Nhật Bản quản lý giờ làm thêm của du học sinh ra sao để không thể "khai man"

11/04/2024 06:43
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sau khi đề xuất về thời gian làm thêm đối với học sinh, sinh viên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó, Bộ này đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ/ tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/ tuần trong kỳ nghỉ.

Đề xuất này hiện đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt là với đối tượng chịu tác động của đề xuất này là học sinh, sinh viên.

"Người trong cuộc" nhiều băn khoăn

Chia sẻ với phóng viên, Hà Thị Thảo - sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Vinh (Nghệ An) cho rằng, bản thân hoàn toàn có thể sắp xếp kế hoạch học hành để đáp ứng công việc làm thêm với thời gian nhiều hơn so với đề xuất.

"Em vừa đi học vừa làm thêm hơn một năm nay. Vì học theo tín chỉ nên sắp xếp "khéo" một chút em hoàn toàn có thể có thời gian linh động từ 28 đến 30 giờ/ 1 tuần mà không bị ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập. Trên thực tế, kể cả với thời gian mà nhà tuyển dụng đưa ra nhiều hơn con số đề xuất đó, em đều có thể đáp ứng được", Thảo bày tỏ.

GDVN_a1.jpg
Nhiều sinh viên như Hà Thị Thảo đang tỏ ra băn khoăn với đề xuất về khống chế thời gian làm thêm mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: NVCC

Qua đó, sinh viên này lo rằng, nếu đề xuất đi vào thực tiễn và có công cụ giám sát chính xác thì việc này ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm thêm của mình.

Theo Thảo, trước khi bắt đầu vào làm việc, sinh viên này đã ký cam kết với người sử dụng lao động. Trong cam kết thể hiện khung thời gian làm bán thời gian có tổng thời gian đang cao hơn so với mức đề xuất. Nếu "siết" mức thời gian như vậy thì sẽ dễ xảy ra mẫu thuẫn với người sử dụng lao động.

"Nếu người sử dụng "linh động" và hạ mức thời gian cố định hàng tuần cho em thì chính em cũng bị ảnh hưởng về nguồn thu nhập so với trước đây. Còn nếu họ không linh động thì xác định là em mất đi công việc đang làm", Thảo than thở.

Tuy nhiên, sinh viên này bày tỏ rằng, với việc sinh viên đi làm thêm tràn lan như hiện nay, việc kiểm soát cũng là điều không hề đơn giản với nhà quản lý.

Thảo chia sẻ: "Nếu ở ký túc xá thì cơ quan quản lý và nhà trường có thể quản lý thông qua giờ đóng, mở cửa của ký túc xá. Tuy nhiên, nếu sinh viên ở trọ thì ai sẽ hàng ngày giám sát giờ giấc của mọi người. Đơn cử là một sinh viên đã như vậy, trong khi trên thực tế sinh viên ở trọ rất nhiều.

Nếu việc học hành vẫn đảm bảo và kết quả học tập không ảnh hưởng bởi việc làm thêm thì hầu như sẽ không ai quan tâm đến việc sinh viên đó có đi làm thêm hay không. Chưa kể, sinh viên đó làm thêm với thời gian ngắn ở một cơ sở, nhưng trong một ngày, sinh viên đó có thể làm thêm ở nhiều cơ sở khác nhau.

Như vậy, nếu đề ra việc quản lý nhưng không áp dụng công nghệ kỹ thuật thì sinh viên đó hoàn toàn có thể khai gian dối mức thời gian làm việc để không bị xử lý".

Cùng chung quan điểm về điều này, Nguyễn Xuân Kỳ - sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, việc khống chế thời gian làm thêm về góc độ nào đó đã thể hiện sự quan tâm của các cơ quan quản lý đối với đời sống sinh viên.

Tuy nhiên, nếu không được cân nhắc kỹ, việc này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của học sinh, sinh viên mà nó còn ảnh hưởng đến công tác bố trí việc làm với lao động bán thời gian của người sử dụng lao động.

