Thi sĩ có thơ đạt giải còn bị chê "dở", dạy học sinh làm thơ e chỉ mất công

14/06/2022 06:30
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỹ năng làm thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng chỉ dành cho những ai có thiên hướng nghệ thuật, đem dạy số đông học sinh chỉ mất công thầy cô mà thôi.

Sách Ngữ văn 6 – Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dạy học sinh 12 tuổi tập làm thơ lục bát khiến phụ huynh, giáo viên không khỏi băn khoăn, bởi việc này được cho là quá sức với các em (kể cả thầy cô).

Dạy học sinh lớp 6 làm thơ

Cụ thể, sách Ngữ văn 6, tập 1 – bộ Cánh Diều (Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên, Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) dạy bài “Tập làm thơ lục bát” (trang 43). [1]

Bài Tập làm thơ lục bát - Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều. (Ảnh: Cao Nguyên)

Bài Tập làm thơ lục bát - Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều. (Ảnh: Cao Nguyên)

Sách Ngữ văn 6, tập 1 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Bùi Mạnh Hùng – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) dạy bài: “Tập làm một bài thơ lục bát” (trang 100). [2]

Sách Ngữ văn 6, tập 1 – bộ Chân trời sáng tạo (Nguyễn Thị Hồng Nam – Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) dạy bài “Làm một bài thơ lục bát” (trang 73). [3]

Cần nhắc lại, thơ ca là một loại sản phẩm của sáng nghệ thuật ngôn từ theo những cách thức nhất định dựa trên quy luật hài hòa về vần điệu, âm điệu. Thơ có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, cô đọng và hàm súc, có thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.

Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”.

Như thế để thấy rằng, thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng lòng của tình cảm con người trước cuộc sống. Một bài thơ có giá trị phải đạt đến đỉnh cao cả nội dung lẫn hình thức. Vậy nên, không có chuyện học sinh sau khi học xong 45 phút thì tất cả các em đều biết làm thơ.

Chia sẻ với người viết về việc dạy làm thơ cho học sinh lớp 6, thầy giáo Nguyễn H. dạy Ngữ văn bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm:

“Chỉ ngại, khả năng làm thơ của trẻ em 12 tuổi rất là hạn chế. Với lại, em nào có năng khiếu về ngôn ngữ, tôi khuyên cha mẹ nên cho các em học thêm ngoại ngữ, vì kỹ năng ngoại ngữ rất cần; chứ làm thơ không được, không có sao hết.

Sứ mạng của người thầy dạy Ngữ văn là dạy kỹ năng ngôn ngữ (nghe - nói - đọc - viết) cho học sinh chứ đâu có dạy làm thơ. Chỉ khi nào có "thần đồng" thơ xuất hiện trong lớp, khi đó giáo viên cần thẩm bình thơ sao cho khích lệ tài năng học sinh là được.

Kĩ năng làm thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng chỉ cần cho ai có thiên hướng làm nghệ thuật mang tính truyền thống dân tộc, đem dạy cho số đông chỉ e mất công giáo viên mà thôi”.

Thầy H. còn cung cấp thêm một “sản phẩm thơ” được học sinh bậc trung học phổ thông làm tặng thầy trong giờ ngoại khóa:

“Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Chúng em có một quả cam biếu thầy

Thầy ơi, có ngọt không thầy?

Cam bao nhiêu múi, em thương thầy bấy nhiêu!”.

Dạy học áp đặt sẽ có nhiều hệ lụy

Có thể khẳng định, để làm được thơ là khó và làm thơ hay lại càng khó hơn. Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn cũng không biết làm thơ, sao đem dạy cho tất cả học sinh? Vậy nên, sự áp đặt của những tác giả sách giáo khoa khi dạy các em làm thơ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đó là học sinh sẽ có cảm giác ngán học môn Ngữ văn, trong khi “Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường;

Đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha...” (theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018). [4]

Cùng với đó, học sinh không có năng khiếu làm thơ nhưng cố “đẻ” cho ra thơ thì sẽ có những bài thơ ngô nghê, chỉ mang tính giải trí không hơn kém.

Ví dụ, “bài thơ” được học sinh sáng tác qua giờ thực hành “tập làm thơ" như sau:

Cô giáo lớp em

Xinh đẹp hoành tráng

Làn da trắng sáng

Đôi giày bóng loáng

Ai nhìn cũng choáng

Em nhìn choáng hơn.

Chưa kể, mỗi khi học sinh không thể sáng tác thơ ca theo yêu cầu, các em có thể nhờ gia đình, người thân hay lên mạng sao chép nộp cho thầy cô dẫn đến lối học đối phó, chẳng mang lại hiệu quả gì.

Từ năm 2017, vấn đề dạy học sinh làm thơ đã được phản ánh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) qua bài viết “Học trò ‘tập làm thơ’ và những khó khăn của giáo viên”.

Tác giả bài báo cho biết, bản thân các thầy cô giáo không phải ai cũng biết làm thơ mà đi dạy học sinh… làm thơ thì làm sao mà dạy nổi. Văn chương đâu phải là ai cũng có thể làm.

Đến năm 2019, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đặt vấn đề “Làm thơ khó lắm!”. Bài viết nêu băn khoăn, không biết có bao nhiêu học sinh biết làm thơ nhưng chắc chắn con số này rất ít vì làm thơ thuộc về năng khiếu đặc biệt, không phải ai cũng có năng khiếu này.

Hai bài viết trên được đông đảo giáo viên và phụ huynh tán thành vì các tác giả nói quá đúng về những bất cập, kể cả sự vô lí khi dạy học sinh bậc trung học cơ sở làm thơ.

Còn nhớ, thời điểm tháng 4/2021 trên mạng xã hội Facebook và các diễn đàn báo chí đã xảy ra tranh cãi dữ dội không hồi kết về một bài thơ đoạt giải B vì dư luận cho rằng thơ mà không ra thơ. [5]

Thi sĩ có bài thơ đạt giải cao còn bị chê "dở nhất nước" thì học sinh chỉ mới 12 tuổi làm thơ sẽ thế nào?

Thiết nghĩ, dạy học là dạy cho học sinh làm được cái mà người khác làm được, dĩ nhiên chỉ ở mức độ cơ bản. Còn dạy mà học sinh không làm được hoặc làm chẳng đâu vào đâu thì chẳng mang lại lợi ích gì.

Tài liệu tham khảo:

[1] //sachcanhdieu.com/ngu-van-6-tap-1/

[2] //booktoan.com/sach-giao-khoa-ngu-van-lop-6-chan-troi-sang-tao.html

[3] //hanhtrangso.nxbgd.vn/ebook/read/ngu-van-6-tap-mot-10743

[4] //hoatieu.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-2018-161470

[5] //tuoitre.vn/bi-che-trao-giai-cho-nhung-bai-tho-do-nhat-nuoc-ban-to-chuc-noi-gi-20210410212317941.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên