PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - người gắn bó cả cuộc đời với phòng chống bệnh lao

22/03/2024 09:03
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng PGS.TS Nguyễn Viết Nhung vẫn tích cực tham gia phòng chống lao. Tên của thầy cũng được gắn với biệt danh đặc biệt "ông chống lao".

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới [1]. Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) hàng năm là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu.

Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Viết Nhung - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Phó chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam; Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người gắn bó cả cuộc đời với công tác phòng chống lao

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Viết Nhung sinh năm 1962, tốt nghiệp bác sỹ tại Trường Đại học Y Hà Nội năm 1985. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành Lao và bệnh Phổi năm 1988, ông trở thành bác sĩ điều trị tại Viện Lao và bệnh Phổi và sau đó là Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh Phổi của Trường Đại học Y Hà Nội (2015-2022).

bac-Nhung.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đã dành gần như cả cuộc đời cho công tác phòng chống lao tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Từ năm 1991, ông đảm nhiệm vai trò Thư ký của Chương trình Ung thư Phổi Quốc gia. Đến năm 1996, ông sang Cộng hòa Séc và bắt đầu làm nghiên cứu sinh của Đại học Charles tại Praha. Năm 2000, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ: “Vai trò hoá mô miễn dịch trong phân loại và tiên lượng ung thư phổi” và về nước tiếp tục công tác điều trị tại Viện Lao và bệnh Phổi.

Năm 2007, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Phó chủ nhiệm thường trực Chương trình Chống lao Quốc gia. Năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia. Cũng trong năm này, ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư ngành Y của Trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 2017, ông trở thành Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam. Năm 2021 ông được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đảm nhiệm vai trò Trưởng Bộ môn Phổi của Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2019. Sau khi kết thúc vai trò Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương 2022, ông đã chuyển công tác sang Trường Đại học Y Dược và được bổ nhiệm trở thành Trưởng Khoa Y của trường từ năm 2023.

Phó Giáo sư Nguyễn Viết Nhung đã dành gần như cả cuộc đời của mình gắn bó với công tác phòng chống lao, vừa là bác sĩ điều trị, vừa tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Thầy Nhung không chỉ là tác giả, chủ biên và tham gia biên soạn nhiều cuốn sách chuyên khảo, sách tham khảo hay, hướng dẫn về việc quản lý, điều trị bệnh về phổi ở Việt Nam mà còn tham gia nhóm biên soạn nhiều sách hướng dẫn phòng chống lao của WHO. Bên cạnh biên soạn sách, cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, thầy còn cho ra đời hàng trăm bài nghiên cứu về các đề tài liên quan đến lao và bệnh phổi, rất nhiều trong số đó được công bố trên các tạp chí Khoa học, Y học hàng đầu thế giới.

Nhằm thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, nhiều năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đã ấp ủ trong việc kết nối tổng hợp sức mạnh của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào cụm Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam"; có ý nghĩa rất lớn cho chuyên ngành, đặc biệt là con đường chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Năm 2022, công trình này đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá về khoa học và công nghệ đợt 6.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc đặc biệt này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho hay: “Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề y. Ngay từ nhỏ tôi đã chứng kiến cha tôi khám chữa bệnh cho người dân, không kể ngày đêm sớm tối, không phân biệt người giàu hay nghèo. Từ việc kê đơn bốc thuốc, tiêm truyền, đỡ đẻ, cấp cứu đến việc tuyên truyền bà con 3 sạch, 4 diệt, vệ sinh phòng bệnh và cả chứng kiến những người bệnh hiểm nghèo mà thầy thuốc phải bó tay trước lưỡi hái của tử thần.

Tất cả những điều đó đã hun đúc ước mơ tuổi thơ của tôi tiếp bước cha ông học nghề y, yêu nghề y, làm nghề y. Chuyên ngành Lao là một chuyên ngành khó khăn thậm chí đâu đó còn có sự kỳ thị nhưng chắc có lẽ cơ duyên từ vũ trụ đã chọn tôi theo học và gắn bó với căn bệnh mà dư âm “tứ chứng nan y” vẫn còn sâu đậm trong suy nghĩ của người dân nhất là cách đây 40 năm khi tôi bắt đầu vào học chuyên ngành này.

Đến nay, sự kỳ thị đó đã giảm đi rất nhiều do sự tuyên truyền giáo dục và những thành tựu to lớn của chuyên ngành đã đạt được trong thời gian qua, nhưng vẫn còn là một rào cản khá lớn đối với công cuộc chấm dứt bệnh lao hiện nay”.

