Sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần: Lo "đẻ" thêm bộ phận giám sát

10/04/2024 06:57
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý làm thêm của HS, SV thông qua nhà trường vốn đã khó thực hiện, nên tính khả thi của đề xuất là không cao.

Đề xuất về việc học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm thêm bán thời gian nhưng không quá 20 giờ/ tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/ tuần trong kỳ nghỉ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra vừa qua hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Đề xuất thiếu tính khả thi

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Bá Năm - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủ đô cho rằng, đề xuất này là không khả thi trong điều kiện của chúng ta hiện nay.

Vị hiệu trưởng này nêu quan điểm: "Trên thực tế, việc kiểm soát học sinh, sinh viên đó có đi làm thêm hay không, nếu làm thêm thì đang làm với thời gian ra sao là cực kỳ khó với cơ quan quản lý. Việc này có thể từ những nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, hầu hết sinh viên đi làm thêm thì họ đều không chủ động thông báo đến nhà trường. Từ trước đến nay cũng không có quy định là nếu sinh viên nào làm thêm là phải khai báo nên không thể bắt ép các em thực hiện việc đó. Vì thế, chính các nhà trường cũng không thể kiểm soát được.

Kể cả trong trường hợp bắt học sinh, sinh viên phải khai báo thì có ai đảm bảo là tất cả các học sinh, sinh viên sẽ khai báo đúng sự thật. Ai là người giám sát hành trình chi tiết trong một ngày đối với học sinh, sinh viên đó để xác minh. Trong khi việc học sinh, sinh viên ở các nhà trường đi làm thêm là rất nhiều.

Thứ hai, các đơn vị sử dụng lao động họ cũng đang tuyển dụng theo các hình thức dân sự bình thường và hầu hết là không có mối liên hệ nào với nhà trường. Bên cạnh đó học sinh, sinh viên đi làm thêm chủ yếu là công việc bán thời gian nên nhà tuyển dụng họ cũng không cần người lao động minh chứng là đối tượng tự do hoặc phải xin xác nhận từ phía nhà trường.

Ngoài ra, khi có việc làm thêm, đa phần các học sinh, sinh viên không muốn thông tin về việc làm thêm của mình bị lộ ra ngoài, vì thế nhà trường cũng không nắm được thông tin.

Như vậy, lâu nay giữa người sử dụng lao động và các học sinh, sinh viên muốn đi làm thêm là mối quan hệ độc lập đối với các nhà trường. Trong khi nhà trường là đầu mối quản lý sát sao và dễ quản lý giờ giấc của học sinh, sinh viên nhưng họ còn bối rối khi kiểm soát thì việc này đối với cơ quan quản lý khác ngoài nhà trường là cực kỳ khó khăn".

GDVN_thầy năm.jpg
Thạc sĩ Lê Bá Năm - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủ đô. Ảnh: NTCC

Ngoài ra, theo thầy Lê Bá Năm, với điều kiện hiện nay, nếu muốn giám sát được giờ làm thêm của học sinh, sinh viên thì các nhà quản lý vẫn phải thực hiện các thao tác thủ công. Điều này, không phản ánh hết được thực trạng, cũng như không rà soát hết được tất cả đối tượng nên khó tìm ra phương án giải quyết phù hợp.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thủ đô nhấn mạnh: "Nếu muốn quản lý được các hoạt động của học sinh, sinh viên thì buộc cơ quan quản lý phải thông qua đầu mối là nhà trường. Khi đó, việc làm thêm của học sinh, sinh viên sẽ phụ thuộc vào các công việc mà nhà trường có thể kết nối và giới thiệu.

Tuy nhiên, nếu làm theo cách này thì số lượng công việc không nhiều. Lựa chọn công việc làm thêm của học sinh, sinh viên cũng không phong phú nên có thể các bạn không lựa chọn tìm việc qua phương án này mà sẽ tự đi tìm chỗ khác ưng ý, không thông qua nhà trường.

Đó là chưa kể đến việc, có thể sau khi học sinh, sinh viên vào làm với các đầu mối được nhà trường kết nối họ tạo ra các "thỏa thuận ngầm" về thời gian làm việc. Điều mà "hai bên cùng có lợi" thì nhà trường cũng không thể kiểm soát hết được".

Cùng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Gia Định nhận định, việc này phụ thuộc vào ý thức và thành thật của học sinh, sinh viên khi khai báo. Với điều kiện công nghệ giám sát con người của nước ta hiện nay, rất khó để đưa ra được số liệu thống kê thực chất về thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên.

"Tôi thấy việc này là không khả thi và khó thực hiện trong thời điểm hiện nay. Nên nếu có quy định liên quan đến thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên thì cũng nên với tinh thần là khuyến khích, động viên để các em hài hòa.

Mục tiêu lớn nhất là làm sao việc làm thêm không ảnh hưởng đến quá trình học tập của chính các em đó. Đồng thời định hướng để các em không tham gia làm thêm tại các cơ sở vi phạm pháp luật và làm những công việc không được pháp luật cho phép", Thạc sĩ Chung bày tỏ.

img-7395-6640.jpg
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Gia Định. Ảnh: NTCC

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, trong việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên nếu chưa tìm ra cách quản lý phù hợp cũng không nên đặt ra các quy định quá khắt khe khiến học sinh, sinh viên chọn từ bỏ công việc.