Sinh viên này cho hay: "Từ trước đến nay những người sử dụng lao động nếu nhận học sinh, sinh viên làm công việc bán thời gian thì họ sẽ có những mức thời gian cố định được phân theo buổi/ca làm việc, thường sẽ là ca sáng, ca chiều và ca tối, mỗi ca tương đương 4 tiếng làm việc.

Tại một số chỗ làm đặc thù như nhà hàng, hoặc quán bar sinh viên còn làm các ca làm xuyên đêm. Nhà tuyển dụng khi phỏng vấn họ cũng trao đổi trước với sinh viên là các ca như vậy, nếu sinh viên có thể làm tròn 1 ca hoặc 2 ca thì họ mới nhận vào làm.

Với đặc thù của công việc bán thời gian là không có ngày cuối tuần, đồng nghĩa các ca làm việc của sinh viên cũng là xuyên suốt cả tuần. Nếu tính chi tiết với 1 ca làm việc/ ngày thì trong 1 tuần sinh viên đó buộc phải làm với tổng thời gian ít nhất là 28 tiếng.

Người sử dụng lao động họ cũng cân đối thời gian như vậy để tạo ra độ khớp về thời gian làm việc của cả hệ thống. Nếu có sự thay đổi nào về mặt thời gian thì rõ ràng cơ sở đó cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp".

Cũng theo sinh viên này, ngoài một bộ phận đi làm thêm với mục đích là cải thiện thu nhập thì đa phần sinh viên đi làm với tâm lý là trải nghiệm và nâng cao kỹ năng sống. Vì thế, việc áp lực kiếm tiền không quá nặng nề với họ. Nên khi xảy ra mâu thuẫn với người sử dụng lao động về mức thời gian làm việc thì những sinh viên này thường sẽ chọn cách nghỉ việc. Việc này cũng gây ra khá nhiều tổn thất với người sử dụng lao động.

Quy định về thời gian làm thêm của du học sinh ở nước ngoài ra sao?

Để có cái nhìn rõ hơn, phóng viên cũng đã liên hệ với một số người từng là du học sinh ở nước ngoài để biết thêm về giờ giấc làm thêm của du học sinh ở nước ngoài được quản lý ra sao.

Anh Hà Thái Sơn từng là một du học sinh tại Nhật Bản cho biết, nếu đề xuất về mức thời gian để học sinh, sinh viên làm thêm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đi vào thực tiễn thì tổng số thời gian được làm thêm của học sinh, sinh viên/ tuần tại Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

GDVN_a2.jpg
Du học sinh tại Nhật Bản nếu đi làm thêm sẽ theo mức quy định không quá 28 tiếng/ tuần. Ảnh: Chị Nguyễn Thị Hằng cung cấp

"Tại Nhật Bản họ đã có quy định riêng đối với học sinh, sinh viên và du học sinh đi làm thêm từ rất lâu. Tùy theo công việc mà số buổi đi làm trong tuần và số giờ làm trong ngày sẽ khác nhau, nhưng bắt buộc, nếu du học sinh đó ra ngoài làm thêm thì không được làm quá 28 giờ/tuần. Nghĩa là du học sinh có thể làm việc tròn 28 giờ/ tuần nếu cân đối được công việc và học hành.

Thông thường, các du học sinh và nhà tuyển dụng sẽ thống nhất ở mức 28 giờ/ tuần vì nó phù hợp với mức độ công việc cần lao động và phù hợp với thời gian học tập của du học sinh.

Ngoài ra, tại Nhật Bản khi vào các kỳ nghỉ thì sinh viên cũng sẽ được phép làm nhiều giờ hơn khi có sự cho phép từ phía trường học, thường lên tới 40 giờ/tuần", anh Sơn nói.

Chia sẻ thêm cách xử lý của cơ quan quản lý tại Nhật Bản nếu phát hiện du học sinh vi phạm quy định giờ làm thêm, anh Sơn cho biết, trước hết các đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử phạt, sau đó là đến nhà trường nơi du học sinh đó theo học.

Anh Sơn nhấn mạnh, đối với du học sinh vi phạm sẽ không được gia hạn thời gian lưu trú hoặc không được đổi tư cách lưu trú để đi làm tại Nhật sau khi tốt nghiệp.

