Nghĩ về chính sách tăng lương trước hạn của giáo viên trung học cơ sở

22/02/2024 06:46
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc Bằng khen cấp Bộ, Chính phủ mới được nhà trường đề nghị xét nâng lương trước hạn 12 tháng.

Vừa qua, đơn vị nơi người viết công tác (một trường trung học cơ sở) thực hiện xét nâng lương trước thời hạn cho giáo viên trong trường. Là người tham gia hội đồng xét nâng lương trước hạn trong đơn vị, bản thân người viết cho rằng đây là một chính sách thiết thực nhằm động viên, khích lệ những thầy cô giáo có những thành tích cao trong đơn vị.

Tuy nhiên, bản thân người viết cũng không khỏi băn khoăn vì trong danh sách gần 10 giáo viên (không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị) được đề nghị xét nâng lương trước hạn chỉ có 1 giáo viên được xét nâng lương trước hạn 9 tháng, còn lại chỉ được xét nâng lương trước hạn 6 tháng.

Trong khi, cũng trong đơn vị chúng tôi chỉ mấy tháng trước đó có nhiều giáo viên chẳng có thành tích gì nổi bật nhưng tự nhiên được tăng mấy bậc lương theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập.

Vì thế, nhiều giáo viên nói vui rằng phấn đấu, cố gắng nhiều năm cũng không bằng “gặp thời” vì giáo viên phải qua chu kỳ 2 lần (6 năm) nâng lương thường xuyên mới được xét nâng lương trước hạn 1 với thời gian từ 6-12 tháng nhưng khi gặp hên chẳng cần phấn đấu cũng được tăng mấy bậc lương, tương tương với cả gần chục năm trời.

GDVN_H.G.jpg
(Ảnh minh họa: H.G)

Phấn đấu nhiều năm mới được tăng lương trước hạn 1 lần từ 6-12 tháng

Việc xét nâng lương trước hạn cho giáo viên hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn từ Thông tư số 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Tại điểm đ, Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc như sau:

Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Riêng đối với trường hợp đã được nâng bậc lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (6 năm và 4 năm) quy định tại Điểm này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị”.

Chính vì thế, việc xét nâng lương trước hạn cho giáo viên hiện nay rất khó bởi không phải lúc nào có đủ thành tích là đều được xét nâng lương trước thời hạn vì mỗi năm đơn vị chỉ được xét không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Nếu không được xét nâng lương trước hạn trong năm đó, giáo viên lại phải đợi thêm mấy năm nữa khi gần đến chu kỳ tăng lương thường xuyên mới được xét tăng lương trước hạn.

Trong khi, thành tích để xét nâng lương trước hạn hiện nay ở các địa phương cũng có những hướng dẫn khác nhau từ sở và phòng nội vụ. Chẳng hạn, địa phương nơi chúng tôi đang công tác thì giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua 1 lần hoặc nhiều lần nhưng cách quãng sẽ được đề nghị xét nâng lương trước hạn 6 tháng;

Những giáo viên được nhận Bằng khen cấp tỉnh hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 2 năm liên tục được đề nghị xét 9 tháng; những giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc Bằng khen cấp Bộ, Chính phủ mới được đề nghị nâng lương trước hạn 12 tháng.

Vậy nên, rất ít giáo viên được đề nghị xét nâng lương trước hạn 9 tháng và cực hiếm giáo viên được đề nghị xét nâng lương trước hạn 12 tháng. Phần nhiều, giáo viên chỉ được 6 tháng mà thôi.

Điều này cũng đồng nghĩa, giáo viên phấn đấu liên tục hàng chục năm trời cũng chỉ may mắn được 1-2 lần xét nâng lương trước hạn với thời gian mỗi lần từ 6-12 tháng (tùy vào thành tích).

Trong khi, Thông tư số 03/2021 và sau này là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi giúp những giáo viên đang hưởng lương bậc 4, bậc 5 nên nhiều giáo viên được tăng 1-2 bậc lương (tương đương 3-6 năm công tác).

Đặc biệt, có nơi bổ nhiệm hạng trước khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT nên có giáo viên hạng II cũ đang hưởng lương bậc 3, hệ số 3,0 cũng được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0 và được tăng lên 3 bậc lương (tương đương với quãng thời gian hơn 9 năm công tác).

Nhiều giáo viên không thành tích nổi bật nào nhưng tự nhiên được tăng trước hạn hơn 3- 4 bậc lương

Thực ra, lương, phụ cấp giáo viên kể cả trước và sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và cả sau này là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT vẫn tồn tại bất cập.

Nếu như trước đây, khi Bộ chưa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT (áp dụng cho giáo viên cấp trung học cơ sở) thì giáo viên có trình độ đại học sẽ hưởng lương theo hệ số từ 2,34- 4,98. Những giáo viên có trình độ cao đẳng sẽ hưởng lương theo hệ số 2,10-4,89.

Nếu không có thành tích nổi bật, không bị kỉ luật thì 3 năm tăng 1 bậc lương với hệ số 0,33 và từ năm thứ 6 trở đi sẽ được hưởng mỗi năm 1% phụ cấp thâm niên. Vì thế, giáo viên càng có năm công tác nhiều thì hệ số lương và phụ cấp càng cao hơn.

Khi Bộ ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, nếu đáp ứng chuẩn trình độ, có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì được bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới và hệ số lương mới.

Những địa phương thực hiện sớm- trước khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ban hành vào ngày 14/4/2023 thì những giáo viên hạng II, đang ở hệ số lương 3,0 (bậc 3); 3,33 (bậc 4); 3,66 (bậc 5); 3,99 (bậc 6) khi chuyển sang hạng II mới đều được xếp và hưởng lương bậc I- hệ số 4,0.

Điều này có nghĩa một bộ phận giáo viên được tăng từ một vài bậc lương, tương đương với 3-9 năm so với trước đây. Chỉ có những giáo viên đang hưởng lương bậc 6 cũ (hệ số 3,99 lên hệ số 4,0) là thiệt thòi nhất vì chỉ chênh lệch lương cũ với hệ số 0,01- tương đương với mức tiền hơn 22 ngàn đồng nhưng khi trừ đi các loại bảo hiểm thì thực lĩnh không được 20 ngàn đồng.

Trong khi đó, một số giáo viên đang ở hệ số lương 3,0 hoặc 3,33 được tăng đến 2-3 bậc lương “trước hạn” sẽ có mức chênh lệch lương cũ là trên 2 triệu đồng.

Như vậy, nhiều giáo viên trung học cơ sở có lợi khi áp dụng việc chuyển từ hạng cũ sang mới theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT. Và, đương nhiên nếu so với việc rất nhiều giáo viên phấn đấu nhiều năm mới được tăng lương trước hạn 6 tháng; 9 tháng; 12 tháng thì đây rõ ràng là những bất cập rất lớn.

Hy vọng sau ngày 01/7/2024 tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo đó, những bất cập về chính sách tiền lương hiện nay đối với giáo viên sẽ được tháo gỡ để những giáo viên giỏi, có ý chí phấn đấu khi được xét nâng lương trước hạn họ không cảm thấy thiệt thòi như việc chuyển hạng cũ, lương cũ sang hạng mới, lương mới như Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT vừa qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI