Đến thời điểm này, đa phần các địa phương đã thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến các nhà trường. Theo đó, có nơi học sinh được nghỉ học 9 ngày, 10 ngày… và cũng có nhiều địa phương cho nghỉ 14 ngày. Nhìn chung, lịch nghỉ tết của học sinh ở các địa phương không giống nhau bởi mỗi tỉnh (thành) có một kế hoạch riêng.
Không ít giáo viên, nhân viên ở các nhà trường vẫn quan niệm, học sinh nghỉ tết thì thầy cô cũng nghỉ. Khi được nhà trường phân công trực trường hoặc tham gia một số hoạt động trước hoặc sau tết thì có ý kiến.
Đặc biệt, sau tết, khi mà kế toán làm bảng chi tiền thêm giờ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn luôn có ý kiến cho rằng mình cũng tham gia trực trường mà không được tính tiền làm thêm giờ nhưng một số người khác tham gia trực lại có tiền. Có người nhận đến mấy triệu đồng trực tết.
Thực ra, tham gia trực trường trong dịp tết của giáo viên hiện nay đang được nhiều Ban giám hiệu phân công nhưng phải đúng thời điểm quy định được hưởng chế độ thì giáo viên mới được nhận tiền làm thêm giờ. Nên, nhiều giáo viên tham gia trực trường nhưng chỉ là trực hành chính thì không được tính chế độ tiền làm thêm giờ.
Giáo viên thường được phân công trực trường vào thời điểm…chưa được tính tiền làm thêm giờ
Theo điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định số ngày nghỉ hưởng nguyên lương của người lao động cụ thể như sau:
Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Ngày 26/11/2024 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 về nghỉ Tết 2025 âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025. Theo đó, lịch nghỉ Tết 2025 âm lịch của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động như sau:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ từ 25/1/2025 - 2/2/2025 dương lịch (từ thứ 7, ngày 26 tháng Chạp đến hết chủ Nhật, mùng 5 tháng Giêng).
Địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán từ 10 ngày trở lên là lịch của học sinh. Cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ được nghỉ 9 ngày theo Công văn 8726/VPCP-KGVX. Những ngày nghỉ nằm ngoài 9 ngày theo quy định thì nhà trường vẫn duy trì hoạt động làm việc, hội họp bình thường đối với viên chức trong nhà trường.
Nếu giáo viên được phân công trực trong khoảng thời gian 9 ngày nghỉ tết cũng chỉ có 5 ngày được chi trả tiền làm thêm giờ.
Tháng Chạp năm 2024 không có ngày 30 nên phương án trực tết từ thứ Hai ngày 27/1/2025 đến hết thứ Sáu, ngày 31/1/2025 (tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 03 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Nếu giáo viên tham gia trực Tết trong 5 ngày, từ ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 03 tháng Giêng năm Ất Tỵ thì mới được tính tiền làm thêm giờ. Những ngày tham gia trực không rơi vào 5 ngày nghỉ Tết theo quy định, chỉ đơn thuần là trực hành chính, không được hưởng tiền làm thêm giờ như 5 ngày trực Tết.
Tiền làm thêm giờ trong 5 ngày trực tết có cao không?
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
“Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
Có nghĩa, những cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết (5 ngày Tết), ngoài tiền lương được nhận bình thường, những ngày trực Tết sẽ được tính ít nhất bằng 300% nữa.
Tuy nhiên, tùy điều kiện, hướng dẫn của mỗi địa phương có những khác nhau. Có địa phương hướng dẫn trực tết sẽ được tính tiền làm thêm giờ, có nơi cho nghỉ bù, có nơi không cho hưởng chế độ tiền làm thêm giờ. Vì thế, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thấy tình trạng một số giáo viên phản ánh góp tiền thuê người trực thay hoặc trực mà không có chế độ.
Đối với những địa phương cho chi chế độ làm thêm giờ trong dịp trực Tết Nguyên đán thì cách tính tiền làm thêm giờ của cán bộ, giáo viên như sau: hệ số (lương+phụ cấp chức vụ, đứng lớp, thâm niên) x lương cơ sở (2.340.000 đồng) : định mức ngày (22 ngày/8 giờ) = tiền công mỗi giờ làm. Tiền số giờ làm thêm x 300% (tiền làm thêm giờ) = tiền làm thêm.
Vì thế, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết Nguyên đán có hệ số lương cao thì số tiền trực tết cũng cao lên. Chẳng hạn, tổng lương hàng tháng của cán bộ giáo viên dao động từ 13 triệu -19 triệu đồng thì tiền trực tết mỗi ngày (8 giờ) rơi vào khoảng 1,7- 2,6 triệu đồng (chỉ riêng tiền làm thêm giờ).
Mỗi ngày trực tết, sẽ có một cán bộ quản lý trực lãnh đạo và có thêm 1 giáo viên (thường là đứng đầu đoàn thể: công đoàn; đoàn thành niên; tổng phụ trách đội) hoặc 1 nhân viên trực với nhau. Những giáo viên đứng lớp, ít khi ban giám hiệu phân công trực vào ngày cao điểm.
Vậy nên, chuyện trực Tết Nguyên đán có người được hưởng chế độ tiền làm thêm giờ và có người cũng trực nhưng không hưởng tiền làm thêm giờ vì không phải trực trong 5 ngày được tính tiền làm thêm giờ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.