Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí hay tùy bút?

20/09/2023 06:41
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách Ngữ văn 12 gọi tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí nhưng sách Ngữ văn 11 gọi là tùy bút gây khó khăn cho giáo viên, học sinh.

Năm học 2023-2024, người viết (giáo viên Ngữ văn) dạy 2 khối lớp: lớp 11 (Chương trình mới) và lớp 12 (Chương trình cũ), cùng một tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (Hoàng Phủ Ngọc Tường) nhưng rất băn khoăn không biết tác phẩm này là bút kí hay tùy bút vì mỗi sách viết một kiểu.

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - sách giáo khoa Ngữ văn 12. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - sách giáo khoa Ngữ văn 12. (Ảnh: Cao Nguyên)

Phần Kết quả cần đạt của tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", sách giáo khoa Ngữ văn 12 (Phan Trọng Luận - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) viết:

"Nhận biết được đặc trưng của thể loại bút kí và nghệ thuật viết bút kí trong bài". Cùng với đó, phần Tiểu dẫn viết: "Các tác phẩm bút kí chính... Ai đã đặt tên cho dòng sông?... Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc... Bài bút kí có 3 phần...".

Như vậy, các tác giả sách giáo khoa khẳng định, tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" thuộc thể loại bút kí.

Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn 12, các giáo viên đều cắt nghĩa đặc điểm của bút ký theo sách giáo khoa. Thầy cô giáo thường căn dặn học trò phải ghi nhớ thật kỹ tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là thể loại bút kí, không được lẫn lộn với đặc điểm của tùy bút qua tác phẩm "Người lái đò Sông Đà" (Nguyễn Tuân).

Thế nhưng, sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ Chân trời sáng tạo (Nguyễn Thành Thi - Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) viết:

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" thể hiện đặc điểm của thể loại tùy bút một cách đậm nét". (Trang 11, tập 1)

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Cao Nguyên)

Người viết xem sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ Cánh Diều (Lã Nhâm Thìn, Đỗ Ngọc Thống - đồng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Huế), thì các tác giả cũng gọi tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" thuộc thể loại tùy bút.

Cụ thể, sách giáo khoa viết: "Hãy chỉ ra và làm sáng tỏ đặc điểm tùy bút thể hiện qua văn bản này (Ai đã đặt tên cho dòng sông?). (Trang 75, tập 2)

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - Cánh Diều. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - Cánh Diều. (Ảnh: Cao Nguyên)

Và sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) viết: "...Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (tập bút kí, 1984). (Trang 40, tập 2)

Sách này ghi chú thêm: "Thể loại của tập sách được ghi là bút kí, vì vậy, tất cả các tác phẩm trong đó đều có thể được gọi là bút kí. Tuy nhiên, xét theo đặc điểm nội dung và hình thức của văn bản "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", có đủ cơ sở để xếp nó vào thể loại tùy bút". (Trang 40, tập 2)

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. (Ảnh: Cao Nguyên)

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Ngữ văn 11 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. (Ảnh: Cao Nguyên)

Có thể nhận thấy, sách giáo khoa Ngữ văn 12 gọi tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí nhưng sách Ngữ văn 11 (cả 3 bộ) đều cho rằng tác phẩm này là tùy bút. Vậy sách giáo khoa nào nêu khái niệm đúng?

Sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ Chân trời sáng tạo, lưu ý: "Bút kí và tùy bút là hai thể loại gần gũi nhau. Tuy nhiên, nếu bút kí (ghi theo ngòi bút) xem trọng tính chất hướng ngoại, tính ghi chép thì tùy bút (viết tự do theo ngòi bút) lại xem trọng tính chất hướng nội, tự do trong liên tưởng, thể hiện tình cảm, cảm xúc và cái "tôi" của người viết". (Trang 11, tập 1).

Liên quan đến "bút kí" và "tùy bút" trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 và Ngữ văn 11, một đồng nghiệp dạy Ngữ văn ở An Giang chia sẻ với người viết rằng, thầy cũng cảm thấy bối rối với cách giải thích của các tác giả 2 bộ sách (12 và 11).

Theo thầy giáo, nên lấy định nghĩa "bút kí", "tùy bút" trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi - đồng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để làm chuẩn.

Người viết xin ghi lại định nghĩa "bút kí", "tùy bút" trong Từ điển thuật ngữ văn học để bạn đọc có thêm một nguồn tài liệu tham khảo tin cậy.

"Bút kí": "Thể loại thuộc loại hình kí thường có quy mô tương ứng với truyện ngắn. Bút kí khác truyện ngắn ở chỗ tác giả bút kí không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực.

Bút kí ghi lại những con người thực và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó.

Sức hấp dẫn của bút kí tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm khám phá ra những khía cạnh "có vấn đề", những ý nghĩ mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường. Nói cách khác, giá trị hàng đầu của bút kí là giá trị nhận thức".

Bút kí có thể thuộc về văn học, cũng có thể thuộc về báo chí tùy theo mức độ biểu hiện cái riêng của tác giả và mức độ sử dụng các biện pháp nghệ thuật cùng tính chất tác động của nó đối với công chúng". (Trang 28)

Tùy bút: "Một thể thuộc loại hình kí, rất gần với bút kí, kí sự. Nét nổi bật ở tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại.

So với các tiểu loại khác nhau của kí, tùy bút vẫn có không ít những yếu tố chính luận và chất suy tưởng triết lí.

Cấu trúc của tùy bút, nói chung, không bị ràng buộc, câu thúc bởi một cốt truyện cụ thể, song nội dung của nó vẫn được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định. Ngôn ngữ tùy bút giàu hình ảnh và chất thơ". (Trang 27).

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Cao Nguyên, giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học phổ thông. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên