Tôi rất ngạc nhiên, tại sao TS "rởm" lại "qua mặt" được nhiều trường ĐH thế?

11/12/2023 09:29
PGS.TS Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm 2000 đến nay, 100% các luận án tiến sĩ thật đã bảo vệ ở Việt Nam đều đã được số hóa, hòa vào mạng thư viện trực tuyến quốc gia.

Việc xác minh bằng tiến sĩ thật hay giả rất dễ

Chỉ cần đưa vào cụm từ “dịch vụ làm bằng tiến sĩ”, google sẽ cho ra 104.000.000 kết quả, trong đó có địa chỉ, số điện thoại nơi cung cấp.

Thời đại công nghệ số, chuyển đổi số, nó khiến cho các giấy tờ được in ấn, làm như thật. Nhưng cũng nhờ chuyển đổi số, công nghệ số, chúng ta hoàn toàn có thể vô hiệu hóa các bằng tiến sĩ giả.

Mỗi bằng tiến sĩ đều có 1 phôi bằng (số bằng) nhất định, do vậy, chỉ kiểm tra số bằng trong cơ sở dữ liệu của cơ sở đào tạo có thể khẳng định bằng đó là giả hay thật. (ảnh: CTV)

Mỗi bằng tiến sĩ đều có 1 phôi bằng (số bằng) nhất định, do vậy, chỉ kiểm tra số bằng trong cơ sở dữ liệu của cơ sở đào tạo có thể khẳng định bằng đó là giả hay thật. (ảnh: CTV)

Từ năm 2000 đến nay, 100% các luận án tiến sĩ thật đã được bảo vệ ở Việt Nam đều đã được số hóa, hòa vào mạng thư viện trực tuyến quốc gia [1].

Trong các hồ sơ lý lịch của các nhà khoa học đều có tên luận án đã bảo vệ, nên chỉ cần đưa từ khóa tên nhà khoa học và tên luận án sẽ nhanh chóng tìm ra luận án với nội dung đầy đủ.

Trước đây, giai đoạn từ năm 2000 đến 2009 bằng tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ [2], sau ngày 12/6/2009, bằng tiến sĩ do người đứng đầu cơ sở đào tạo ký [3] và đều được số hóa lưu trữ cẩn thận.

Mỗi bằng tiến sĩ đều có 1 phôi bằng (số bằng) nhất định. Do vậy chỉ kiểm tra số bằng trong cơ sở dữ liệu của cơ sở đào tạo có thể khẳng định bằng đó là giả hay thật.

Vì vậy, tác giả rất ngạc nhiên, tại sao ông Nguyễn Trường Hải, sử dụng bằng tiến sĩ giả mà “qua mặt” được nhiều trường đại học như vậy?

Bằng giả và thách thức trong hệ thống đào tạo

Vụ việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ giả đã gây nhiều lo ngại và đặt ra nhiều thách thức về chất lượng trong hệ thống đào tạo.

Như phần trên bài báo đã phân tích, để xác minh bằng tiến sĩ thật hay giả là vô cùng dễ. Không cần phải đến tận nơi để xác minh, mà chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hoặc một tin nhắn gửi cho bộ phận lưu trữ của cơ sở đào tạo là có thể xác minh bằng thật hay giả.

Phải chăng do một số trường đại học thiếu các giảng viên có trình độ tiến sĩ nên đã tuyệt đối hóa và tin tưởng bằng tiến sĩ đã qua công chứng mà giao ông Hải đứng lớp ngay.

Bằng tiến sĩ chỉ là điều kiện cần, muốn dạy được giáo trình đại học, ứng viên phải có thời gian nghiên cứu giáo trình và có hướng nghiên cứu chuyên môn sâu phù hợp với giáo trình mà ứng viên muốn đứng lớp giảng dạy.

Cả 2 vế: bằng tiến sĩ phù hợp và kinh nghiệm đảm nhiệm môn học đã bị các trường đại học bỏ qua, để ông Hải đương nhiên tham gia giảng dạy mà không có một Hội đồng kiểm tra, đánh giá thử.

Có quá máy móc khi áp dụng Luật Giáo dục đại học, quy định muốn dạy đại học, giảng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ… mà không kiểm tra bằng tiến sĩ và hướng nghiên cứu chuyên sâu có phù hợp với giáo trình sẽ đảm nhiệm hay không?.

Quan trọng hơn, dù tiến sĩ giỏi cỡ nào nhưng khi từ nơi khác đến cũng phải soạn giáo án dạy theo đề cương do trường biên soạn, không thể tùy tiện muốn dạy thế nào cũng được.

Cần xem lại giáo trình và chương trình đào tạo đại học

Ông Hải chưa có bằng tiến sĩ và chưa học đại học nhưng vì gian dối làm bằng giả để được dạy ở bậc đại học. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao ông Hải lại có thể dạy được? Có thể chương trình đào tạo, giáo trình quá dễ nên ai cũng dạy được chăng?

Để trả lời câu hỏi trên, có thể phát phiếu theo mẫu lấy ý kiến từ sinh viên đánh giá ông Nguyễn Trường Hải. Cá nhân người viết dự đoán khả năng xảy ra 2 trường hợp.

