Tại sao lựa chọn, phân công giáo viên làm Tổng phụ trách Đội không hề đơn giản?

23/09/2023 07:24
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, lựa chọn được một giáo viên làm Tổng phụ trách Đội lâu dài và làm tốt công việc không phải trường nào cũng làm được vì nhiều lý do khác nhau.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở có nhiều chức danh khác nhau, trong đó chức danh Tổng phụ trách Đội có một vai trò rất quan trọng vì ngoài chuyện quản lý học sinh thì giáo viên này thường đứng ra tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào và giáo dục đạo đức, lý tưởng cho học sinh trong nhà trường.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm chức danh Tổng phụ trách Đội ở nhiều trường thường gặp khó khăn vì khi giáo viên đảm nhận chức danh này thường áp lực về thời gian, đối diện nhiều với những học sinh chưa ngoan và đôi lúc cũng có thể xảy ra những xung đột với một số giáo viên chủ nhiệm lớp.

Vì vậy, nhiều thầy cô khi đảm nhiệm chức vụ này một thời gian rồi tìm lý do xin nghỉ để trở về dạy lớp vì có khá nhiều áp lực, rất ít thầy cô giáo gắn bó lâu dài với công việc.

Cô giáo Vũ Huyền Thương - giáo viên Âm nhạc, Tổng phụ trách Đội Trường Trung học cơ sở Phả Lại (Ảnh minh họa bài viết: giaoduc.net.vn)Cô giáo Vũ Huyền Thương - giáo viên Âm nhạc, Tổng phụ trách Đội Trường Trung học cơ sở Phả Lại (Ảnh minh họa bài viết: giaoduc.net.vn)

Tìm được một Tổng phụ trách Đội đúng nghĩa không đơn giản

Nếu như ở cấp Trung học phổ thông, Ban chấp hành Đoàn trường có một vai trò quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ của học sinh và đa số học sinh đã được kết nạp đoàn nên vai trò của Bí thư Đoàn trường rất quan trọng.

Nhưng, đối với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thì học sinh còn nhỏ, chủ yếu là đội viên, mãi cuối năm lớp 9 mới có một số ít học sinh đủ tuổi và tiêu biểu được kết nạp vào Đoàn. Vì thế, Tổng phụ trách Đội ở 2 cấp học này thường rất quan trọng. Nếu hiệu trưởng lựa chọn được một giáo viên tâm huyết, có khả năng tổ chức các hoạt động tập thể tốt là việc quản lý học sinh trong nhà trường rất nhẹ nhàng.

Theo hướng dẫn tại Điều 3, Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT về quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hướng dẫn nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội như sau:

“Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên ở mỗi cấp học theo quy định tại Điều lệ trường học hiện hành; Tham mưu cho hiệu trưởng các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong phạm vi nhà trường;

Lập kế hoạch, tổ chức, quản lý các chương trình hoạt động cho đội viên, học sinh trong nhà trường theo kế hoạch của ngành Giáo dục, chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Hội đồng Đội các cấp; Xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đội trong nhà trường theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh;

Bồi dưỡng đội ngũ phụ trách chi đội, ban chỉ huy Đội các cấp; Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, hoạt động giáo dục trong nhà trường;

Học tập, rèn luyện và tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, công tác Đội và phong trào thiếu nhi do ngành Giáo dục, Hội đồng Đội các cấp tổ chức để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; Được bảo đảm các điều kiện để thực hiện các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương”.

Chính vì vậy, khi vào một trường học thấy đội Cờ đỏ, thấy học sinh có nền nếp tốt, lễ phép với người lạ và vệ sinh trường lớp gọn gàng, sạch sẽ thì chắc chắn một điều giáo viên Tổng phụ trách Đội đang làm tốt công việc của mình.

Đặc biệt, nếu có dịp dự một ngày Lễ nào đó của nhà trường tổ chức, chỉ cần quan sát đội văn nghệ, đội nghi thức, người dẫn chương trình (Tổng phụ trách Đội ) lưu loát, hoạt ngôn, khoa học thì đó là một sự thành công của nhà trường.

