Sách Cánh Diều giới thiệu về nghề làm việc sai là có lỗi với học sinh

01/10/2022 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sai trong nội dung sách hướng nghiệp là có lỗi với học sinh, bởi hướng nghiệp là định hướng cuộc đời của người học với nghề nghiệp tương lai. 

Cuốn Trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 của bộ sách Cánh Diều bắt đầu được sử dụng từ năm học 2022-2023. Trong chủ đề 7 Thông tin nghề nghiệp các tác giả đã dẫn Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng để giúp học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề làm việc trong xã hội.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ hướng nghiệp cho học sinh trung học, nhiều chuyên gia nhận định đây là một sai lầm nghiêm trọng, được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin trong bài viết "Chuyên gia chỉ sai lầm nghiêm trọng ở sách Cánh Diều giới thiệu về nghề làm việc".

Bình luận về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong (nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp cho hay, bản thân ông rất hoan nghênh việc hướng nghiệp tại cấp trung học phổ thông, tuy nhiên các nhà biên soạn không am hiểu sâu về lĩnh vực này nên đã viết sai nội dung.

"Nhóm biên soạn nêu ra nhóm nghề đào tạo giáo viên, nghề an ninh - quốc phòng… nhưng đây không phải là nghề làm việc, mà là cụm ngành học, ngành đào tạo chứ không phải là khái niệm về nghề làm việc.

Đối với hệ thống thống kê về lao động việc làm, các khái niệm và phân loại tuân thủ theo Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam.

Việc sai trong nội dung sách hướng nghiệp là có lỗi với học sinh, bởi hướng nghiệp là định hướng cuộc đời của người học với nghề", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong. (Ảnh: Báo Lao động)

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong. (Ảnh: Báo Lao động)

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cũng nhận định, hiện nay, chương trình hướng nghiệp được giao cho giáo viên chủ nhiệm đứng lớp, việc này không phù hợp bởi lẽ họ không có nhiều kinh nghiệm thực tế về định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nếu giáo viên tư vấn, định hướng sai nghề cho học sinh cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất của người lao động trong tương lai.

Bởi vậy, nhà trường muốn hướng nghiệp cho học sinh, phải có giáo viên chuyên môn về hướng nghiệp và có phòng hướng nghiệp để mời các chuyên gia đến trò chuyện, chia sẻ với các em.

Ví như liên quan đến nghề nhuộm, một giáo viên dạy Ngữ văn sẽ khó diễn tả các sắc màu dùng trong nghề nhuộm, bởi phải qua tiếp xúc, hiểu trực tiếp về nghề đó mới truyền đạt sâu sắc được.

Hay như một học sinh yêu thích nghề kiến trúc, nhưng giáo viên không mô tả, truyền đạt được cụ thể. Vậy cần có chuyên gia tại trường Đại học Kiến trúc, Viện quy hoạch kiến trúc... đến chia sẻ thì học sinh sẽ hiểu rằng, nghề kiến trúc đòi hỏi phải có bộ óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ, hay cũng là công việc phải lao động ngoài trời...

Từ những ví dụ trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhận định, nội dung hướng nghiệp phải có những chuyên gia từng lĩnh vực viết bản đồ họa nghề, chứ không phải chỉ có nhóm biên soạn sách làm.

Ví như nghề thợ kim khí, chuyên gia sẽ phác thảo bản đồ họa nghề gồm có thợ tiện, thợ phay, thợ bào...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện được nội dung mà ông đề xuất trên, Bộ có thể giới thiệu về các trường nghề, trường đại học để cho học sinh tham khảo nghề nghiệp đang được đào tạo tại các cơ sở đó. Cùng với đó là việc mời cán bộ, người lao động trong các ngành nghề đến chia sẻ về nghề cho học sinh.

Theo đó, chuyên gia có thể tư vấn cho học sinh về việc nếu chọn nghề nào thì cần chuẩn bị kĩ năng gì, học ở đâu, lương bao nhiêu... Hoặc nếu không chọn được đúng nghề yêu thích, học sinh có thể chọn nghề nào phù hợp tương tự. Ví như học sinh yêu thích nghề lái ô tô, nhưng hiện nay taxi công nghệ và phương tiện cá nhân đang tăng quá nhanh, quá nhiều, cơ hội việc làm rất cạnh tranh, vậy có thể hướng nghiệp cho học sinh về nghề tương tự như lái máy xúc, máy cày... tại các nông trường.

"Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có năng lực về hướng nghiệp, có thể mời chuyên gia các ngành đồng hành, hỗ trợ cho Bộ, chứ không thể để nhóm biên soạn viết nội dung khi chính họ chưa hiểu hết. Đồng thời, về lâu dài, để người lao động sống được với nghề có thu nhập ổn định, cần phải hướng dẫn cho học sinh có tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm ngay từ khi ngồi dưới mái trường phổ thông", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong đề xuất.

Chia sẻ về công tác hướng nghiệp trước đây, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho hay, trước những năm 1980, việc hướng nghiệp chưa được chuyên nghiệp nhưng hoạt động này có gắn với lao động thực tiễn. Ví như học sinh được trải nghiệm thực tế tại những nơi canh tác, các vùng chuyên canh hạt tiêu, chè... qua đây người học nhận thấy sự đam mê về nông nghiệp.

Sau năm 1980, bản thân Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cùng một số thành viên khác khi được cử tham gia viết về vấn đề hướng nghiệp trong giáo dục. Tuy nhiên, có thời điểm lĩnh vực hướng nghiệp bị lãng quên trong hệ thống chương trình giáo dục phổ thông do tâm lý "chạy đua" trong lĩnh vực thi cử.

"Từng có thời kì nội dung hướng nghiệp bị loại khỏi chương trình giáo dục phổ thông, sau đó trung ương nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của việc hướng nghiệp cho học sinh, bởi vậy những nhà biên soạn sách giáo khoa đã chọn cấp trung học để đưa vào các nội dung hướng nghiệp", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nói.

Mạnh Đoàn