Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Trường mong 4 môn, ĐBQH ủng hộ 5 môn

21/10/2023 06:32
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Lựa chọn phương án thi phù hợp giúp đánh giá chính xác nhất về năng lực phẩm chất của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.

Theo lộ trình, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên cả nước thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 2 lựa chọn gồm lựa chọn 4+2; lựa chọn 3+2.

Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, hiện nhà trường rất quan tâm, chờ đợi phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo “chốt” để có những điểm bổ sung phù hợp và có định hướng cụ thể trong chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.

Theo cô Nga, lựa chọn 2+2 như ý kiến của nhiều giáo viên ở một số tỉnh/thành được thầy cô hưởng ứng. Vì lựa chọn này sẽ giảm được số môn thi tốt nghiệp đồng nghĩa sẽ giảm được căng thẳng trong học tập cho học sinh, nhất là đối với học sinh ở những vùng khó khăn.

Cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Cô Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Cũng liên quan đến nội dung này, cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, để đưa ra lựa chọn số môn thi cho học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, nhà trường dựa trên một số căn cứ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phương án thi đánh giá được chính xác nhất về phẩm chất và năng lực người học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời, có tác động lớn với trường, chẳng hạn, thúc đẩy đổi mới quá trình dạy học của nhà trường trong các năm học sau.

Thứ hai, phương án thi phải tạo cơ hội lớn nhất để kết quả này có thể trở thành căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thứ ba, phương án thi phù hợp với mục tiêu, định hướng giáo dục nghề nghiệp của cấp trung học phổ thông, nghĩa là chấp nhận học sinh có thiên hướng “học lệch” nhưng có phẩm chất và năng lực chung phát triển tốt, đồng thời có điều kiện học chuyên sâu vào các nội dung môn học theo định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Do đó, hầu hết thầy cô nhà trường lựa chọn phương án thi 2+2. Cụ thể, 2 môn bắt buộc là môn Toán, Ngữ văn; 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ, Lịch sử).

Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Lý giải về sự lựa chọn này, cô Yến cho hay: “Môn Toán và Ngữ văn ngoài là 2 môn học bắt buộc, cũng là môn đại diện cho năng lực của học sinh: khả năng tư duy logic; khả năng nghệ thuật và phẩm chất của con người. Đồng thời, 2 môn thí sinh tự chọn sẽ đáp ứng được định hướng nghề nghiệp và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Mặt khác, lựa chọn thi 2+2 tương đương với 4 môn học, số buổi thi là 03 buổi, tức là giảm một số buổi thi so với hiện nay và các phương án lưạ chọn khác (4+2, 3+2) phần nào giảm áp lực thi cử cho cả học sinh, gia đình và xã hội”.

Về góc độ của nhà trường, cô Cao Thanh Nga cũng bày tỏ: “Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú luôn kiên định mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Do đó, các môn thuộc nhóm không bắt buộc phải thi, học sinh vẫn được dạy học tích cực và đầy đủ để đảm bảo trang bị tốt kiến thức phổ thông cho học sinh.

Để tạo điều kiện cho học sinh được học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp, việc phân ban khoa học xã hội - khoa học tự nhiên sẽ giúp nhà trường tổ chức ôn luyện tập trung hơn, rèn kỹ năng tốt hơn”.

Về môn thi thí sinh được tự chọn, cô Nga cho biết: “Ngay từ năm lớp 10, nhà trường, gia đình luôn sát cánh với các em trong việc tư vấn, xây dựng mục tiêu học tập. Phụ huynh và học sinh không nên hiểu môn thí sinh tự chọn là chọn ngẫu hứng sát kỳ thi.

Mặc dù các em có thể thay đổi lựa chọn môn thi, nhưng việc chỉ học tập 1 - 2 năm chuyên sâu một môn nào đó sẽ không thể bằng việc rèn luyện, trau dồi kiến thức đủ cả 3 năm học. Xét theo phương án thi 2+2, 2 môn thí sinh tự chọn đòi hỏi phải có sự cố gắng, chăm chỉ học tập tốt trong suốt hành trình 3 năm học tại trường trung học phổ thông”.

Về phía đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: “Phương án 3+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 05 môn) là phương án tối ưu, vừa sức với học sinh. Còn, phương án 4+2 sẽ làm học sinh áp lực và quá tải về kiến thức; phương án 2+2 chưa đánh giá được thực chất năng lực của học sinh”.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (áo tím) - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: website đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (áo tím) - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: website đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Giải thích về sự lựa chọn này, Đại biểu Hồ Thị Minh cho biết: “Thứ nhất, phương án 3+2 đáp ứng được khối lượng kiến thức chung tại bậc trung học phổ thông của học sinh.

Thứ hai, chương trình trung học phổ thông mang tính phân luồng theo năng lực, học sinh đã có định hướng nhất định trong học tập ngay từ lớp 10. Do vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên được tổ chức với mục đích hoàn thiện và đánh giá về bậc học”.

Đề xuất phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025:

Lựa chọn 4+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 06 môn, gồm thi bắt buộc 04 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Lựa chọn 3+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 05 môn, gồm thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ, Lịch sử).

Thảo Ly