Ngược lại, nếu nền nếp học sinh không quy củ, đầu tóc nhiều sắc màu, quần áo của học sinh lôi thôi, nhà trường thường xuyên phải xử lý, kỉ luật học sinh…thì rõ ràng vai trò của Tổng phụ trách Đội chưa được phát huy tốt.

Vì thế, việc nhà trường lựa chọn được một giáo viên để bổ nhiệm Tổng phụ trách Đội hiện nay không hề là việc đơn giản. Có những thầy cô đam mê công việc này và làm trong một thời gian dài hàng chục năm nhưng cũng có những thầy cô chỉ làm 1-2 năm là cương quyết xin nghỉ vì kham không nổi.

Bởi lẽ, bên cạnh sự nhiệt huyết, cương trực, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng học trò, đồng nghiệp khi xử lý công việc thì điều không thể thiếu là Tổng phụ trách Đội phải có khả năng điều hành, tổ chức các sự kiện, sự việc trong nhà trường.

Cũng chính vì thế, Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT đã hướng dẫn khi chọn giáo viên Tổng phụ trách Đội: “Ưu tiên chọn giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi”.

Song, thực tế việc lựa chọn được một giáo viên làm Tổng phụ trách Đội lâu dài và làm tốt công việc của mình thì không phải trường nào cũng làm được vì nhiều lý do khác nhau.

Nhiều giáo viên sợ làm Tổng phụ trách Đội

Về quyền lợi, theo hướng dẫn hiện hành, trừ các trường vùng vùng cao, đảo, vùng sâu, vùng xa, những trường trên 28 lớp thì Tổng phụ trách Đội chuyên trách không giảng dạy.

Với trường từ 18-27 lớp thì Tổng phụ trách Đội bán chuyên trách dạy 8 tiết/ tuần với lớp Trung học cơ sở hoặc 2 buổi/ tuần với lớp Tiểu học. Với trường có dưới 18 lớp thì Tổng phụ trách Đội bán chuyên trách dạy 10 tiết/ tuần với lớp Trung học cơ sở hoặc 3 buổi/ tuần với lớp Tiểu học.

Phụ cấp của Tổng phụ trách Đội được hưởng như sau: Giáo viên Tổng phụ trách Đội ở trường hạng I hưởng phụ cấp là 0,30; trường hạng II hưởng phụ cấp là 0,20; trường hạng III hưởng phụ cấp là 0,10 lương cơ sở.

Mức phụ cấp này tương đương (trường hạng II, III) và cao hơn (trường hạng I) với phụ cấp chức vụ của tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Tuy nhiên, dù được hưởng một số quyền lợi nhất định nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội có thời gian làm việc nhiều hơn so với giáo viên trong trường vì các phong trào Đội thường được tổ chức vào những ngày cuối tuần, dịp Lễ, Tết, hè- lúc mà những giáo viên khác được nghỉ ngơi nhưng Tổng phụ trách Đội lại đang tất bật với phong trào.

Bên cạnh đó, Tổng phụ trách Đội thường phải đối mặt, giải quyết với một số học sinh hư, quậy phá trong trường. Hàng tuần, tổng kết các hoạt động của trường, của các lớp trước cờ và nhiều khi làm không khéo sẽ xảy ra tranh cãi với giáo viên chủ nhiệm vì ảnh hưởng đến điểm thi đua của các lớp.

Khi đối mặt với những sự việc như vậy khiến cho những thầy cô giáo mới làm Tổng phụ trách Đội cảm thấy áp lực, mệt mỏi và nhiều thầy cô phải làm đơn xin nghỉ để về dạy lớp.

Tuy nhiên, trường Tiểu học và Trung học cơ sở công lập không thể thiếu được giáo viên Tổng phụ trách Đội nên điều cần thiết là khi bổ nhiệm chức danh này nhà trường cần làm tốt công tác tư tưởng.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc thì Ban giám hiệu nhà trường cần có sự chia sẻ, động viên, khích lệ Tổng phụ trách Đội làm tốt công việc của mình. Bởi vì, nếu có một Tổng phụ trách Đội làm tốt công việc sẽ giúp cho nhà trường quản lý tốt học sinh, đặc biệt sẽ thường xuyên tạo ra được những sân chơi tập thể bổ ích cho học sinh sau những giờ học căng thẳng ở trên lớp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG