Rục rịch chuyển hạng, xếp lương mới giáo viên, vui nhất là các thầy cô hạng II

20/10/2021 06:45
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để không còn tình trạng mỗi nơi xét chuyển hạng xếp lương mỗi kiểu như hiện nay, nhiều hiệu trưởng cũng cho biết vẫn rất cần sự hướng dẫn cụ thể từ cấp Bộ.

Thời gian này, nhiều địa phương trong cả nước bắt đầu việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT. Điều làm nhiều thầy cô giáo băn khoăn, lo lắng nhất là hiện bản thân đang ở hạng II (cũ) khi chuyển xếp hạng có được chuyển ngang sang hạng II (mới) hay phải xuống hạng III?

Nhiệm vụ của giáo viên hạng II bậc trung học cơ sở khá mở (Ảnh chụp từ Thông tư 03/2021)

Nhiệm vụ của giáo viên hạng II bậc trung học cơ sở khá mở (Ảnh chụp từ Thông tư 03/2021)

Do mỗi đơn vị đọc hiểu văn bản mỗi khác nên giữa các địa phương có sự vận dụng khác nhau dẫn đến việc chuyển xếp hạng và xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021 rơi vào tình trạng trăm hoa đua nở để không ít giáo viên được hưởng lợi nhưng khá nhiều thầy cô lại quá thiệt thòi.

Trăm hoa đua nở khi chuyển xếp hạng giáo viên

Ví như khi xét Đề án bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giáo viên bậc trung học cơ sở theo Thông tư 03/2021, có trường chỉ giáo viên đang làm tổ trưởng chuyên môn được chuyển ngang từ hạng II (cũ) sang hạng II (mới).

Nhưng lại có không ít trường, họ chuyển tất cả giáo viên đang giữ hạng II (cũ) sang hạng II (mới) mà không riêng gì tổ trưởng. Rõ ràng, cách chuyển xếp không đồng nhất thế này, sẽ dẫn đến việc nhiều giáo viên sẽ bị mất quyền lợi rất lớn.

Ngoài việc chuyển xếp hạng, việc các trường còn tranh cãi nhau ở việc chuyển xếp lương. Có trường cho rằng, khi được chuyển qua hạng II mới, giáo viên đang ăn lương ở bậc 2.67; 3.0; 3.33; 3.66; 3.99 đều chuyển sang 4.0. Lại có trường chỉ chuyển cho giáo viên đang ở hệ số 3.99 chuyển qua 4.0.

Hay như việc giáo viên ở hạng II (cũ) công tác chưa tới 9 năm buộc phải xuống hạng III nhưng có địa phương lại cho rằng, đây không phải dự thi hoặc xét thăng hạng mà là chuyển cùng hạng từ hạng cũ sang hạng mới nên không cần áp dụng đủ 9 năm giữ hạng ấy.

Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn chia sẻ hiểu biết của bản thân về những quy định chuyển xếp hạng giáo viên bậc trung học cơ sở qua Thông tư 03/2021 để các bạn đồng nghiệp trên toàn quốc cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ.

Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;

d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên;

đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có).

Xét về nhiệm vụ yêu cầu của giáo viên trung học cơ sở hạng II, tất cả giáo viên đang giữ hạng II (cũ) được chuyển qua hạng II (mới) là đúng?

Thầy giáo Th. (đề nghị không nêu tên) Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận phân tích về các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II (mới) được quy định trong Điều 4 như sau:

Đối với yêu cầu của nhiệm vụ a trong Điều 4:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

Với nhiệm vụ này, giáo viên bậc trung học cơ sở nào cũng thực hiện đủ. Bởi yêu cầu về nhiệm vụ khá mở, luôn có từ hoặc đi kèm. Nghĩa là, giáo viên không làm nhiệm vụ này sẽ thực hiện nhiệm vụ khác.

Có người làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng hoặc dạy thử nghiệm các mô hình mới…

Trong sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, giáo viên nào mà chẳng phải dạy xoay vòng các mô hình giáo dục mới, các phương pháp dạy học mới…

Đối với ý chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

Nếu như chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chúng ta nghĩ ngay đến tổ trưởng chuyên môn. Thế nhưng yêu cầu còn mở ra cho nhiều giáo viên khác là hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử; Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thì thầy cô giáo nào cũng phải tham gia xây dựng học liệu điện tử cho tổ, cho trường.

Đối với yêu cầu của nhiệm vụ b trong Điều 4:

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên;

Khác với bậc tiểu học, Phó hiệu trưởng chuyên môn ở trường trung học cơ sở không thể chấm sáng kiến kinh nghiệm (đôi khi không trùng môn) của tất cả giáo viên trong trường. Vì thế, cứ mỗi một sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên ở cấp trường đều giao cho các tổ chuyên.

Từ tổ, mỗi giáo viên được phân công đọc, chấm sáng kiến kinh nghiệm của các thành viên tổ mình. Sau đó, cả tổ sẽ chấm lại lần cuối trước khi đưa kết quả lên ban liên tịch nhà trường.

Đối với yêu cầu của nhiệm vụ đ trong Điều 4:

Ở nhiệm vụ đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có).

Ở nhiệm vụ này, quy định đã mở hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có). Người hướng dẫn trong các hội thi của học sinh thì giáo viên nào chẳng đảm nhận?

Tuy thế, có phải hiệu trưởng nào cũng phân tích thấu tình đạt lý như thế nên trường có hiệu trưởng thấu đáo, giáo viên được nhờ, trường hiệu trưởng khắt khe, giáo viên thiệt thòi.

Để không còn tình trạng mỗi nơi xét chuyển hạng xếp lương mỗi kiểu như hiện nay, nhiều hiệu trưởng cũng cho biết vẫn rất cần sự hướng dẫn, tập huấn cụ thể từ cấp Bộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên