Luật đã rõ, sao Sở GD&ĐT vẫn muốn kiến nghị giữ hệ THCS trong trường chuyên

12/03/2024 09:58
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Dù Luật đã có quy định, một số Sở GD&ĐT vẫn muốn kiến nghị duy trì hệ THCS trong trường chuyên.

Không tuân thủ luật sẽ dẫn đến “nhờn luật”

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo “tuýt còi” việc tuyển sinh hệ trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Không riêng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng tồn tại hệ trung học cơ sở trong nhiều năm qua.

Vì nằm trong hệ thống trường chuyên có uy tín, nên hệ trung học cơ sở tại các trường này cũng luôn tạo ra “sức nóng” trước mỗi kỳ tuyển sinh.

Một chuyên gia tâm lý giáo dục nhận định, ưu điểm lớn nhất để hệ trung học cơ sở tồn tại trong các trường chuyên như thời gian qua, chính là để tuyển chọn học sinh ưu tú cho chính bậc trung học phổ thông của trường sau này. “Nhiều năm qua, phụ huynh vẫn ngầm định rằng, nếu con em mình trúng tuyển hệ trung học cơ sở trong trường chuyên, sẽ có nhiều lợi thế, đặc biệt có căn cứ, nền tảng để theo khối chuyên, môn chuyên ở bậc trung học phổ thông” - ông nói.

Ngày 11/3, thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 6 của Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa trong năm học 2024-2025. [1]

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có động thái tương tự, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định dừng tuyển sinh trung học cơ sở trong Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2024-2025. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục tuyển sinh hệ trung học cơ sở chất lượng cao của trường này theo cơ chế đặc thù, đặc biệt. [2]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xoay quanh vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) cho rằng, không cần biết lý lẽ là gì, luật đã quy định, phải tuân thủ, là thượng tôn pháp luật, không có sự ngoại lệ nào.

1.đại biểu trương xuân cừ - đoàn đbqh tp. hà nội.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn.

Theo đó, Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ: “Vừa rồi, qua một số phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng thấy phản ứng của dư luận, nhất là các phụ huynh bày tỏ sự tiếc nuối. Đặc biệt, là động thái từ phía các Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan chủ quản của các trường chuyên này cũng muốn kiến nghị tiếp tục cho tuyển sinh hệ trung học cơ sở trong năm học 2024-2025.

Tuy nhiên, theo tôi, một khi luật pháp đã quy định thì phải thực hiện nghiêm. Càng là các cơ sở giáo dục và đào tạo, thì càng phải gương mẫu, đi đầu, thực hiện nghiêm hơn so với những người dân bình thường. Việc có luật nhưng vẫn muốn có ngoại lệ khiến không ít người băn khoăn là có lợi ích hay có gì phía sau... mà không thực hiện.

Nhất là ở bậc trung học cơ sở, học sinh cần phải được học đầy đủ các môn, phải được phát triển toàn diện, không có chuyện trường chuyên, lớp chọn ở đây... Đây cũng chính là thêm một lý do để dừng hệ trung học cơ sở trong trường chuyên là chính đáng”.

“Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật, tất cả những hoạt động không tuân thủ luật sẽ dẫn đến “nhờn luật”, dần dần từ việc nhỏ sẽ thành ý thức lớn. Nếu sau này luật có sự thay đổi, thì lúc ấy, các trường mới tính sau” - vị đại biểu nhấn mạnh.

Duy trì hệ trung học cơ sở ở trường chuyên vừa không đúng luật, vừa cạnh tranh không công bằng

Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh - Hiệu trưởng Khối Trung học Hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức cho rằng, theo quy định, việc dừng tuyển sinh hệ trung học cơ sở trong Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam là việc đương nhiên vì tuân thủ đúng quy định của luật.

361957062_10224328148259902_9147805756889744230_n.jpg
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh. Ảnh: FBNV.

“Tuy nhiên, về góc độ cá nhân là một người làm công tác giáo dục, tôi thấy rằng cũng cần có những lớp chất lượng cao, hay lớp chuyên... vì sẽ tạo môi trường cho những đối tượng học sinh có khả năng, năng lực vượt trội. Nhưng đó là đối với những trẻ thực sự có năng khiếu. Đừng cố gắng chèn thêm một hệ trung học cơ sở vào trong một trường trung học phổ thông chuyên... Tức là chúng ta phải minh bạch môi trường đào tạo, không phải như vừa rồi, có trường duy trì hệ trung học cơ sở trong trường chuyên, vừa không đúng luật, vừa không công bằng” - Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh nhìn nhận.

Đồng tình với phân tích trên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên cũng bày tỏ: “Chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển sinh đối với hệ trung học cơ sở ở Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, về tuân thủ quy định của luật, tôi xin phép không bàn thêm.

