Thưa Bộ trưởng Diên, nghe Bộ trưởng nói về điều hành xăng dầu mà lo lắm thay

27/10/2022 06:35
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo dõi các phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên liên quan đến vấn đề điều hành xăng thật khiến lo lắng lắm thay.

Nói về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay là truy tìm nguồn gốc thực phẩm vì chợ cóc tràn lan, nên trong thời gian tới cần “sáng tạo” trong truy tìm nguồn gốc sản phẩm”. [1]

Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, một vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: “Không nên nói quá nhiều đến các biện pháp hành chính mà cần xây dựng người tiêu dùng thông thái vì hơn ai hết, người tiêu dùng hiểu được thế nào là thực phẩm sạch và việc dùng thực phẩm an toàn có lợi thế nào với sức khoẻ”. [1]

Đâu là nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu xảy ra. Ảnh minh họa: VOV

Đâu là nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu xảy ra. Ảnh minh họa: VOV

Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, khi phát biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách vào ngày 22/10, đề cập đến tình trạng thiếu xăng dầu tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu một vài nguyên nhân như sau:

“Tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Vì thế, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối (nguồn cung – NV) ổn định”. [2]

Về chuyện “xăng dầu lậu, giả” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không nêu tên cụ thể nhưng báo chí biết quá rõ ngoài vụ Trịnh Sướng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hưng - Sóc Trăng bị bắt do bán 133 triệu lít xăng giả và 1,6 triệu lít dầu DO giả thì cũng còn vụ Lương Đình Tiến – Giám đốc Petrolimex Long An - bị bắt vì bán 200 triệu lít xăng giả.

Vụ Lương Đình Tiến bị bắt xảy ra từ tháng 4 năm 2021, tính đến những tháng cuối năm 2022 – khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn xăng cho thị trường phía Nam - là khoảng một năm rưỡi.

Người bị bắt là cán bộ thuộc Bộ Công thương, lượng xăng dầu lậu của Petrolimex Long An gần gấp đôi của Trịnh Sướng, thời gian diễn ra gần một năm rưỡi vậy vì sao Bộ trưởng Diên và ban lãnh đạo Bộ Công thương vẫn không ngăn chặn được tình trạng bất ổn trong cung ứng xăng dầu?

Nếu cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “cần sáng tạo trong truy tìm nguồn gốc” thực phẩm bẩn thì Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra cũng sáng kiến:

“Chúng ta cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu, cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại, từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, thậm chí là đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ. Và phải tổ chức quản lý bằng công nghệ để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, kịp thời và chính xác, hạn chế tối đa sự can gián của con người vào trong quy trình quản lý này”. [3]

Có người vui mừng cho rằng sau sáng kiến của Bộ trưởng Diên, kho tàng “công nghệ số” của Bộ Công thương sẽ có phần mềm quản lý xăng dầu – từ nhập khẩu, phân phối, chất lượng đến dự báo chiến lược – bao gồm cả việc phát hiện cán bộ, nhân viên buôn bán hàng lậu, hàng trôi nổi,…

Rồi đây biên chế ngành Công thương sẽ giảm không chỉ 10% mà hơn thế nữa vì Bộ này sẽ “hạn chế tối đa sự can gián của con người trong quy trình quản lý”.

Có người tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao Bộ trưởng nói “can gián” mà không phải là “can thiệp”, bởi “can gián” trong từ điển tiếng Việt là “Khuyên can (con người - NV) đừng làm điều lỗi lầm”, vậy khi con người khuyên can “quy trình quản lý” thì liệu “nó” có chịu nghe hay chỉ còn cách ngắt điện cho mấy cái máy tính nằm đắp chiếu?

Có phải vì tinh ý nhận thấy điều này nên báo Vietnamnet.vn chạy tít: “Bộ trưởng Công Thương: Hạn chế sự can thiệp của con người vào quản lý xăng dầu” mặc dù dòng sapo đầu bài vẫn viết: “Sử dụng công nghệ trong hoạt động dự trữ, kinh doanh xăng dầu tới tận cửa hàng bán lẻ, hạn chế tối đa sự can gián của con người, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên”. [4]

Gần đây tờ báo của Bộ Công thương dẫn lời Bộ trưởng Diên:

“Vừa rồi, qua thống kê có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước (trên 17.000 cửa hàng – [3]), con số này chỉ chiếm hơn 1% và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước? [3]

Câu nói của Bộ trưởng Diên liệu có cho thấy “công nghệ số” của Bộ Công thương không chỉ “không vội được đâu” mà trong lời Bộ trưởng còn có cái gì đó “trên dưới bất nhất”.

