PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

10/10/2012 20:28
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay (10/10), Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam đã khai mạc phiên đầu tiên. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Trong tình hình mới, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay đòi hỏi công tác đào tạo nghề không chỉ chú trọng về số lượng mà còn coi trọng chất lượng. 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn thấp

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong quá trình hội nhập sâu rộng ở mọi lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống dạy nghề Việt Nam tiếp cận, hợp tác về công nghệ mới, mô hình dạy nghề hiện đại. Tuy nhiên, dạy nghề ở Việt Nam còn nhiều thách thức, điều đó thể hiện ở sự bất cập là dân số và lực lượng lao động đông và trẻ, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Chất lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Hạn chế này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và thế giới, đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng nghề và các kỹ năng “mềm” khác.

Hội nghị về đào tạo nghề sáng nay được đánh giá là thời điểm mở màn cho các chương trình hợp tác lâu dài giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề. Ảnh Xuân Trung
Hội nghị về đào tạo nghề sáng nay được đánh giá là thời điểm mở màn cho các chương trình hợp tác lâu dài giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề. Ảnh Xuân Trung

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, để hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế của một nước công nghiệp vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đổi mới toàn diện hệ thống dạy nghề, nội dung, chương trình và các điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng dạy nghề. Phấn đấu đến năm 2020, chất lượng đào tạo của một số nghề Việt Nam đạt trình độ bằng các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời phổ cập nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn vào lao động trẻ ở đô thị, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội. 

Tới dự hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Để hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới.

Vì vậy đào tạo nghề ở Việt Nam, một mặt phải tự đổi mới, đổi mới từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo. Mặt khác cần tiếp thu, áp dụng những trí thức khoa học và công nghệ của thế giới, tiếp thu những ưu điểm của các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trong nước, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.

Ông Nguyễn Ngọc Phi cho biết, phải phân luồng học sinh phổ thông từ THCS đến THPT sang học nghề. Tiếp đó là xây dựng cơ chế liên thông và đào tạo từ xa để học sinh có cơ hội được học nghề, tạo cơ hội cho các em học tập tốt nhất. Ảnh Xuân Trung
Ông Nguyễn Ngọc Phi cho biết, phải phân luồng học sinh phổ thông từ THCS đến THPT sang học nghề. Tiếp đó là xây dựng cơ chế liên thông và đào tạo từ xa để học sinh có cơ hội được học nghề, tạo cơ hội cho các em học tập tốt nhất. Ảnh Xuân Trung

“Để thực hiện được mục tiêu này, song song với việc huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là với Cộng hòa liên bang Đức – nước có nhiều kinh nghiệm và đạt được nhiều thành công trong đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng đồng ý khi cho rằng, để tạo nên sự đột phá về chất lượng Việt Nam cần sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là Đức và các nước ASEAN. Mong muốn tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách  dạy nghề cho Việt Nam, trong đó có việc trao đổi, hỗ trợ để hoàn thiện Luật dạy nghề và các văn bản liên quan. 
Giải pháp nào cho chi phí đào tạo nghề ở nông thôn?

