Thực trạng công tác gắn kết 3 nhà trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

08/12/2022 06:31
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã trở thành xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Xác định công tác giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trên địa bản tỉnh, trong đó ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp các trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay.

Từ đó, chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bản tỉnh Quảng Ninh từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhu cầu cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Theo báo cáo kết quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp năm 2022 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng đầu năm, công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp đã có sự chuyển biển tích cực với đa dạng hình thức hợp tác, liên kết.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực. Nhà trường cùng với doanh nghiệp tiến hành sơ tuyển ban đầu để học sinh, sinh viên yên tâm học tập.

Quá trình học sinh và sinh viên học tập, nhà trường có trách nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thực tập và cam kết đầu ra.

Lập biên bản hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp, tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo. Trong đó, tham khảo tính chất công việc và vị trí việc làm của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong doanh nghiệp.

Từ đó, các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động gửi cho doanh nghiệp tham gia giáo trình, khung chương trình đào tạo.

Phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu lao động để xây dựng chương trình sát với các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động tại doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: đánh giá kỹ năng nghề, bồi dưỡng nâng bậc cho công nhân.

Cử cán bộ, nhà giáo đến tham quan dây chuyền sản xuất, hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các cơ sở đào tạo nghề.

Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác do có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên;

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên; tổ chức cho nhà giáo thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập; cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề và bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thăm quan, thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thăm quan, thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Kết quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp trong: giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động.

Xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo nhân lực gắn với tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Kết quả đạt được, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu, cung ứng 10.384 lao động cho các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp (hợp đồng đào tạo) tổ chức đào tạo 4.250 lao động cho các doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 67 nhà giáo; bồi dưỡng dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 2.790 lao động của doanh nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp xây dựng 27 chương trình đào tạo.

Cụ thể, kết quả hợp tác với doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đã giới thiệu, cung ứng 5.210 lao động; phối hợp xây dựng 5 chương trình đào tạo và phối hợp đào tạo 3.650 lao động.

Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng cũng giới thiệu, cung ứng 1.203 lao động; xây dựng 5 chương trình có sự hợp tác với doanh nghiệp và phối hợp đào tạo 247 lao động.

Qua thống kê cho thấy, 100% các trường đã chủ động trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Bên cạnh hoạt động hợp tác của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh và các địa phương tổ chức làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) để tuyển dụng và đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực của công ty.

Phối hợp với Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển nguồn nhân lực.

Trong khuôn khổ của hội thảo, 2 bên đã ký kết chương trình hợp tác về việc tăng cường gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Sau hội thảo, Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc và các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động liên kết để triển khai các chương trình phối hợp trong hoạt động gắn kết.

Phạm Linh