Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc NXBGDVN

07/06/2024 13:39
Hà An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc NXBGDVN cho ông Nguyễn Tiến Thanh.

Phát biểu chúc mừng ông Nguyễn Tiến Thanh nhận quyết định bổ nhiệm, chúc mừng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiện toàn nhân sự chủ chốt để bước vào chặng đường mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc lại bề dày truyền thống, vai trò, đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với mỗi học sinh, mỗi nhà giáo, với ngành Giáo dục và đất nước.

Theo Bộ trưởng, mỗi học sinh, mỗi nhà giáo đang công tác trong ngành cũng như từng trải qua hoạt động giáo dục đều nhớ, đều biết đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bởi những ấn phẩm ở đây đã trở thành những sản phẩm hết sức quen thuộc và có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với giáo dục Việt Nam.

“Trong quá trình phát triển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp cho nền giáo dục của nước nhà. Những năm gần đây, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đổi mới, tiên phong trong đổi mới và đã có nhiều đóng góp, đặc biệt trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Bộ trưởng nhận định.

1.jpg
Sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ông Nguyễn Tiến Thanh.

Nhấn mạnh sự sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ trong thời gian qua với các hoạt động của Nhà xuất bản và sự nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần đổi mới chính mình của mỗi cán bộ, nhân viên, Bộ trưởng đánh giá: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành được trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Các bộ sách giáo khoa được xuất bản bảo đảm đúng tiến độ, số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn, đồng thời đã có những cố gắng trong giảm giá sách giáo khoa. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, nỗ lực, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, so với kỳ vọng của đất nước, của ngành Giáo dục và của mỗi học sinh, giáo viên vẫn còn những việc khiến dư luận xã hội băn khoăn, trăn trở về sự phát triển và đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

Đứng trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng, so với các tập đoàn kinh tế lớn, quy mô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn nhỏ bé; song xét về phương diện vị trí, vai trò, sự ảnh hưởng, tác động xã hội, sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội đối với đơn vị lại vô cùng lớn. Do đó rất cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa từ nhân sự mới, từ đội ngũ cán bộ, nhân viên để tiếp tục đưa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào chặng đường mới với kỳ vọng mới.

Nhận định biên soạn sách giáo khoa đã đi được một chặng đường quan trọng, nhưng theo Bộ trưởng, chặng đường sắp tới không chỉ là câu chuyện sách giáo khoa. Nhà xuất bản cần có những đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới sắp tới của ngành Giáo dục. Theo đó, không chỉ xuất bản sách giáo khoa, tư liệu tham khảo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần cung cấp các ấn phẩm khác phục vụ nghiên cứu, học thuật, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật… vừa nâng cao dân trí, vừa phục vụ mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, đúng như mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo.

“Hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là một tinh thần, một triết lý. Chúng ta không phải là một doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, mà là một nhà xuất bản cần mô hình hoạt động của doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm của giáo dục… Lúc này, tinh thần giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của nhà xuất bản. Doanh nghiệp, kinh doanh, thu lợi là công cụ để chúng ta thực hiện trách nhiệm giáo dục với xã hội”.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu tổ chức bộ máy, mở rộng những phương diện cần mở rộng và thu hẹp hoạt động nhất khoát phải thu hẹp. Phải có sự cải tổ từ bên trong, phát huy truyền thống của Nhà xuất bản với đội ngũ chuyên gia, nhà biên tập hùng hậu để thực hiện tốt trách nhiệm với ngành, với đất nước.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - Nguyễn Tiến Thanh hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua nhiều thách thức đang đặt ra, vận hành được Nhà xuất bản một cách tốt nhất. Bộ trưởng cũng mong tập thể ban lãnh đạo Nhà xuất bản cùng đoàn kết một lòng; thực sự nhận thấy tầm quan trọng, hệ trọng của sự đoàn kết.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ theo sát đơn vị hơn nữa, lãnh đạo một cách kịp thời, chặt chẽ hơn nữa và hỗ trợ để Nhà xuất bản hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.

Chia sẻ sự vinh dự, trách nhiệm khi nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết bản thân nhận thức sâu sắc rằng: "Từ hôm nay, tôi sẽ trở thành một phần của tập thể đã vun bồi nên lịch sử 67 năm đầy tự hào của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cho tới bây giờ, ở đây đã có 3-4 thế hệ những cán bộ, biên tập viên, tác giả, nhân viên miệt mài đam mê với công việc làm sách giáo dục- một công việc đầy cảm hứng nhưng cũng không ít nhọc nhằn, gian khổ, đã tạo dựng nên thương hiệu của một Nhà xuất bản luôn hoàn thành nhiệm vụ với sự nghiệp giáo dục, với xã hội, đồng thời luôn dẫn đầu thị trường xuất bản cả về uy tín lẫn sản lượng và doanh thu.

Những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, va đập với thực tế đúng vào thời điểm nước rút khi cả hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 Nhà xuất bản giáo dục tại các miền, 38 công ty thành viên gồng mình, căng sức, chạy đua với thời gian để in ấn, phát hành, cung ứng và tập huấn sách giáo khoa kịp thời cho năm học mới đến từng địa phương, từng ngôi trường, từng thầy cô giáo và từng học sinh, tôi bước đầu cảm nhận được sức nóng, tính áp lực và sự gian khổ của công việc làm sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng".

Nhận thấy điều đó, ông Nguyễn Tiến Thanh hiểu rằng: "Khi nhận nhiệm vụ mới, công việc có thể là mới mẻ, môi trường công tác và những kỹ năng cần thiết trong việc quản trị có thể mới mẻ, nhưng những giá trị mà tôi cần dựa vào để hoàn thành công việc của mình trong thời gian tới lại là những điều rất cũ : tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi, sự liêm chính và tận tâm với trách nhiệm được giao… Để cùng tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động trong hệ thống Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bước tiếp hành trình mà những thế hệ đi trước đã khai mở".

Trong đó, với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động… Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.

Trước đó, ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Hà An