BN-6.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung gắn liền với biệt danh "ông chống lao". (Ảnh: NVCC)

Nhắc đến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung là người ta nhắc đến hàng loạt cái tên đặc biệt gắn bó với bệnh lao như “ông chống lao” hay “Nhung lao”. Đó cũng là dấu ấn khiến thầy Nhung tự hào và không ngừng nỗ lực để xứng đáng với tên gọi này.

“Trong một dịp khi tôi cùng đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới khoảng 10 người tại Geneva, Thụy Sĩ, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu. Kết thúc ngày khai mạc đầu tiên, đoàn có mời ngài Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương là Tiến sĩ Shin Young-Soo và cấp phó của ông cùng tham dự tiệc tối chào mừng.

Theo thói quen, tôi luôn tranh thủ vận động các đối tác các cấp ủng hộ cho công tác chống lao của Việt Nam vốn vô cùng khó khăn. Vì vậy mà ngay trong khi chờ đồ ăn tôi cứ “thao thao bất tuyệt” về những vấn đề, giải pháp, về cam kết của Chính phủ và Bộ Y tế, về kế hoạch hành động dự kiến và những khó khăn cần được hỗ trợ quốc tế cho công tác chống lao ở Việt Nam đến mức tôi đoán là các vị khách cũng thấy bị quá liều.

Tôi nghe ông cấp phó của Dr Shin nói nhỏ là: ông này họp đã nói về lao, đi cũng lao, ngồi cũng lao, bây giờ ăn cũng lao mọi nơi mọi lúc. Ông Shin nói lại là TB Man nào cũng thế đấy, lúc đó Bộ trưởng tán đồng gán luôn cho tôi là “Nhung lao”, và gọi tôi là “TB Man - ông chống lao”.

Kể từ đó, từ các thành viên ở Bộ Y tế tới các đồng nghiệp trong bệnh viện và sau này trong chuyên ngành cũng gọi tôi như thế, kể cả trong một số cuộc họp ở Bộ nữa. Tôi vui vẻ đón nhận và cảm thấy tự hào, nhưng thực sự đó cũng là trách nhiệm gắn mãi với cuộc đời tôi, lúc nào cũng đau đáu với công cuộc chấm dứt bệnh lao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nhớ lại.

BN-3.jpg
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Viết Nhung vẫn miệt mài trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và tham gia phòng chống lao. (Ảnh: NVCC)

Những thách thức trong phòng chống lao ở Việt Nam hiện nay

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, việc ước tính gánh nặng dịch tễ bệnh lao là dựa trên ước tính tổng số bệnh nhân tuyệt đối, vì vậy mà 8 nước đã chiếm tới 67% tổng số bệnh nhân toàn thế giới trong đó có 6 nước ở khu vực châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan và Bangladesh, cũng là những nước thuộc nhóm dân số cao nhất thế giới. Việt Nam chúng ta với dân số đứng thứ 16 trên thế giới vì vậy tổng số bệnh nhân lao ở nước ta vẫn còn là một gánh nặng rất lớn.

“Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế và nỗ lực rất lớn của toàn bộ mạng lưới Chương trình chống lao toàn quốc, dịch tễ bệnh lao ở nước ta đã giảm khá tốt so với các nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới.

Theo báo cáo lượng giá của Quỹ toàn cầu - là nhà tài trợ quốc tế chính cho công tác chống lao ở Việt Nam hiện nay mới xuất bản ngày 4 tháng 3 năm 2024 cho thấy tỷ lệ mắc lao mới của Việt Nam đã giảm sau 10 năm từ 2010 đến 2021 là 25% và giảm tử vong do lao sau 10 năm là 36%.

Dẫu vậy, con số này cũng chưa đạt được chỉ tiêu mong muốn của chúng ta do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan làm cho số người mắc lao chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời vẫn còn rất cao, theo báo cáo còn đến 40%, tiếp tục là nguồn lây trong cộng đồng.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu của chúng ta đã đưa ra những bằng chứng can thiệp hiệu quả làm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao đó là phát hiện chủ động trên diện rộng liên tục trong nhiều năm để phát hiện và điều trị khỏi cho tất cả những ai mắc lao. Và như vậy sẽ cắt đứt nguồn lây, tương tự như Covid 19 được cách ly và khỏi sẽ không lây lan cho người khác, đồng thời điều trị lao tiềm ẩn cho những người nhiễm lao, nhất là tiếp xúc với người bệnh lao trong vòng 2 năm”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung bày tỏ.