Vấn đề bỏ trường chuyên, lớp chọn là phù hợp với thực tế và xu thế toàn cầu, các nước khác không có hệ thống trường chuyên, lớp chọn như vậy và khi xóa bỏ hệ thống này, mới làm đúng vai trò của giáo dục.

Trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có nêu lên tinh thần dạy học phát triển năng lực, khác hoàn toàn với trước đây là dạy học chuyển giao kiến thức, điều này đúng hoàn toàn với xu thế giáo dục hiện đại. Do đó, để dạy học phát triển năng lực, chúng ta không còn quá xem trọng việc đầu tư vào học kiến thức, mà phải ưu tiên từ những kiến thức đó sẽ hình thành được năng lực gì cho đứa trẻ. Đó là mục tiêu, và để thực hiện mục tiêu đó, cần phải thay đổi cả phương thức và cách đánh giá.

Việc bỏ trường chuyên, lớp chọn là hoàn toàn khoa học. Nhưng phải bỏ như thế nào và cần truyền thông như thế nào để có được sự đồng thuận của dư luận. Phải để phụ huynh và xã hội hiểu được, đó là nhắm đến lợi ích của học sinh, chứ không phải phong trào”.

gdvn-cotothuydiemquyen1-giaoduc-net-vn-2350.jpg
Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: PM.

Cần căn cứ vào 3 yếu tố: cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học giáo dục, cơ sở thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên - Chuyên gia tư vấn giáo dục quốc tế bày tỏ: “Nếu hệ trung học cơ sở ở các trường chuyên được tồn tại để tạo ra một môi trường đào tạo kiểu “trường chuyên, lớp chọn”, dạy trước và dạy nâng cao chương trình... thì hoàn toàn không nên vì Luật Giáo dục 2019 đã có quy định rõ về giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến hết lớp 9”.

z5236705625240_02c95f8271a9eeb8f5bd14e1f12a3188.jpg
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên - Chuyên gia tư vấn giáo dục quốc tế. Ảnh: NVCC.

Vị chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra, để xác định một vấn đề giáo dục có hợp lý hay không cần căn cứ vào 3 yếu tố: cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học giáo dục và cơ sở thực tiễn.

“Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, việc thực hiện chương trình đó có sai so với Luật Giáo dục không?

Thứ hai là cơ sở khoa học về mặt khoa học giáo dục, có đúng với những kết quả nghiên cứu giáo dục không, có phản khoa học không, việc tổ chức chương trình như vậy có đúng với tâm lý lứa tuổi hay không?

Thứ ba, về cơ sở thực tiễn, những nơi khác trên thế giới có làm như thế không?

Nếu trường học tổ chức chương trình thiếu sót ở trong một trong ba cơ sở trên, thì cần phải ngừng lại”.

“Còn trong trường hợp nhà trường nếu tuân thủ hết các cơ sở nêu trên, thì vấn đề đổ xô vào trường chuyên trung học cơ sở nằm ở nhận thức của phụ huynh, do vậy cần đẩy mạnh truyền thông để phụ huynh hiểu rằng đừng cố ép để đưa con lọt top 5% một cách quá sức. Bởi nếu đứa trẻ chưa đủ sức đáp ứng chương trình học của trường, thì khi theo học, sẽ rất khó khăn, vất vả, đầy áp lực” - vị này nói thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cũng phân tích: “Những chương trình giáo dục ở bậc trung học cơ sở trở xuống, theo tôi, không có lý do gì để phân môn chuyên. Bởi vì, mọi học sinh ở độ tuổi này đều phải được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, phải được học hết các môn và cân bằng nội dung các môn học đó, tránh tình trạng “học lệch” trên bất cứ một khía cạnh nào.

Những phần mà học sinh Việt Nam hiện đang thiếu chính là phát triển năng khiếu, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm... cần phải được bổ sung. Nhà trường nên dồn sức vào đó, thay vì tạo ra một “cuộc đua” không cần thiết về những kiến thức văn hóa, dạy theo chương trình nâng cao hoặc dạy vượt cấp. Đó không phải là cách làm cho học sinh tài năng hơn, mà chỉ làm thui chột tiềm năng toàn diện của các em.

Chẳng hạn, người ta không lấy nội dung kiến thức lớp 7 để dạy cho học sinh lớp 6 và cho rằng như vậy là các em sẽ giỏi hơn; mà họ sẽ đào sâu vào nội dung kiến thức trình độ lớp 6 nhưng mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thực tế, giúp các em có thể hiểu và thực hành một cách sâu sắc hơn...”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-se-tham-muu-xin-tiep-tuc-tuyen-sinh-lop-6-thpt-chuyen-tran-dai-nghia-post241368.gd

[2] https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-de-xuat-tiep-tuc-tuyen-sinh-lop-6-truong-thpt-chuyen-ha-noi-amsterdam-post674377.html

Ngân Chi