Không có cấp THCS trong trường chuyên: Địa phương cần thực hiện đúng luật

11/03/2024 09:14
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Việc có một số trường trung học phổ thông chuyên vẫn tuyển sinh hệ trung học cơ sở là không thực hiện theo đúng luật pháp và các quy định hiện hành.

Theo khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông, vì vậy không có cấp trung học cơ sở trong trường chuyên. Theo tìm hiểu, hiện tại cả nước còn Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) và Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) là con duy trì hệ trung học cơ sở trong trường chuyên.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) bày tỏ quan điểm rất hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời “tuýt còi” những “lệch lạc” không đúng và yêu cầu dừng tuyển sinh lớp 6 đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

gdvn-dang-tu-an-8330.jpg
Tiến sĩ Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Thầy Ân cho biết, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước đã phát triển với số lượng trường trung học phổ thông chuyên khá lớn là 79 trường chuyên, trong đó có 73 trường chuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 6 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học) với số học sinh trường chuyên chiếm khoảng hơn 2% học sinh trung học phổ thông cả nước.

Tuy nhiên, do đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày càng cao và quan điểm giáo dục cũ coi trọng việc cung cấp kiến thức đơn môn cho học sinh, nên ngoài trường chuyên, hầu hết các địa phương còn mở thêm các lớp cận chuyên trong trường, các lớp chọn với nhiều môn học khác nhau.

Có thể nói, hệ chuyên (lớp chuyên và lớp chọn) đã định hướng phát triển và là lực đẩy cho toàn ngành giáo dục với mục tiêu phát triển mũi nhọn và bồi dưỡng năng khiếu, tài năng cho đất nước.

Thế nhưng, việc học sinh chuẩn bị dự thi vào học các lớp chuyên từ rất sớm gây quá tải, thậm chí mất tuổi thơ ngay từ các lớp bậc tiểu học. Bởi các em phải dành quá nhiều thời gian cho luyện giải các bài tập khó đã khiến học sinh không còn thời gian cho việc rèn luyện phát triển bản thân. Nạn dạy thêm học thêm tiêu cực cũng từ đây mà phát triển, rất khó kiểm soát.

Cũng theo thầy Ân chia sẻ thêm, việc có một số trường trung học phổ thông chuyên vẫn tuyển sinh hệ trung học cơ sở là không thực hiện theo đúng luật pháp và các quy định hiện hành.

Theo Luật giáo dục hiện hành, không mở trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; chỉ thi chọn học sinh giỏi quốc gia ở bậc trung học phổ thông (theo Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Không những vậy, Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nêu rõ quan điểm, mục tiêu của đổi mới là hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất năng lực cho học sinh. Và trên thực tế, khoa học cũng chỉ ra rằng, năng lực của con người là tổng hòa từ nhiều thành tố, phẩm chất khác nhau và phải qua trải nghiệm chứ không thể chỉ có kiến thức lý thuyết học chuyên sâu một hoặc một số môn học chuyên hay năng khiếu.

Chỉ đạo chuyên môn cần phải nhất quán trong cả nước và do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định triển khai.

“Thiết nghĩ, nếu mỗi chủ trương chuyên môn do địa phương triển khai mà vẫn chưa thoát khỏi tư duy của quan điểm giáo dục cũ hay chỉ vì lý do đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì chắc chắn sẽ làm chậm nếu không nói phá vỡ công cuộc đổi mới giáo dục mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện”, thầy Ân nói.

Cùng đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng, trước đây, trong lịch sử phát triển giáo dục của Việt Nam, có đào tạo hệ chuyên ở cấp trung học cơ sở, tuy nhiên nhận thấy sự đào tạo như vậy gây mất cân bằng do tổ chức chuyên theo môn, nên đã không còn tồn tại mô hình đào tạo này.

Hơn nữa, Luật giáo dục hiện hành cũng chỉ còn trường chuyên ở cấp trung học phổ thông. Và việc tôn trọng và tuân thủ pháp luật là cần thiết. Và đã là quy định thì nên được thực hiện một cách nhất quán, không nên có ngoại lệ.

Mặt khác, có thể thấy rằng, để thi đỗ vào được hệ chuyên cấp trung học cơ sở như vậy, nhiều gia đình đã ép con mình học tập, ôn luyện một cách thái quá ngay từ lớp 2, lớp 3. Trong khi đó, ở độ tuổi này, việc học với một cường độ lớn như vậy là không phù hợp với sự phát triển và ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của các em. Việc làm này đồng thời cũng là đi ngược lại mục tiêu đổi mới giáo dục là phát triển trẻ một cách toàn diện, trong đó ngoài việc học, cần phải phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ, chúng ta cần tôn trọng và góp phần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình trường.

Có thể thấy, từ lâu, Việt Nam đã có chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng loại hình trường lớp để tạo điều kiện cho đáp ứng nhu cầu rất khác nhau về mục đích giáo dục của người dân.

Với loại hình trường chuyên, được xác định là trường trung học phổ thông, dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện; đào tạo nguồn nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, được mỗi tỉnh/thành phố đầu tư xây dựng hoặc trực thuộc một cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều loại hình trường khác, để đáp ứng những yêu cầu giáo dục và đảm bảo chất lượng.

Cô Thơ cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và có tính chất lịch sử. Quy định về chức năng nhiệm vụ của trường chuyên đã có, vậy nên, tất cả các địa phương đều phải tuân thủ.

Trước ý kiến của một số phụ huynh bày tỏ sự tiếc nuối khi mô hình đào tạo trên không còn tồn tại, dừng tuyển sinh bởi cho rằng mô hình này đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh chất lượng; phân tải chỉ tiêu, số lượng cho tuyển sinh đầu vào các trường trung học cơ sở công lập ở Hà Nội, Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ bày tỏ, hiện tại, riêng ở Hà Nội cũng đã có rất nhiều trường chất lượng cao, chưa kể nhiều trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng. Những trường học đó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người dân.

Tường San