Từ Luật Giáo dục 1998, đến Luật Giáo dục 2019 đều quy định trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn tổ chức đào tạo hệ trung học cơ sở.
Nền giáo dục không nên đi theo trào lưu hay nguyện vọng đơn thuần
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) cho hay, hệ học sinh chuyên, trường chuyên, về cơ cấu và quy định pháp luật hiện hành đã rõ ràng. Chính vì vậy, trên cơ sở khoa học, không có nhiều ý kiến ủng hộ mô hình chuyên ở cấp trung học cơ sở.
Một trong những vấn đề cốt lõi là hầu hết các nhà khoa học đều đồng thuận về việc phát triển toàn diện ở độ tuổi này. Xét trên diện rộng, việc một số trường chuyên tuyển sinh cấp trung học cơ sở ở Việt Nam là do uy tín và góc nhìn có tính khát vọng của phụ huynh đối với chính trường chuyên.
Thầy Tâm cho rằng, việc trường trung học phổ thông chuyên tuyển sinh và đào tạo hệ trung học cơ sở không phải là chuyện nhất thiết phải làm trong bối cảnh giáo dục hiện nay.
Bởi, nếu bài toán của phụ huynh là mong muốn con em mình nhận được các giá trị bổ trợ như ngoại khóa, tham gia các câu lạc bộ, các cơ hội thi cọ sát quốc tế học thuật, thì nhiều trường tư thục, nhiều trường chất lượng cao đều đã và đang làm tốt việc này. Thậm chí, các trường khối công lập không chuyên cũng đã tham gia và phát triển theo xu hướng chung như vậy.
Hơn nữa, việc hoạt động và tổ chức giáo dục phải đề cao thượng tôn pháp luật. Xây dựng các chính sách, lập pháp, hướng dẫn thi hành phải được thực thi trên các nguyên tắc nghiên cứu tác động đa chiều, không chỉ theo trào lưu hay nguyện vọng đơn thuần. Các chính sách cần cân bằng các yếu tố và chủ thể, từ đó tạo đà để phát triển bền vững thay vì tạo ra những tiền lệ có tiềm ẩn nguy cơ cho hệ thống giáo dục.
Không những vậy, thực trạng trên có thể mang đến hệ luỵ về lâu dài nếu chúng ta không thực hiện nhất quán trong hệ thống giáo dục. Vì nền giáo dục vốn không nên đi theo thị hiếu mang tính thị trường, ý kiến dư luận của một bộ phận mà cần tập trung cao độ vào việc cải tiến để đáp ứng những mục tiêu chung cần đạt của xã hội và của thế giới để thế hệ trẻ Việt Nam nói chung là một thế hệ có bản sắc, ưu việt và hội nhập tốt.
Còn theo thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến Mclass (Hà Nội), trên thực tế, không thể phủ nhận được những giá trị mà mô hình giáo dục hệ trung học cơ sở tại các trường trung học phổ thông chuyên mang lại đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Bởi, mong muốn của cha mẹ học sinh mỗi khi vào các em vào đầu cấp mới dù cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông là sẽ được học tập tại môi trường học tốt nhất. Và hệ thống các trường chuyên trong nhiều năm qua đã có một vị trí nhất định trong cộng đồng giáo dục bởi thường những học học sinh tại các cơ sở này có năng lực học tập tốt, nhiều em đạt giải cao, trong các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, vào được các trường đại học tốp đầu hay đi du học; đã có nhiều em trong tương lai rất thành công với xuất phát điểm là từ các trường chuyên.
Do đó nhu cầu của phụ huynh mong muốn con em được vào học môi trường tốt như vậy là điều rất dễ hiểu và thiết thực cùng chi phí học tập phù hợp được với nhiều gia đình.
Hơn nữa, hiện nay các trường trung học phổ thông chuyên cũng dựa trên xu thế phát triển chung nên có rất nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống,... cho người học chứ không chỉ đào tạo thiên lệch. Thực tế cũng chỉ ra rằng, các trường tư hiện nay đang làm rất tốt việc tổ chức, phát triển các hoạt động này cho người học nhưng không có nhiều phụ huynh đáp ứng được yêu cầu chi trả về mặt tài chính.
Đáng nói, dù mang lại thuận lợi ra sao, các trường trung học phổ thông chuyên cần phải đảm bảo việc tuyển sinh đúng với quy định của Luật pháp hiện hành và phải có sự nhất quán giữa tất cả các địa phương trên cả nước. Nếu mô hình đào tạo trên vẫn tồn tại, việc phân bổ nhân sự, nhân lực, cán bộ, giáo viên cụ thể như thế nào, có đúng quy định hay không cần phải minh bạch là rõ ràng.
Thầy Khánh chia sẻ thêm, yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh đầu vào hệ trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam hiện nay với yêu cầu gần như là một bức tranh hoàn hảo đã gây ra áp lực cho học sinh và phụ huynh và cho cả nhà trường, thầy cô, lại không phản ánh được năng lực học thực tế của các em.
Cần hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em
Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Đại biểu quốc hội Đinh Công Sỹ bày tỏ, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Có thể thấy rằng, mục đích của quy định này nhằm hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh ở cấp học nhỏ tuổi, dưới trung học phổ thông. Theo đó, các em được dành thời gian hợp lý để vui chơi, phát triển kỹ năng, thể lực theo lứa tuổi của mình.
Không những vậy, quan điểm giáo dục toàn diện cho học sinh cũng được thể hiện xuyên suốt nội dung, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với những nguyên tắc, định hướng chung về phát triển phẩm chất, năng lực cần đạt học sinh cho mỗi bậc học.
Nhằm phát triển toàn diện và bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của học sinh, Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đã trao quyền chủ động cho các trường, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh.
Theo đó, đối với những em có thành tích học tập xuất sắc ở cấp trung học cơ sở đang theo học ở các trường không chuyên có thể được bổ sung một số nội dung giáo dục để đáp ứng mong muốn được phát triển năng lực về một số lĩnh vực học tập nhất định.
Hơn nữa, nếu các em bộc lộ những năng khiếu về các môn học thì có thể tiếp tục học ở các trường trung học phổ thông chuyên sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở.
Tuy nhiên, Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng cho rằng, trên thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những điểm tích cực trong gần 40 năm vận hành của mô hình giáo dục Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam để đáp ứng nhu cầu học tập của đối tượng học sinh này (tuyển sinh lớp 6 đến nay 15 năm). Và có một số học sinh tiểu học, trung học cơ sở có năng khiếu, thiên hướng về một số môn, lĩnh vực và phụ huynh có nhu cầu cho con em mình được học chuyên.
Thế nhưng, có thể thấy rằng, chính sự kỳ vọng quá lớn của nhiều phụ huynh trong việc mong muốn con em mình vào trường chuyên sẽ là gánh nặng lên con trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý, thể chất lứa tuổi.
Vậy nên, Đại biểu Đinh Công Sỹ mong rằng, vì sự phát triển toàn diện của trẻ em, phụ huynh không nên gây áp lực nhiều lên con em mình khi còn quá sớm bởi những kỳ thi.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 50 trường học thực hiện theo mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” (trường tiên tiến), trong đó một số trường trung học cơ sở có thể kể đến như Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh; Trường Trung học Thực hành Sài Gòn; Trường Trung học cơ sở Lý Thánh Tông; Trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh,... Đây là mô hình được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo xu hướng hội nhập toàn cầu.
Tại Hà Nội, cũng có nhiều trường trung học cơ sở công lập đào tạo đào tạo theo mô hình trường chất lượng cao như Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân; Trường Trung học cơ sở Lê Lợi; Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm; Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên; Trung học cơ sở Cầu Giấy...