TP.HCM: Học sinh tăng, trường học tăng nhưng vẫn phải tinh giản 10% biên chế

19/03/2023 06:33
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu cơ chế riêng, làm sao để giáo viên đến trường chỉ quan tâm đến chuyện dạy chữ, dạy người.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh- Văn Thị Bạch Tuyết đã kiến nghị như vậy tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào sáng ngày 18/3/2023.

Nhiều trường học vẫn chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất

Trao đổi liên quan đến nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói rằng, qua hai ngày thực hiện việc giám sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy vẫn còn nhiều trường chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình mới, trong khi đây là những yếu tố tiên quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra ví dụ là huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều thiếu thốn.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu (ảnh: Nguyễn Nam)

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu (ảnh: Nguyễn Nam)

Trong khi đó, tại quận nội thành, Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong dù điều kiện về cơ sở vật chất tương đối tốt, trang thiết bị dạy học thì được sự quan tâm.

Thế nhưng, để đảm bảo việc thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, hóa chất thí nghiệm thì do trường tự cân đối trong khả năng.

“Để các đơn vị tự lăn lộn với kinh phí chi thường xuyên, liệu có đảm bảo được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra hay không?” – ông Đỗ Công Sỹ đặt vấn đề.

Theo ông Đinh Công Sỹ, hầu như đơn vị trường học nào cũng nêu lên khó khăn là việc thừa thiếu giáo viên cục bộ. Hiện chương trình giáo dục đã rất linh hoạt, có môn lựa chọn nên chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ là điều khó tránh khỏi.

Ông Đinh Công Sỹ đề nghị, ngành giáo dục nên chủ động tính toán, tham mưu đội ngũ giáo viên phù hợp, có độ mở và tránh cứng nhắc.

Ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị, lãnh đạo các địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến các trung tâm giáo dục thường xuyên, do đây là những nơi vừa do ngành giáo dục và cả ngành lao động thương binh xã hội quản lý, nhưng phân cấp quản lý thì lại do Ủy ban nhân dân quận huyện, nên có thể dẫn tới chỉ đạo “lệch pha”.

Cần đảm bảo thu nhập dành cho giáo viên

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Hiệu – Đại diện Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có một thực trạng tại Thành phố Hồ Chí Minh là số học sinh và số trường học đều tăng qua các năm, nhưng vẫn phải thực hiện việc tinh giản biên chế 10%/năm theo lộ trình.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Hiệu nhấn mạnh đúng là lương của giáo viên rất thấp.

Giáo viên có trình độ đại học mới ra trường, nhận 100% lương cũng chỉ mới được có hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Chưa kể là nếu đang thực hiện tập sự, chỉ hưởng 85% lương sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chỉ nhận có hơn 2 triệu đồng thực lãnh.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị đoàn giám sát đề xuất Chính phủ có giải pháp phù hợp đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

Toàn cảnh buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/3 (ảnh: P.L)

Toàn cảnh buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/3 (ảnh: P.L)

Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu cơ chế riêng, làm sao cho giáo viên đến trường chỉ quan tâm đến chuyện dạy chữ, dạy người. Còn hiện nay, có quá nhiều áp lực chi cho thầy cô và cán bộ quản lý, nên thời gian dành cho chuyên môn không còn được nhiều.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh mong Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách dành cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày, cho phép nhà trường hợp đồng các vị trí không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên), ngân sách cấp bù để chi trả lương.

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, việc thiếu phòng học và xây mới trường lớp vẫn là câu chuyện mà thành phố đang phải chịu nhiều sức ép.

Khi được hỏi thì nhiều quận đã trả lời với đoàn giám sát rằng, đất nếu cần thì vẫn bố trí được, nhưng tiền mới là vấn đề. Bà Mai Hoa đã đưa ra ví dụ, như Quận 12 đến năm 2025 cần đến 1.700 phòng học thì không biết đến bao giờ mới bố trí đủ vốn.

Đoàn giám sát sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, hoàn thành báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới đây, để có những giải pháp phù hợp khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việt Dũng