TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho trường tư và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

25/08/2022 06:52
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, năm học mới sắp đến, ngành giáo dục thành phố vẫn tiếp tục đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

Ngày 25/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.

Trước thềm năm học mới sắp, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về những thách thức, áp lực của ngành trong năm học mới.

Năm học mới cận kề, dự kiến toàn thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm gần 22.000 học sinh ở các cấp học, bậc học. Như vậy, ngành giáo dục đã có những sự chuẩn bị gì để đáp ứng được nhu cầu về chỗ học của học sinh, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Dự kiến, trong năm học 2022 – 2023 sắp đến, toàn thành phố sẽ tăng thêm 21.825 học sinh, tập trung nhiều ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Riêng đối với bậc tiểu học, số lượng học sinh tăng nhiều ở thành phố Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, do đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số cơ học tăng cao.

Trước đó, trong năm học 2021 – 2022, tổng số học sinh không có hộ khẩu tại thành phố là 343.894 em. Những áp lực này đã khiến cho sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày giảm.

Các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Trước tình hình này, trong năm học 2022 – 2023, thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện đã có phương án tuyển sinh phân tuyến phù hợp, để đảm bảo chỗ học cho tất cả mọi học sinh. Song song đó, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp, tăng cường xây dựng các hoạt động trực tuyến, trải nghiệm, hướng nghiệp để đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Ngoài ra, Sở cũng tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị, Sở ban ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục hoạt động, thực hiện xã hội hóa giáo dục hơn nữa, tạo môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng, để tất cả mọi học sinh đều được thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất.

Thưa ông, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những giải pháp gì để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học phổ thông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Những năm học trước, khi thực hiện Chương trình giáo dục theo Quyết định 16 ban hành năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếng Anh và Tin học là 2 môn tự chọn. Các trường có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên với năng lực, trình độ phù hợp với nhu cầu giảng dạy.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, hai môn này trở thành môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, các quy định mới về chuẩn năng lực giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 khiến các giáo viên cũ không còn đủ năng lực phù hợp theo quy định.

Hiện nay, việc đào tạo giáo viên tiếng Anh và Tin học ở các trường đại học không kịp cung ứng nguồn giáo viên cho các trường phổ thông. Bên cạnh đó, mặt bằng chung thu nhập của giáo viên hiện nay chưa đủ khả năng giữ chân giáo viên. Nhiều cử nhân tốt nghiệp sư phạm nhưng không đi dạy.

Để giải quyết bài toán này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, kết hợp với đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn giáo viên.

Tuy nhiên, sớm nhất thì cũng phải 2 năm nữa, lứa sinh viên này mới ra trường. Sau đó thì mới có thể dần dần ổn định nguồn tuyển giáo viên.

Riêng đối với khối lớp 10 trong năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên các trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục đã báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng, để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các đơn vị.

Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các hiệu trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, định mức quy định và tình hình thực tế để báo cáo nhu cầu giáo viên.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 2 đợt tuyển dụng giáo viên, đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng. Trong đó, đợt 1 đã được tổ chức đến vòng 2, còn đợt 2 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 10/2022.

Riêng đối với các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng, tự chủ tài chính thì được tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng nói chung, giáo viên các môn mới (Âm nhạc, Mỹ thuật) nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ.

Năm học này, ở cả 3 khối 3,7 và 10 đều triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thưa ông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuẩn bị gì để thực hiện cho hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Về chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học thì Sở đã hướng dẫn 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm, yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có, để lập kế hoạch sửa chữa và thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học.

Đến nay, cơ bản thì các trường đã có trang thiết bị theo đúng quy định, phục vụ cho việc dạy và học ở các khối lớp 1,2,3,6,7,10, đồng thời sẽ vẫn tiếp tục đầu tư theo lộ trình.

Với công tác sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy và học, phân bố kinh phí hè năm 2022, 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức đã cân đối hơn 390 tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học. Còn với khối trung học phổ thông, tổng kinh phí mua sắm và sửa chữa trang thiết bị là hơn 60 tỷ đồng.

Dịp hè vừa qua, ngành giáo dục của thành phố cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn sách giáo khoa, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng giáo viên theo cả hai hình thức là trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo cho giáo viên có đầy đủ năng lực tổ chức dạy và học.

Đặc biệt, sau 2 năm học chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trình độ tiếp thu kiến thức của một bộ phận học sinh còn hạn chế. Nhằm giúp các em học sinh sớm bắt nhịp trở lại các yêu cầu về chuẩn kỹ năng và kiến thức, các phòng chuyên môn của Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục vừa triển khai các hoạt động dạy và học, vừa củng cố và ôn luyện kiến thức cho học sinh.

Ngay từ đầu năm học, giáo viên khi nhận lớp phải nhanh chóng nắm bắt năng lực học sinh, đánh giá nhanh và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, đưa ra giải pháp dạy học phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông.

Việt Dũng