Phía trên Bộ trưởng Diên cho rằng “so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước con số này chỉ chiếm hơn 1%” nhưng phía dưới lại là “hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”!

Nếu đúng như lời Bộ trưởng Diên thì chỉ có thể so sánh 200 cửa hàng “không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng” với tổng số cửa hàng của thành phố Hồ Chí Minh và vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải với 17.000 cửa hàng cả nước.

Báo Tuoitre.vn ngày 10/10/2022 cho biết tình trạng xăng dầu tại thành phố Hồ Chí Minh:

“Hiện tại có 121/550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng đã đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp”. [5]

Nếu tính ra thì thấy ngay con số 121/550 là 22% chứ không phải “hơn 1%”.

Để cho công bằng, nói đi thì cũng phải nói lại, tham gia vào khai thác, chế biến, quản lý, kinh doanh mặt hàng xăng dầu có rất nhiều cơ quan, trong đó các bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… quản lý về giá, số lượng, chất lương xăng dầu, khai thác chế biến dầu, bên cạnh đó còn nhiều ngành liên quan như Hải quan, Cảnh sát biển, Cảnh sát kinh tế, Thuế, Tiêu chuẩn đo lường,…

Trở lại vấn đề “hạn chế tối đa sự can gián của con người vào trong quy trình quản lý (mặt hàng xăng dầu - NV)” thì có nên thực hiện một chương trình nghiên cứu quốc gia để xem sự “can gián” của hàng chục bộ, ngành có tên nêu trên là thế nào.

Theo phân cấp quản lý, mỗi bộ phận đều được quyền “can gián” một tí và vì đây là mối liên hệ chồng chéo trong hệ thống nên theo thông lệ, sẽ xuất hiện hàng trăm phương án “can gián” khác nhau. Vậy Bộ Công thương sẽ đặt hàng cơ quan nào làm cái “công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu”?

Và quan trọng là trên thế giới có hãng phần mềm nào đủ khả năng thiết kế phần mềm khi dữ liệu đầu vào – tức là các “tổ hợp can gián” của hàng chục bộ/ngành luôn là ẩn số biến thiên theo nhiệm kỳ?

Ngày 03/02/2017 trang Petrolimex.com.vn đăng bài viết với tiêu đề: “Dự trữ xăng dầu đảm bảo tối thiểu nhu cầu sử dụng 30 ngày”. [6]

Bài báo trên ghi chú: “Nguồn: Báo điện tử VOV”.

Điều này khiến người viết không khỏi băn khoăn, tại sao một đơn vị chuyên kinh doanh là Petrolimex lại phải dẫn bài về số liệu dự trữ xăng dầu từ một tờ báo?

Ngày 22/10/2022, khi kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, báo chí viết: “Đại biểu Quốc hội: Điều hành xăng dầu sao mà "bộ này đổ cho bộ kia" ?”. [7]

Nếu mà việc “đổ” ấy trót lọt thì “bộ này” sẽ có thành tích còn “bộ kia” sẽ mắc khuyết điểm, “chân lý hiển nhiên” này phải chăng xuất phát từ bài học mà các tác giả biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đã dạy cho trẻ con bắt đầu đi học:

“Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”. [8]

Chắc chắn đại bộ phận các “mẹ” thời nay sẽ không tin lời các giáo sư, tiến sĩ biên soạn sách mà khen con đẻ, nhưng những người nhẹ dạ cả tin đời nào chẳng có.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/doi-nguoi-tieu-dung-thong-thai-dan-se-rat-buon-376745.html

[2]https://vnexpress.net/bo-truong-cong-thuong-giai-trinh-ly-do-thieu-xang-dau-4526612.html

[3]https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/bo-truong-nguyen-hong-dien-khao-sat-tong-kho-nha-be-va-lam-viec-tai-cong-ty-xang-dau-khu-vuc-ii.html

[4]https://vietnamnet.vn/bo-truong-cong-thuong-han-che-su-can-thiep-cua-con-nguoi-vao-quan-ly-xang-dau-2072451.html

[5]https://tuoitre.vn/co-toi-121-cua-hang-xang-dau-tai-tp-hcm-dang-khat-xang-20221010164702441.htm

[6] /nd/bao-chi-viet-ve-petrolimex-va-xang-dau/du-tru-xang-dau-dam-bao-toi-thieu-nhu-cau-su-dung-30-ngay.html

[7] https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dieu-hanh-xang-dau-sao-ma-bo-nay-do-cho-bo-kia-20221022132633504.htm

[8] https://giaoduc.net.vn/san-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-khong-chi-rieng-bo-canh-dieu-post213175.gd

Xuân Dương