BN-5.jpg
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phòng chống lao. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo thầy Nhung, các can thiệp hiệu quả từ nghiên cứu chỉ ra mới áp dụng ở mức thí điểm nên chưa có tác động mạnh mẽ đến dịch tễ bệnh lao, cần mở rộng trên toàn quốc như: Chiến lược 2X phát hiện lao chủ động đã được chứng minh tức là Xquang để sàng lọc và xét nghiệm Xpert để khẳng định bệnh lao cần áp dụng rộng rãi không phải chỉ nhóm có nguy cơ cao. Điều trị lao cho người bệnh cần được dễ dàng tiếp cận ngay sau khi phát hiện, tốt nhất là cấp thuốc miễn phí theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay đó là số người mắc bệnh mới còn rất nhiều trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo, tâm huyết của mạng lưới chống lao toàn quốc và ý thức của người dân chủ động tham gia vào các đợt khám chủ động và đi khám sớm khi thấy có triệu chứng như ho sốt kéo dài, sụt cân… Thuốc chống lao được cung ứng theo cơ chế bảo hiểm y tế cũng là một rào cản cho việc điều trị kịp thời và đầy đủ cho bệnh nhân lao nên cần nghiên cứu giải pháp phù hợp hơn.

Mong muốn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thầy thuốc

Hiện nay, bộ môn Lao và bệnh phổi ở các trường đại học gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển sinh bởi nhiều thí sinh và gia đình cho rằng học bộ môn này sẽ nguy hiểm. Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao cũng thiếu hụt khá nhiều, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, đối với đào tạo bậc đại học, chương trình về lao và bệnh phổi đi luân khoa cho tất cả các bác sĩ đa khoa với yêu cầu cần đạt những kiến thức, thái độ và kỹ năng cơ bản về bệnh lao và chấm dứt bệnh lao để khi ra trường không làm chuyên khoa cũng đủ điều kiện và trách nhiệm nhận biết các tình huống bệnh lý nghi lao để chẩn đoán hoặc gửi đi chẩn đoán kịp thời.

BN-2.jpg
Những đóng góp của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung đã góp phần lớn trong công cuộc đẩy lùi bệnh lao ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Đào tạo đội ngũ chuyên khoa là đào tạo sau đại học của các bộ môn, nhất là đào tạo nội trú hiện nay có xu hướng như đào tạo chuyên khoa theo mô hình bác sĩ nội trú bệnh viện. Việc hấp dẫn các em chọn chuyên ngành phụ thuộc vào sự quan tâm của các bộ môn và đặc biệt là các bệnh viện thực hành. Tại trường Đại học Y Hà Nội trong 10 năm gần đây đã có rất nhiều bác sĩ nội trú quan tâm chọn chuyên ngành về học là một ví dụ.

Hiện nay, chuyên ngành lao và bệnh phổi không còn bị kỳ thị hoặc khó khăn quá mức như trước đây, hy vọng với những cơ chế được cải thiện sẽ mang lại những thuận lợi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các thầy thuốc nói chung và bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi nói riêng.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung Ngày thế giới chống lao năm 2024 (24/3/2024) với định hướng toàn cầu là lấy điều trị làm dự phòng - Phát hiện hết, điều trị khỏi và dự phòng cho tất cả mọi bệnh lao - “Find, Treat, Prevent ALL TB” là một định hướng vô cùng quan trọng đòi hỏi sự chủ động tham gia của tất cả mọi người, đặc biệt cần phân quyền cho cộng đồng chủ động tiếp cận phát hiện bệnh lao sớm và tuân thủ điều trị.

bac-Nhung-6.jpg
Nhân ngày thế giới phòng chống lao 24/3, thầy Nhung mong muốn các thầy cô giáo cần truyền lửa để sinh viên y khoa có đủ kiến thức và trách nhiệm tham gia phòng chống lao. (Ảnh: NVCC)

Các giảng viên cần truyền lửa cho các em sinh viên y khoa thấy được ý nghĩa cũng như trách nhiệm của việc có đủ kiến thức và chủ động tham gia phòng chống lao ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cương vị bằng sự tâm huyết của chính bản thân mình, coi như cái nghiệp của mình. Hãy tự hào về nghề nghiệp của mình vì điều đó có ích cho mọi người. Chấm dứt bệnh lao là tránh đi cái chết của chục ngàn người và làm cho hàng trăm ngàn gia đình hạnh phúc hàng năm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/viet-nam-xep-thu-11-trong-30-quoc-gia-co-ganh-nang-benh-nhan-lao-tren-the-gioi-i320026/

Nhật Lệ