Phân công trực Tết, hiệu trưởng mà dùng mệnh lệnh, GV nào tự nguyện làm?

21/01/2023 06:39
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng nhà trường đừng nên dùng quyền để buộc giáo viên trong việc trực Tết mà nên động viên sự chia sẻ từ đội ngũ nhà giáo một cách hợp tình hợp lý.

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về những câu hỏi “Giáo viên có phải trực Tết không? Nếu buộc phải trực thì có được nhận chế độ gì không?” vẫn luôn là câu hỏi thắc mắc của nhiều thầy cô giáo.

Trên các diễn đàn xã hội cũng như các kênh thông tin báo chí cũng đã có không ít bài viết trả lời về chuyện này. Tuy nhiên, chuyện trực Tết hoặc trực không thù lao vẫn xảy ra bình thường ở nhiều trường học hiện nay.

Ảnh minh hoạ của tác giả

Ảnh minh hoạ của tác giả

Quy định về trực Tết và trả thù lao thế nào?

Thông báo 5034/TB-LĐTBXH về việc nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 như sau:

Cán bộ, công chức viên, chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ Tết âm lịch năm 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 Dương lịch tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết thứ Năm ngày 26/01/2023 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão) đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và hai ngày nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần theo quy định tại Khoản 3, Điều 111 Bộ luật Lao động.

Nghĩa là, dịp Tết này giáo viên sẽ được nghỉ 7 ngày theo quy định của pháp luật. Vì thế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên sẽ không phải trực Tết.

Thông báo 5034/TB-LĐTBXH cũng nêu rõ: “Các cơ quan đơn vị thực hiện lịch nghỉ Tết âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân”.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, nếu trong khoảng thời gian nghỉ Tết nhà trường có phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực Tết cũng không sai. Thế nhưng, thời gian trực Tết phải được hưởng chế độ làm thêm giờ theo quy định của pháp luật.

“Lựa cơm gắp mắm”

Chiếu theo quy định, giáo viên trực tết sẽ được tính là tiền làm thêm giờ.

Theo Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2012 hướng dẫn, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Nếu tính số tiền phải trả cho một giáo viên trực Tết theo quy định thì một ngày trực Tết phải đến tiền triệu. Một tuần trực Tết phải tốn hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường học hiện nay kinh phí hoạt động còn hạn hẹp thì lấy đâu ra tiền để trả cho giáo viên trực Tết?

Đây chính là lý do để nhiều trường học hiện nay không thể chi trả tiền trực Tết cho giáo viên.

Cần vận động sự chia sẻ nhiều hơn là yêu cầu bắt buộc phải làm

Quy định giáo viên không phải trực Tết rõ ràng như thế nhưng có mấy địa phương thực hiện? Nhiều trường học hiện vẫn phớt lờ những quy định này và bắt buộc giáo viên phải trực Tết như là một nhiệm vụ bất khả kháng.

Nhiều thầy cô giáo có thắc mắc, có bức xúc nhưng vẫn thực hiện trong trạng thái không hài lòng. Dù không đúng quy định, vậy tại sao các trường học vẫn thực hiện?

Phần lớn giáo viên luôn phục tùng quy định nhà trường đưa ra. Bên cạnh đó, nhiều trường học cũng phân công trực Tết một cách nhẹ nhàng và thoải mái nên các thầy cô giáo cũng không bị áp lực nhiều nên không có ý kiến.

Một số giáo viên khác cho rằng, trực Tết cũng là cách chia sẻ công việc với nhà trường (cụ thể là Ban giám hiệu, nhân viên nhà trường vì họ làm việc theo chế độ hành chính 5 ngày/ tuần). Mỗi người chia nhau một chút thời gian sẽ vui vẻ cả trường.

Sự bức xúc, bất bình chỉ đến khi một số hiệu trưởng lại lấy uy quyền của mình ra bắt buộc và kiểm soát việc trực Tết vô cùng gắt gao.

Với những giáo viên nhà gần trường học sẽ khá thuận lợi trong việc trực Tết. Thầy cô chỉ tranh thủ một buổi lên trường thậm chí cùng đồng nghiệp trực theo tiếng cũng không khó khăn gì. Thế nhưng, một số thầy cô giáo giảng dạy xa nhà mà phân công trực Tết một cách cứng nhắc lại không khác gì cực hình.

Một số giáo viên cắm bản ở một số địa phương cho chúng tôi biết, hàng năm các thầy cô giáo chỉ được về thăm nhà 2 lần vào dịp hè và dịp Tết. Tuy nhiên, dịp Tết nhiều trường học vẫn cứ phân công bắt buộc giáo viên phải trực Tết. Thế nên, không muốn mất Tết, một số giáo viên đành phải thuê người trực hộ.

Ở địa phương người viết, một số hiệu trưởng lại có cách kiểm soát giáo viên đi trực Tiếp rất gắt gao. Nào là quản lý camera xem đi trực có đúng giờ không, có trực đúng thời gian quy định hay không bằng cách liên tục gọi điện kiểm tra bằng điện thoại bàn.

Có giáo viên tâm sự, ngồi cả buổi không sao, đúng lúc vừa đi vệ sinh sếp lại gọi kiểm tra. Không nghe điện thoại bàn thì họ mặc định luôn là không đi trực và bị góp ý, bị trừ điểm thi đua về thực hiện giờ giấc không nghiêm túc.

Giải pháp nào để giáo viên chia sẻ trực Tết với nhà trường?

Để giáo viên vui vẻ trực Tết, vui vẻ chia sẻ công việc trực với một số thành viên trong nhà trường cũng như không nhận thù lao khi trường học không có khả năng chi trả, theo người viết cũng không quá khó.

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, hiệu trưởng nhà trường đừng nên dùng quyền hành để buộc giáo viên trong việc trực Tết mà nên động viên sự chia sẻ từ đội ngũ giáo viên một cách hợp tình hợp lý.

Thứ hai, đối với những thầy cô giáo giảng dạy quá xa nhà hoặc ở vùng sâu vùng xa, hay như những giáo viên địa phương nhưng có nhu cầu về quê xa để ăn Tết, để thăm gia đình, nhà trường cũng nên tạo điều kiện cho giáo viên không phải trực Tết. Động viên những thầy cô giáo địa phương trực hộ.

Nhà trường có thể trích một phần kinh phí để bồi dưỡng cho bảo vệ hoặc một số thầy cô có tinh thần xung phong chia sẻ.

Thứ ba, với những trường học ở đồng bằng, vùng thuận lợi cũng nên cho giáo viên được đổi lịch trực hoặc cho đăng ký trực theo yêu cầu. Điều này, sẽ không cản trở kế hoạch của gia đình mà giáo viên đã dự liệu.

Thứ tư, cuối cùng sự gương mẫu nhiệt tình của Ban giám hiệu và các thành viên cốt cán trong nhà trường sẽ tác động rất lớn đến các thầy cô giáo. Khi tư tưởng đã thông thì việc trực Tết hàng năm sẽ không còn là mối bận tâm của nhiều nhà giáo nữa.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://hieuluat.vn/lao-dong/thong-bao-5034-tb-ldtbxh-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-39ed3.html

Phan Tuyết