"Khi các em làm thêm những công việc chân chính không ảnh hưởng đến việc học tập thì nhà trường và các tổ chức cũng nên khuyến khích. Bởi lẽ, nếu nhìn nhận trên thực tế, việc làm thêm của học sinh, sinh viên ngoài việc các em có thêm thu nhập thì đó cũng là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế và có thêm kỹ năng sống.

Về phía nhà trường, có thể thông qua các đợt sinh hoạt toàn trường cần định hướng cho các học sinh, sinh viên về việc sắp xếp khoa học giữa việc làm thêm và học hành. Đặc biệt là động viên học sinh không vì quá tham công tiếc việc mà làm ảnh hưởng đến kết quả học tập", vị lãnh đạo Trường Đại học Gia Định chia sẻ.

Mới đang chọn cách giải quyết từ phần "ngọn" vấn đề

Về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, các cơ quan quản lý không nên quá khắt khe và quy định cứng nhắc về thời gian làm thêm đối với học sinh, sinh viên.

Qua đó, vị này bày tỏ quan điểm: "Khi đi học, nếu việc làm thêm gây ảnh hưởng khiến học sinh đó vắng học quá thời gian quy định hoặc kết quả học tập sa sút thì nhà trường đã có hình thức là cho các em học lại, nặng hơn là các em bị đuổi học, đó đã là những mức xử lý đối với các em.

Vì thế, khi quan tâm đến đời sống của học sinh, sinh viên thì nhà quản lý chỉ nên trên góc độ là động viên hoặc khuyến khích, không nên đưa ra thành quy định. Việc làm thêm chính đáng và được các em cân đối hài hòa với việc học thì nó còn là cơ hội để các em trải nghiệm cuộc sống, có thêm kỹ năng và quý trọng giá trị của đồng tiền khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường".

Cũng theo nhận định của Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra đời trong thời điểm này là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi.

gdvn-nha-giao-dau-xuan-thoan-giam-doc-trung-tam-ung-dung-khoa-hoc-tam-ly-giao-duc-thuoc-hoi-khoa-hoc-tam-ly-giao-duc-viet-nam-anh-vu-phuong-2944.jpg
Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: NVCC

"Nếu chúng ta đang sở hữu các ứng dụng đồng bộ về quản lý con người giống như các nước tiên tiến thì chúng ta có thể hy vọng đề xuất này có tính khả thi khi áp dụng. Tuy nhiên với điều kiện của nước ta hiện nay tôi e rằng quá trình triển khai sẽ không đạt hiệu quả.

Thậm chí, để cố chạy theo đề xuất, chúng ta lại "đẻ" ra thêm một bộ phận chuyên đi giám sát học sinh, sinh viên làm thêm gây lãng phí.

Trong việc này, cần phải nhìn nhận từ "gốc" của sự việc. Đó là, nếu học sinh, sinh viên còn khó khăn thì chắc chắn các em ấy sẽ vẫn còn cần phải đi làm thêm. Nếu có quy định khống chế thì các em cũng sẽ ra tìm cách để né tránh. Vì thế, nếu đề xuất được thực thi từ phần "ngọn" thì nó sẽ không có hiệu quả khi áp dụng.

Việc cần làm thời điểm này là làm sao nâng cao ý thức, tính tự nguyện của học sinh, sinh viên khi khai báo đối với công việc làm thêm", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan bày tỏ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từ góc độ người sử dụng lao động, anh Nguyễn Ngọc Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Thịnh Hưng cho rằng, nếu đề xuất này được áp dụng thì các doanh nghiệp sử dụng lao động là học sinh, sinh viên làm bán thời gian sẽ gặp không ít bất lợi.

Vị giám đốc chia sẻ: "Có thể nói, lượng học sinh, sinh viên làm bán thời gian trong các doanh nghiệp nhỏ hiện nay là tương đối lớn. Khác với lực lượng lao động toàn thời gian thì đội ngũ này doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hoặc thay thế vì ít có sự ràng buộc. Tuy nhiên, đây là lực lượng có sự nhạy bén và học việc nhanh nên rất được các doanh nghiệp săn đón".

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Thịnh Hưng, đa phần trong hệ thống dây chuyền làm việc có sử dụng lao động là học sinh, sinh viên làm bán thời gian thì các doanh nghiệp cũng đã cân nhắc đến các tiêu chuẩn cho phép của Luật Lao động và thời gian mà các bạn có thể tham gia sản xuất.

"Tính theo ca/ kíp làm việc thì tối thiểu một buổi các bạn ấy phải làm được 4 tiếng, như vậy trong một tuần làm việc các bạn có thể làm đến 28 tiếng. Nếu quy định học sinh, sinh viên chỉ làm tối đa 20 tiếng/ tuần thì những doanh nghiệp cần lao động bán thời gian như chúng tôi gặp không ít khó khăn khi bố trí công việc.

Đó là chưa kể, các trường hợp không thể bố trí được thì buộc chúng tôi phải cho nghỉ việc, hoặc với sức ép của quy định cứng thì tự các bạn ấy cũng tự nghỉ việc. Nếu không làm thêm khi ngoài thời gian học hành các em còn nhiều thời gian trống thì điều này đồng nghĩa với việc lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực", anh Hưng nhấn mạnh.

Trung Dũng