Trường hợp thứ nhất: Sinh viên nhận xét ông Hải dạy giỏi, dễ hiểu, bám sát đề cương giáo trình của Trường.

Trường hợp này có thể do môn học, đề cương quá dễ, ai cũng dạy được. Hoặc cũng có thể ông Hải không có bằng cấp nhưng tự học mà có kiến thức để tự tin đứng lớp. Dù ông Hải dạy giỏi cũng phạm luật vì sử dụng bằng giả. Giống như người lái xe rất giỏi nhưng không có bằng lái khi tham gia giao thông, công an vẫn có quyền xử phạt.

Trường hợp thứ hai: Sinh viên nhận xét ông Hải dạy kém, không có kiến thức cơ bản lẫn chuyên sâu, dạy qua loa để kiếm tiền.

Trường hợp này, ngoài kết luận ông Hải sử dụng bằng giả, còn có thể kết luận ông Hải thêm tội lừa đảo, không có kiến thức mà dám lên lớp nói những điều dối trá về kiến thức.

Tóm lại, bất luận trong trường hợp nào, dù sinh viên đánh giá tốt hay xấu, ông Hải cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những nguyên nhân tạo kẽ hở khi sử dụng giảng viên thỉnh giảng và cách khắc phục

Vụ việc ông Nguyễn Trường Hải không có bằng tiến sĩ và thậm chí chưa học đại học nhưng lại dạy đại học đặt ra nhiều câu hỏi về việc đào tạo, giám sát tại các cơ sở giáo dục đại học.

Chương trình đào tạo quá dễ : Có thể một số chương trình đào tạo được xây dựng chưa đảm bảo độ khó, nên tạo điều kiện cho những người không đủ trình độ như ông Hải vẫn tham gia giảng dạy.

Quản lý và Kiểm soát yếu kém: Hệ thống quản lý không thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát đảm bảo chất lượng và minh bạch trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên.

Thách thức tuyển dụng giảng viên: Một số trường có thể đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ, dẫn đến việc chấp nhận những giảng viên thỉnh giảng không đảm bảo chất lượng.

Áp lực dạy đa ngành: Giảng viên có thể phải đối mặt với áp lực dạy nhiều ngành khoa học, không có đủ chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể nên chấp nhận những giảng viên có bằng tiến sĩ nhưng không có chuyên môn sâu.

Ví dụ: một tiến sĩ am hiểu ngôn ngữ lập trình (phần mềm) tốt chưa hẳn đã chuyên sâu để dạy được cấu trúc máy tính (phần cứng) hiện đại.

Cách khắc phục:

Hệ thống quản lý giáo viên cần được cải thiện và có hệ thống để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, tránh để trường hợp những người không đủ năng lực trở thành giảng viên.

Mỗi trường đại học có quyền tự chủ, nhưng các trường đại học khác nhau cần tham gia vào hội nhóm có cùng chuyên môn.

Ví dụ, trường đại học nào có khoa công nghệ thông tin cần tham gia sinh hoạt trong Hội tin học Việt Nam, ở đó có những nhà khoa học chuyên sâu về công nghệ thông tin, có thể tư vấn tuyển chọn giảng viên phù hợp với chương trình đào tạo của từng trường.

Trừ trường hợp các bằng tiến sĩ về ngành Quân sự và an ninh đòi hỏi bí mật, những bằng tiến sĩ khác cần công khai trên thư viện trực tuyến để ai cũng có thể tiếp cận.

Khi đó, mỗi một tân tiến sĩ mới bảo vệ luận án thì ai cũng có thể tiếp cận để trao đổi chuyên môn học thuật.

Kết luận

Bài viết đã trình bày việc sử dụng công nghệ số để vô hiệu hóa bằng tiến sĩ giả. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, với sự tiện lợi của công nghệ số và sự quá trình số hóa các luận án tiến sĩ.

Qua trường hợp ông Nguyễn Trường Hải, chúng ta đã thấy rằng hệ thống đào tạo đang đối mặt với những thách thức lớn, từ quản lý chất lượng đội ngũ giáo viên đến tính minh bạch của chương trình đào tạo.

Vấn đề không chỉ là việc sử dụng bằng giả, mà còn là áp lực dạy đa ngành và sự thiếu kiểm soát trong quá trình xác nhận bằng cấp của giảng viên.

Để khắc phục những vấn đề này, cần có sự cải thiện đáng kể trong quản lý giáo viên, đặt ra các hệ thống kiểm soát đảm bảo chất lượng và thậm chí là sự tham gia chặt chẽ hơn của các trường đại học trong việc tuyển chọn giảng viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTbFabDAUrZe2000.1.1&e=-------vi-20--1--img-txIN

[2] Điều 27 Quyết định 18/2000/QĐ-BGDĐT về quy chế đào tạo sau đại học

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-18-2000-QD-BGDDT-Quy-che-dao-tao-sau-dai-hoc-46594.aspx

[3] Khoản 2 Điều 44 Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-10-2009-TT-BGDDT-quy-che-dao-tao-trinh-do-tien-si-88568.aspx

PGS.TS Ngô Tứ Thành