Quá nhiều kỳ thi ĐGNL, chuyên gia kiến nghị Bộ Giáo dục cần ban hành quy chế

08/02/2023 06:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý được hoạt động và chất lượng thi đánh giá năng lực.

Đến thời điểm hiện tại, có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đại học năm nay. Từ tháng 3/2023, một số đơn vị bắt đầu triển khai tổ chức kỳ thi riêng này.

Việc nở rộ kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay khiến nhiều người lo ngại gia tăng áp lực cho thí sinh cũng như việc đảm bảo chất lượng của những kỳ thi này.

Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình về hoạt động tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, mỗi kỳ thi riêng (gọi chung là các kỳ thi đánh giá năng lực) sẽ có thủ tục đăng ký dự thi, thời điểm thi, nội dung đề thi và cách xét tuyển khác nhau.

Tuy nhiên thí sinh không nhất thiết phải tham gia tất cả các kỳ thi đánh giá năng lực này, tuỳ thuộc vào trường đại học mà thí sinh muốn đăng ký xét tuyển.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Hơn nữa, về nội dung đề thi, các kỳ thi đánh giá năng lực đều hướng đến đánh giá năng lực hơn là kiểm tra kiến thức của học sinh nên thí sinh chỉ cần ôn luyện kiến thức của chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12, chứ không cần phải học luyện thi như một số trung tâm dạy thêm quảng cáo.

Do vậy việc có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực không tạo nhiều áp lực cho thí sinh. Khó khăn lớn nhất, nếu có, đối với thí sinh là ở địa điểm thi.

Hiện nay ngoại trừ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại nhiều địa điểm thi nhất (21 tỉnh, thành phố), các kỳ thi đánh giá năng lực khác được tổ chức tại ít địa điểm hơn (Đại học Quốc gia Hà Nội: 7 địa điểm, Đại học Bách khoa Hà Nội: 6 địa điểm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: 2 địa điểm,...).

Về vấn đề có quá nhiều kỳ thi riêng được tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 nêu rất rõ: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Do vậy nếu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt được các tiêu chí độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực của học sinh thì tôi tin sẽ không có nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, thậm chí theo xu hướng tăng dần số lượng kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2023.

Hơn nữa, quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn rất nhiều ràng buộc về thủ tục, về thời gian khi các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển đại học.

Nên nhớ là tất cả các phương thức xét tuyển khác với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều "bị" coi là các phương thức xét tuyển sớm, và thí sinh đều phải đăng ký xét tuyển các phương thức này ở trường đại học trước ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hầu hết các kỳ thi đánh giá năng lực đều tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (ngoại trừ kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an chưa có lịch thi).

Do vậy, thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và dùng kết quả thi đánh giá năng lực để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học cần chú ý thời gian đăng ký dự thi, ngày thi và lịch đăng ký xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, các kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay rất khác nhau về quy mô tổ chức (số lượng địa điểm thi, số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường đại học dùng chung kết quả để xét tuyển), về đề thi (thời gian làm bài, số lượng câu hỏi, thi trên giấy hay thi trên máy), về lệ phí dự thi....

Tuyển sinh của một trường đại học nhằm 2 mục tiêu chính: tuyển đủ số lượng chỉ tiêu và tuyển đúng chất lượng thí sinh mong muốn.

Việc tổ chức một kỳ thi riêng đòi hỏi rất nhiều công sức (nhân lực, tài lực) của trường đại học trong khâu tổ chức thi (truyền thông về kỳ thi, tổ chức đăng ký dự thi, tổ chức địa điểm thi, coi thi), đề thi (xây dựng ngân hàng đề thi, bảo mật đề thi), chấm thi và sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Nghị quyết 29 cũng nêu rõ chủ trương "giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học". Tuy nhiên các cơ sở giáo dục đại học cũng có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình, trong đó có cả việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng. Quy chế tuyển sinh 2020 cũng đã đặt các điều kiện, tiêu chí để một trường đại học tổ chức một kỳ thi riêng.

Năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 . Tất nhiên đề thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và từ đó việc xét tuyển của các trường đại học cũng phải thay đổi nhiều.

Các trường xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay phần lớn vẫn xét tuyển theo điểm của 3 môn thi, chắc chắn sẽ phải thay đổi cách xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp từ năm 2025. Do vậy giai đoạn 2023 - 2025 chính là giai đoạn thử thách cho các kỳ thi đánh giá năng lực. Kỳ thi nào thu hút được số lượng thí sinh đông (tạo nguồn tuyển cho các trường đại học), có đề thi ổn định, được tổ chức nghiêm túc sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Vẫn còn băn khoăn về năng lực tổ chức kỳ thi riêng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục cho rằng, để tổ chức được một kỳ thi đánh giá năng lực không phải là việc dễ dàng, vì nó đòi hỏi một quy trình vô cùng chặt chẽ, khoa học, từ việc thiết kế tạo ra ngân hàng câu hỏi, thử nghiệm, chọn lọc và đánh giá mức độ câu hỏi, rồi phải xử lý với các công cụ kỹ thuật khác nhau theo quy trình tiêu chuẩn.

Nở rộ nhiều kỳ thi riêng khiến các chuyên gia lo ngại về vấn đề chất lượng. (Ảnh minh hoạ: PM)

Nở rộ nhiều kỳ thi riêng khiến các chuyên gia lo ngại về vấn đề chất lượng. (Ảnh minh hoạ: PM)

Nhìn chung, một cơ sở giáo dục đại học đơn lẻ rất khó có thể triển khai được vì không đủ tiềm lực kinh tế và năng lực đội ngũ.

“Đâu phải cứ tổ chức một kỳ thi với các bài kiểm tra rồi gọi đó là kỳ thi đánh giá năng lực.

Hiện nay, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, năng lực của đội ngũ để triển khai kỳ thi này. Để tổ chức được kỳ thi đánh giá năng lực đúng chuẩn là thách thức lớn.

Chính vì vậy, không nên để xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”, bởi điều đáng lo ngại là có thể có cơ sở không đảm bảo được yếu tố kỹ thuật trong quy trình tổ chức, thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong hoạt động tuyển sinh”, chuyên gia này phân tích

Theo đó, rất ít cơ sở giáo dục đại học có đủ tiềm lực và năng lực để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh được năng lực của mình.

Những năm qua, phổ điểm được hai đại học quốc gia công bố rất cân đối, điều này phản ánh được chất lượng, hiệu quả của kỳ thi này.

Vì vậy, trước mắt, chúng ta nên đặt hàng cho hai đại học quốc gia triển khai kỳ thi đánh giá năng lực. Còn lâu dài, có thể tập trung để một đơn vị độc lập tổ chức kỳ thi này, ví dụ như Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Để tổ chức thi hiệu quả, việc xây dựng, chọn lọc, thẩm định ngân hàng câu hỏi là rất quan trọng. Trước hết phải chọn được đội ngũ chuyên gia đã được đào tạo bài bản về đánh giá năng lực, sau đó phải đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia độc lập tham gia vào Hội đồng để đánh giá, thẩm định ngân hàng câu hỏi và việc tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học.

Đơn vị nào triển khai kỳ thi đánh giá năng lực cũng phải giải trình được với Bộ Giáo dục và Đào tạo về quá trình tổ chức kỳ thi, từ việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, chọn đề thi, tổ chức thi, tuyển sinh từ kết quả thi. Bộ phải quản lý được hoạt động và chất lượng thi đánh giá năng lực.

Còn như hiện nay, kỳ thi đánh giá năng lực còn đặt ra những băn khoăn vì từ chất lượng đề, cấu trúc đề, ma trận đề, tính công bằng và tin cậy, tính bảo mật… đều chưa được quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành quy chế kỳ thi đánh giá năng lực.

Phạm Minh