Thầy cô vùng cao “đỡ đầu”, tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

19/01/2025 06:46
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Xót xa trước hoàn cảnh của nhiều học sinh, thầy cô giáo vùng cao nhận “đỡ đầu”, cùng nhà trường tặng quà Tết để các em có một mùa Tết trọn vẹn.

Nhiều học sinh sống với ông bà tuổi cao sức yếu

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Quàng Thị Xuân - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Đa phần các em học sinh tại trường đều là dân tộc Mông, thuộc hộ nghèo. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, hiếm khi có một cái Tết đầy đủ.

Hằng năm, vào dịp Tết, tôi lại thấy các gia đình đồng bào dân tộc làm những loại bánh truyền thống. Dù vậy, những chiếc bánh chỉ xuất hiện ở các gia đình có điều kiện một chút. Tết của các em không nhiều niềm vui như các bạn đồng trang lứa ở miền xuôi. Thậm chí, một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn không được mua quần áo mới. Một năm, gia đình chỉ sắm thêm được vài bộ cho con, đến Tết thì quần áo cũng đã cũ rồi”.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, không khí xuân đã bắt đầu len lỏi vào từng góc phố, ngõ xóm. Tuy nhiên, ở những vùng núi xa xôi, cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều thiếu thốn. Dù Tết là dịp để đoàn viên, nhưng với những học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Lạn, niềm vui Tết dường như vẫn chưa trọn vẹn.

cô Quàng Thị Xuân.jpg
Cô Quàng Thị Xuân - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Lạn. Ảnh: NVCC

Không giấu nổi nghẹn ngào, cô Xuân bộc bạch: “Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các em học sinh trường tôi cũng vì vậy mà chịu nhiều thiệt thòi.

Trong quá trình công tác, tôi nhận đỡ đầu một em học sinh tại trường. Gia đình em có hoàn cảnh vô cùng éo le, mẹ không biết tiếng phổ thông, bố thì dính vào tệ nạn xã hội. Để thực hiện các chế độ cho em học sinh này, tôi đã lên tận nhà vận động bố mẹ, cho phép tôi thay bố mẹ em làm các giấy tờ liên quan.

Ở trường tôi, không chỉ một mà rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Nhiều trường hợp mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc đã mất cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà. Với những em học sinh này, nhà trường rất quan tâm và luôn có các phần quà Tết nhằm động viên, giúp học sinh có thêm niềm vui khi Tết đến”.

Tại Trường Tiểu học Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), dù được nhà trường và thầy cô quan tâm, săn sóc, song, đời sống các em học sinh vẫn còn nhiều khó khăn.

Cô Vì Thị Hằng - Giáo viên Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Lóng Luông chia sẻ: “Tại Trường Tiểu học Lóng Luông, 99% học sinh là dân tộc thiểu số. Cuộc sống các em rất vất vả, cần nhiều sự quan tâm và giúp đỡ từ nhà trường.

Xã Lóng Luông là xã vùng III của huyện Vân Hồ. Bà con chủ yếu trồng cây ăn quả, ngô, trà và lúa, nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Các bậc phụ huynh chưa dành nhiều quan tâm đến con em, hoặc do điều kiện kinh tế mà phải đi làm xa. Cũng có trường hợp bố mẹ vướng vào vòng lao lý do nghiện và buôn bán ma túy. Thậm chí, một số em học sinh có bố mẹ phải chịu mức án cao. Thành ra bây giờ, nhiều em sống với ông bà tuổi đã cao, sức yếu”.

Cô Vì Thị Hằng cho biết, trong thời gian làm Tổng phụ trách Đội, cô có cơ hội đi đến tất cả các điểm trường của Trường Tiểu học Lóng Luông. Công tác tại vùng cao nhiều năm, cô Hằng trăn trở: “Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhìn thấy các em học sinh vui vẻ trên lớp, rồi nghĩ về hoàn cảnh các em, tôi lại thấy thương vô cùng. Tết là dịp trẻ em được xúng xính quần áo mới, ăn món ngon. Nhưng với học sinh vùng cao, nhiều em còn không có một mùa Tết đúng nghĩa”.

Trường học hỗ trợ học sinh có ngày Tết no đủ

Cô Quàng Thị Xuân chia sẻ: “Hằng năm, vào dịp Tết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp sẽ gửi tặng những phần quà cho học sinh có hoàn cảnh nghèo khó, chủ yếu là bánh kẹo và tiền mặt, từ 100.000 đến 200.000 đồng mỗi em.

Các thầy cô sẽ xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng em, ưu tiên hỗ trợ những học sinh mồ côi hoặc thuộc hộ nghèo. Nhà trường cũng có những món quà riêng dành cho học sinh nghèo vượt khó. Mặc dù phần quà không lớn, nhưng nhà trường vẫn mong muốn mang đến niềm vui nhỏ cho các em trong dịp Tết”.

Cô Xuân cho biết, hầu hết các học sinh đều đi học xa nhà. Do đó phần quà này sẽ được trao tại trường hoặc đưa tận tay cho phụ huynh khi bố mẹ xuống trường đón con vào ngày cuối đi học trước kỳ nghỉ Tết.

“Dù được hỗ trợ nhiều nhưng nhìn chung, một cái Tết ấm no, đầy đủ vẫn là điều mà không ít học sinh vùng cao mơ ước. Tôi mong các em được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để các em có được niềm vui như những bạn cùng trang lứa. Bởi hiện nay, số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường rất nhiều, nhưng số phần quà vẫn còn hạn chế”, cô Quàng Thị Xuân bày tỏ.

Tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, mỗi dịp Tết đến, các thầy cô lại tất bật công tác chuẩn bị quà Tết, áo ấm cho học sinh.

Cô Vì Thị Hằng bộc bạch: “Nhà trường và các cơ quan, ban ngành đều dành nhiều sự quan tâm đến học sinh, tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế vẫn còn hạn hẹp. Nhà trường chỉ có thể hỗ trợ được em nào thật sự khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt. Còn nếu xét về gia cảnh khó khăn thì cả trường, em nào cũng thế.

Mới đây, tôi cùng các thầy cô đã trích quỹ từ phong trào ‘Kế hoạch nhỏ’, số tiền đủ để hỗ trợ khoảng 14 - 15 em. Đó là những em có mồ côi bố, mẹ hoặc bố mẹ đi tù, bỏ nhau. Còn những em có đầy đủ bố mẹ, hoàn cảnh nghèo, dù rất muốn dành tặng các phần quà Tết nhưng không đủ để đến tay các em, do kinh tế nhà trường cũng có hạn”.

TH Lóng Luông 2.jpg
Cô Vì Thị Hằng (đứng giữa) cùng các thầy cô đến nhà học sinh tặng quà dịp Tết dương 2025. Ảnh: NVCC
z6184361690605_4449d52380013ee5d9fbf8662fe77c0c.jpg
Hoạt động tặng quà Tết được Trường Tiểu học Lóng Luông thực hiện vào Tết dương lịch, trong đó đã bao gồm quà cho Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC

Tại Trường Tiểu học Lóng Luông, việc thầy cô nhận “đỡ đầu” học sinh đã trở thành hoạt động thường niên, giúp san sẻ khó khăn tài chính của nhà trường và địa phương. Mỗi năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ cùng các thầy cô bộ môn trong trường nhận đỡ đầu mỗi người 2 học sinh. Các em được “bố mẹ nuôi” sắm sửa quần áo, giày dép mới và có thêm bánh kẹo mang về ăn Tết.

“Trường hiện tại có gần 60 giáo viên, tính ra sẽ hỗ trợ được 120 em. Điều này giúp nhà trường tăng số lượng học sinh được hỗ trợ ngày Tết. Giáo viên chúng tôi rất mong muốn có thể giúp được nhiều học sinh hơn, nhưng số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn khá nhiều, thầy cô không thể nhận đỡ đầu hết được.

Những lúc như vậy, tôi lại thấy buồn và thương cho các em chưa thuộc diện được hỗ trợ. Nhưng may mắn rằng, ngoài các thầy cô, học sinh còn được quan tâm bởi nhiều đơn vị hảo tâm, thiện nguyện. Điều đó cũng giúp giáo viên chúng tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc hơn. Bởi chúng tôi biết rằng, các em học sinh vẫn còn được quan tâm và nhận được sự giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần”, cô Hằng chia sẻ.

Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cũng nhận định, số lượng học sinh có hoàn cảnh khốn khó còn nhiều, học sinh phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, nhà trường và các cơ quan ban ngành luôn mong muốn có thể hỗ trợ được nhiều học sinh nhất có thể.

Để các em học sinh tại trường cảm nhận được niềm vui ngày Tết, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi. Khi đó, học sinh sẽ thích thú hơn khi được học tập tại trường. Đây cũng là điều thu hút học sinh quay trở lại trường sau dịp Tết.

“Nhiều học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh éo le, nhưng các em vẫn nỗ lực đến trường kiếm con chữ. Vì vậy, mỗi năm, nhà trường luôn có những phần quà động viên các em vào dịp Tết.

Để thu hút các nhà hảo tâm đến trường, thầy cô đã nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, nhằm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức. Tết năm 2024, nhà trường đã nhận được 22 triệu đồng từ các hoạt động trên. Từ đó, chúng tôi lập danh sách các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dành tặng phần quà này”, thầy Tùng bộc bạch.

Về phía nhà trường, căn cứ vào các chế độ cho học sinh vùng miền núi, thầy Tùng cho biết, trường luôn cố gắng cân đối kinh phí để khi các em học sinh về Tết, đồng loạt tất cả học sinh bán trú đều có một suất quà Tết, bao gồm bánh chưng, bánh kẹo, mì tôm, gạo… cho học sinh mang về cho gia đình. Dự kiến năm nay cũng sẽ có các hoạt động trao quà tương tự.

Dù vậy, cùng chung hoàn cảnh với các trường vùng cao khác, thầy Phùng Thế Tùng chia sẻ, cộng đồng dân cư tại địa phương cũng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các phần quà số lượng không nhiều.

“Các cơ quan ban ngành đã nỗ lực phối hợp cùng nhà trường trong công tác chăm lo cho đời sống của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với các cá nhân và tổ chức xã hội, nhà trường cũng đã triển khai nhiều hình thức để thu hút sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, đặc biệt là trong dịp Tết, nhằm mang đến những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh.

Thời gian qua, nhiều học sinh đã được nhận áo ấm và một số đồ dùng từ các nhà hảo tâm. Để tổ chức một hoạt động Tết, trường rất mong có sự góp sức của cộng đồng. Tuy nhiên, việc này cũng không hề dễ dàng, vì vậy phần lớn kinh phí vẫn được lấy từ nguồn quỹ của nhà trường. Mục tiêu là tổ chức một hoạt động vừa vui vẻ, ý nghĩa, vừa phù hợp với hoàn cảnh, tạo niềm vui cho các em học sinh trước khi về đón Tết bên gia đình. Sau kỳ nghỉ, các hoạt động chào xuân cũng là điểm sáng thu hút các em quay lại trường một cách hứng khởi”, thầy Phùng Thế Tùng bày tỏ.

Ngọc Huyền