Cách quản lý thời gian làm thêm của du học sinh tại Nhật Bản như thế nào?

Cũng từng là một du học sinh tại Nhật Bản, nhưng là cư trú tại một tỉnh khác của đất nước này, chị Nguyễn Thị Hằng cho rằng, mức thời gian quy định với du học sinh làm thêm tại Nhật Bản là giống nhau trên toàn lãnh thổ. Nó chỉ khác nhau về mức chi trả tiền công cho du học sinh làm theo theo quy định tại từng khu vực.

Theo đó, nếu du học sinh làm thêm ở khu vực thành thị sẽ được chi trả mức thu nhập cao hơn so với khu vực ngoại ô hoặc nông thôn.

Qua đó, chị Hằng nêu quan điểm rằng, nếu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất nhưng không có phương án để kiểm soát được giờ làm thêm thực của sinh viên Việt Nam thì đề xuất này là không mang tính khả thi.

Chia sẻ về cách quản lý giờ làm thêm của du học sinh tại Nhật Bản, chị Hằng cho biết, nước này áp dụng khá hiệu quả khoa học kỹ thuật vào quản lý con người. Vì thế, nhà quản lý hoàn toàn có thể biết chắc được du học sinh đó đã đi làm bao nhiêu giờ/ tuần, tránh được việc du học sinh khai gian dối về thời gian làm việc.

"Thông thường khi một du học sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản thì sẽ được cấp một thẻ ngoại kiều, nó giống như thẻ cư trú hoặc căn cước công dân của Việt Nam. Sau khi điền tờ khai xin làm thêm, du học sinh sẽ nộp tờ khai này cùng giấy chứng nhận sinh viên và thẻ ngoại kiều lên Cục quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản để họ đồng bộ dữ liệu. Mỗi du học sinh sẽ được cấp một mã số duy nhất và mã số này sẽ theo du học sinh đó suốt thời gian ở trên đất nước Nhật Bản.

Trên đó, các thông tin của du học sinh như địa chỉ ở đâu, đang làm thêm công việc gì, cơ sở tiếp nhận lao động là ai và mức lương được chi trả là bao nhiêu? Khi cơ quan quản lý cần kiểm tra chỉ cần quét mã QR code trên thẻ sẽ ra thông tin", chị Hằng chia sẻ.

GDVN_a3.jpg
Vì có sự kiểm soát tốt nên tại Nhật Bản, du học sinh nếu vi phạm quy định về giờ làm thêm sẽ phải đối phó với nhiều hình thức xử lý bất lợi cho công việc sau này. Ảnh: Chị Nguyễn Thị Hằng cung cấp

Như vậy, theo chị Hằng, nếu các du học sinh tại Nhật Bản đi làm thêm theo cách "chính ngạch", nghĩa là có đăng ký với cơ quan sở tại thì tiền công sẽ được thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Biến động trong thẻ ngân hàng của du học sinh cũng được cơ quan quản lý kiểm soát, vì thế họ có thể giám sát được du học sinh đó đang làm gì với tổng thời gian một tuần là bao nhiêu.

Cũng có trường hợp du học sinh đó ra làm "chui", nhận tiền công bằng tiền mặt. Các trường hợp này nếu bị phát hiện thì việc này bị xử lý khá nặng, thậm chí là trục xuất về nước.

Nêu cụ thể về cách tính thời gian làm thêm của du học sinh tại Nhật Bản, chị Hằng cho hay: "Dựa trên tổng mức chi trả hàng tháng, nhà quản lý ở Nhật Bản họ sẽ chia nó với mức lương quy định tại mỗi địa phương, từ đó sẽ ra thu nhập theo ngày của du học sinh đó là bao nhiêu.

Khi biết thu nhập theo ngày là bao nhiêu thì họ sẽ tính toán ra mỗi ngày du học sinh đó làm bao nhiêu tiếng. Từ đó đối chiếu xem du học sinh đó có vi phạm hay không và đưa ra các mức xử lý thích hợp".

Trung Dũng