Sau rất nhiều tranh cãi về những hạt sạn trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều thì cuối cùng Hội đồng thẩm định và tác giả cũng phải thừa nhận những góp ý của dư luận là đúng và thống nhất sẽ chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.
Chẳng biết bài đọc này giáo dục trẻ điều gì đây? |
Bài "Ước mơ tảng đá" in trong sách tiếng Việt Cánh Diều tập 2 (Ảnh Đỗ Quyên) |
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…
Tiếng Việt 1 Cánh Diều tập 2 cũng nhiều sạn
Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng những góp ý của dư luận trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào cuốn Tiếng Việt lớp 1, tập 1. Thế nhưng, trong cuốn sách Tiếng Việt tập 2 cũng có một số bài đọc mang yếu tố bạo lực và không có tính giáo dục cũng cần được thay thế.
Ví như bài tập đọc “Ước mơ của tảng đá” (trang 7 và 9) được chia làm 2 phần sẽ được dạy trong 2 tiết khác nhau.
Phần 1: Trên dốc đá ven biển có một tảng đá to. Trông nó xù xì, bạc phếch. Nó đứng chênh vênh như chỉ muốn lăn xuống biển. Quanh năm đứng một chỗ, tảng đá có vẻ buồn. Nhìn biển rộng mênh mông, nó thèm được như những cánh buồm lướt gió.
Nhưng tảng đá không thể tự đi. Nó nghỉ cách nhờ bác gió.
Phần 2: Nghe tảng đá tâm tình, bác gió kinh ngạc:
- Con lăn xuống biển là chìm đó.
- Tảng đá vẫn năn nỉ:
- Con thích thế mà.
Bình minh lên. Ánh nắng ngập tràn biển rộng. Bác gió đành kênh tảng đá lên, hích một nhát. Tảng đá lăn lông lốc. Chỉ nghe một tiếng “ùm”, nó đã lăn xuống biển và mất tích.
Quả thật, đọc xong câu chuyện này không thể hiểu được tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì? Sẽ dạy trẻ bài học gì với nội dung thế này đây?
Tiêu đề là ước mơ của tảng đá nhưng kết cục lại lăn xuống biển và mất tích sau khi có sự giúp sức của bác gió. Hóa ra, ước mơ của đá là muốn tự tử? Và hành vi của gió không khác gì hành vi kết liễu cuộc đời của đá?
Có người nhận xét, đây là một kiểu hành xử, giúp sức hết sức tàn nhẫn, thiếu suy nghĩ; không hướng trẻ em đến những điều tốt đẹp mà lại gieo rắc vào đầu chúng những sự ác độc, tàn nhẫn và ngu si.
Bài đọc “Chú gà quan trọng” cũng được chia làm 2 phần. Phần 1 nói về việc gà trống cho là mình rất quan trọng nên sai khiến, dạy dỗ tất cả.
Lũ gà mái đã trốn sạch vì sợ bị sai. Gà trống bèn hạch sách bác chó. Bác chó đã tợp gà trống. Gà trống sợ, chạy mất và không dám hạch sách ai nữa.
Rõ ràng, để gà trống chừa tính luôn hạch sách người khác thì chó đã phải dùng đến bạo lực “tợp cho một cái”, câu chuyện mang nặng yếu tố bạo lực chứ không phải kiểu giáo dục độ lượng, vị tha phù hợp với con trẻ.
Hay như bài “Sói và dê”, để bảo vệ dê thì cuối cùng ông chủ cũng vác gậy chạy lại, nện sói một trận nên thân.
Giáo viên sẽ giảng giải và giáo dục học sinh thế nào đối với những câu chuyện mang nặng yếu tố bạo lực như thế này?
Học sinh lớp 1, lứa tuổi còn ngây thơ, trong sáng như tờ giấy trắng. Những bài học đầu đời sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của các em.
Bởi thế, những câu chuyện dạy trẻ nên là những bài thơ, bài văn giàu tính nhân văn, thấm đượm tình thân ái, lòng yêu thương, chia sẻ, sự bao dung, độ lượng giữa con người với nhau.
Đó là sự khôn khéo trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và trong cộng đồng, đồng thời dạy trẻ phải luôn biết nói lời cảm ơn, xin lỗi khi cần.
Hủy sách hoặc in lại
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đề xuất: “Nếu thay văn bản thì ít nhất phải thay 2/3 các văn bản sao phỏng ngụ ngôn nước ngoài (từ 46 văn bản chỉ nên để lại 15 văn bản, tức là chiếm khoảng 20% các bài học).
Bỏ toàn bộ các văn bản bị xé làm đôi thành 2 bài vì làm hỏng tính thống nhất của câu chuyện, làm lệch lạc về nội dung khó cho giáo viên và học sinh”.
Nếu chính sửa nhiều như thế, buộc phải in ra những tờ hiệu chỉnh để bấm vào sách. Làm thế này có phù hợp không? Trẻ nhỏ cũng chưa có ý thức giữ gìn nên rất dễ để rơi và để vương vãi đâu đó.
Vậy là khi học, khi ôn bài nhiều em sẽ không có bản hiệu chỉnh để học cũng gây khó khăn cho giáo viên.
Thế nên theo chúng tôi, cách tốt nhất là hủy 2 cuốn sách giáo khoa lớp 1 Tiếng Việt Cánh Diều. Hoặc sau khi hiệu chỉnh, cho in lại toàn bộ 2 cuốn sách này phát miễn phí cho học sinh ở các trường đang dùng bộ sách Cánh Diều.