ngoại ngữ mà cần sử dụng tiếng Anh trong các môn học khác. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hiện nay, nhất là hệ thống trường công lập thì chỉ có duy nhất giờ ngoại ngữ học tiếng Anh. Do đó, cần có thêm các chính sách khuyến khích hợp tác đào tạo với nước ngoài để việc học Tiếng Anh trở nên phổ biến hơn ở cả các môn học khác”.

Phó Hiệu trưởng phụ trách chương trình song ngữ Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cũng thông tin thêm: Với hệ thống Trường Đoàn Thị Điểm, chủ trương đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai đã được nhà trường thực hiện cách đây 20 năm. Ngay khi thành lập trường từ những năm 2005, 2006 nhà trường đã có những lớp quốc tế, học các môn học khác bằng Tiếng Anh.

Học sinh nhà trường không bị ép buộc dùng Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thay vào đó phần lớn học sinh tự nguyện, thích và đam mê sử dụng tiếng Anh trong trường học. Trong giờ ra chơi, các bạn nói chuyện với nhau cũng dùng tiếng Anh hay cũng có những bạn thích đọc sách, đọc truyện bằng Tiếng Anh.

“Định hướng của Bộ chính trị về việc đưa tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là rất đúng đắn. Thậm chí, điều đó sẽ trở thành xu hướng tất yếu của giáo dục trong tương lai. Dù có hoạch định hay không, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thông tin liên lạc, nhờ có quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng và nhanh chóng khiến mọi khoảng cách đang bị thu hẹp, trong đó có cả khoảng cách về ngôn ngữ.

Về hệ thống Đoàn Thị Điểm từ 20 năm trước, khi thành lập bậc trung học cơ sở và sau này là trung học phổ thông, bên cạnh chủ trương đào tạo học sinh theo hướng toàn diện, mạnh về trí tuệ, khỏe về thể chất, nhân văn trong nhận thức, nhà trường còn rất chú trọng đến đào tạo ngoại ngữ, 20 năm trước là tiếng Anh và gần đây là nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung. Hiện tại, công tác giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường vẫn theo chiến lược: dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai song hành cùng các ngoại ngữ khác”, cô Chi chia sẻ.

425767548_805540841607796_9104881088209755628_n.jpg
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, cần tạo điều kiện hơn cho các chương trình tích hợp với nước ngoài. (Ảnh: Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cung cấp)

Phó Hiệu trưởng phụ trách chương trình song ngữ Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cũng chia sẻ thêm về một số dự án dạy học bằng tiếng Anh mà nhà trường theo đuổi nhiều năm qua. Có thể kể đến dự án "ENGLISH-more than a foreign language", sử dụng 2 phương pháp:

Task-Based Language Teaching: trong đó, học sinh tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, sử dụng tiếng Anh như một công cụ để hoàn thành nhiệm vụ.

Language Across the Curriculum: khuyến khích việc sử dụng tiếng Anh không chỉ trong lớp học ngôn ngữ mà còn trong các môn học khác và hoạt động ngoài trời.

Các lớp tăng cường tiếng Anh của nhà trường cũng đạt nhiều thành tích cao trong những năm vừa qua. Trong đó, lớp tăng cường đầu tiên (C1) luôn đảm bảo 100% học sinh đỗ vào các trường chuyên ngữ. Các lớp còn lại từ 30% - 80%.

Định hướng đầu ra của nhà trường là 50% học sinh lớp 9 đạt 6.5 IELTS trở lên, trong đó lớp tăng cường C1 100% đạt 7.0 IELTS trở lên.

Thành tích của bậc trung học phổ thông năm 2024 được thể hiện ở kết quả xét tuyển đại học bằng học bạ và chứng chỉ quốc tế. Theo đó, số lượng học sinh có chứng chỉ 192/362 (53.02%). Trong đó, 152 học sinh đạt từ 6.5 trở lên (79.2%). Kết quả xét tuyển đại học bằng học bạ và chứng chỉ quốc tế năm 2023-2024: 697 lượt đỗ đại học sớm bằng các phương thức xét tuyển.

Nhật Lệ