Trước thực tế hiện nay nhu cầu cần thiết đào tạo nghề tại các vùng nông thôn đang trở nên bức thiết, nhất là lượng lớn thanh niên học xong phổ thông chưa vào được đại học, chưa có việc làm ổn định. Những hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng dẫn tới không có nguồn kinh phí để được đi học nghề. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH) cho biết, hiện nay đang có xu hướng đi vào đào tạo nghề chất lượng cao để có những sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường, do vậy phải có phân tầng nghề khác nhau. Không phải ai vào trường đào tạo nghề chất lượng cao cũng được học nghề chất lượng cao.
Đào tạo nghề hiện nay cần được chú trọng trong chất lượng đào tạo.Ảnh minh họa.
Đào tạo nghề hiện nay cần được chú trọng trong chất lượng đào tạo.Ảnh minh họa.
HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Ông Dũng cho biết thêm, từ nay đến năm 2015 sẽ thí điểm trường đào tạo nghề chất lượng cao, do vậy kinh phí đào tạo cũng là một vấn đề lớn. Đối với các vùng nông thôn, các đối tượng chính sách sẽ có những khuyến khích và hỗ trợ nhất định. “Sắp tới chúng tôi sẽ thí điểm chương trình đào tạo chất lượng cao ở 8 trường Cao đẳng nghề, mỗi trường sẽ có 1 lớp (mỗi lớp 25 học sinh) đạt tiêu chuẩn đầu vào để áp dụng. Nếu là học sinh gia đình chính sách sẽ có những cơ chế thí điểm hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đây vẫn đang trong quá trình thí điểm nghiên cứu”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Phi – Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH cũng cho rằng, sau khi học xong phổ thông mỗi gia đình đều mong muốn cho con được học đại học, đó là mong muốn chính đáng, nhưng khi đã tốt nghiệp đại học lại không có việc làm, đó là hậu quả của chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đó là một gánh nặng cho xã hội. 

“Do vậy phải phân luồng học sinh phổ thông từ THCS đến THPT sang học nghề. Tiếp đó là xây dựng cơ chế liên thông và đào tạo từ xa để học sinh có cơ hội được học nghề, tạo cơ hội cho các em học tập tốt nhất”, ông Phi cho biết.

Ông Hans Juergen Beerfelt - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức cho biết, bài học ở Đức là cố gắng khai thác nguồn nhân lực chất xám ở lao động trẻ, trong khi đó không chỉ đào tạo nghề theo phương thức viết, đọc mà còn phải trả lời được các câu hỏi tại sao? Việc thiếu tay nghề chất lượng cao là rào cản cho sự phát triển. Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam, cần phải hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội và các doanh nghiệp. “Nếu hỗ trợ các trường chúng tôi luôn luôn quan tâm tới kỹ năng dạy nghề của các giáo viên. Các kỹ năng này rất quan trọng, có những giáo viên giỏi lý thuyết nhưng kỹ năng không giỏi thì không thể truyền tải tới học sinh của mình”, ông Hans Juergen Beerfelt .
Đội ngũ lao động được đào tạo ngày càng tăng

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2000 Việt Nam có 16% đội ngũ lao động được đào tạo, con số này năm 2010 là 40%, trong hai năm vừa qua đã tăng tiếp 7%, đó là sự tăng đáng kể về mặt chất lượng của đội ngũ lao động Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết, hiện đất nước đang gặp phải khó khăn trong thách thức hiện đại hóa đào tạo với chi phí thấp vì GDP/người là 1.300USD/năm, nếu so sánh với Đức trung bình mỗi người/1 ngày là 13 USD, trong khi của Việt Nam chỉ ở mức mỗi người/1 ngày/1 USD. 

Vậy giải pháp sẽ như thế nào? Theo Phó Thủ tướng, phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp. Trong các tiêu chuẩn dạy nghề, cần 50 năm để tạo ra các tiêu chuẩn đó, muốn tận dụng các tiêu chuẩn này, thực hiện hệ thống đào tạo kép đã áp dụng ở Đức.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, năm 2020 Việt Nam cần được 70% đội ngũ lao động được đào tạo, như vậy mỗi năm phải đào tạo được 2 triệu người (1,6 triệu cho đào tạo nghề và 400 cho đào tạo đại học và các hoạt động khác).

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

GS Hoàng Tụy: "Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: "Giáo dục Việt Nam đi ngược quy luật"

"Giáo dục Việt Nam bệnh đã quá nặng, cần được giải phẫu"

Tham nhũng trong giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng với người nghèo 

GS Nguyễn Xuân Hãn: "Chương trình SGK hiện nay có hại cho học sinh"

Chàng sinh viên ĐH Luật Hà Nội hơn 20 năm đến trường trong bóng tối

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung