Ngâm cứu kĩ về điểm đến
Biết rõ thông tin về ngôn ngữ, đời sống, văn hóa bản xứ sẽ giúp bạn bớt bỡ ngỡ khi đến nơi. Đừng chỉ dừng chân tại các thông tin cơ bản mà bạn có thể tìm thấy trong bất kì quyển sách hướng dẫn du lịch nào (vì đây không phải là một chuyến du lịch). Hãy mở rộng nguồn thông tin bằng hết khả năng của bạn: mối quan hệ bắt cầu giữa những người bạn du học, trang web của thành phố, blog của người xứ đó… Để chắc chắn hơn về thông tin, bạn có thể tự tìm đến các kênh thông tin chuyên môn, chẳng hạn ghé đến trang web của ngân hàng để biết những giấy tờ cần thiết cho việc mở tài khoản.
Ảnh minh họa |
Tìm đến các kênh hỗ trợ thông tin
Bất kì “cuộc vui” nào cũng sẽ rất chộn rộn vào thời gian gần giờ G, vì thế tốt nhất bạn nên có sự chuẩn bị từ sớm. Giấy tờ như passport và vé máy bay nên là hai điều cần được quan tâm từ trước. Thông thường các trường Đại học thường có bộ phận Quan hệ quốc tế (International Office, International Students Service) và người đại diện để hỗ trợ cho sinh viên về mặt giấy tờ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại hay Hội sinh Việt Nam để xin thông tin, kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước. Hiện nay các hội sinh viên thường đã có mặt trên Facebook: Hội sinh viên Việt Nam tại châu Âu, Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, Hội sinh viên Việt Nam tại Đức…
Thông báo về chuyến đi với những người quan trọng
Những người quan trọng ở đây không chỉ là cô/anh bạn thân hay người thân trong gia đình mà còn là những người có tư cách biết đến quyết định du học của bạn. Ngân hàng hay công ty bạn đang làm việc chẳng hạn. Đối với những thẻ ngân hàng trong nước, tốt nhất là bạn nên thông báo với ngân hàng để có cách xử lí hợp lí tùy theo nguyện vọng của bản thân. Một số ngân hàng trong nước cho phép người sử dụng giao dịch trên mạng và thực hiện giao dịch ở nước ngoài, bạn hãy tìm hiểu kỹ hơn với đại diện ngân hàng để có thông tin cụ thể (tuy nhiên việc sở hữu một thẻ ngân hàng ở bản địa vẫn là điều nên làm nhất). Chú ý về ngày hết hạn của thẻ nếu thời điểm đó rơi vào khoảng thời gian du học.
Đi khám sức khỏe
Ảnh minh họa |
Ngoài tấm giấy khám sức khỏe cần thiết cho một chuyến xuất ngoại hợp pháp, bạn phải hiểu rõ sức khỏe bản thân bởi việc khám chữa bệnh ở nước ngoài rất tốn kém và hơn hết là phức tạp (trong khâu giải thích với bác sĩ bản xứ chẳng hạn) và giấy tờ, bảo hiểm... Nhiều sinh viên du học có kinh nghiệm đi khám mắt và chuẩn bị kính mắt ở Việt Nam vì điều này sẽ giúp tiết kiệm hơn rất nhiều (chi phí khám bệnh và đo mắt kính ở Pháp rơi vào khoảng 200euros, tức là khoảng 6 triệu đồng!) Trang bị cho mình một tủ thuốc nho nhỏ với các loại thuốc giảm đau, thuốc đau đầu sổ mũi… cơ bản cũng rất quan trọng.
Xác định kế hoạch khi trở về
Rất nhiều người trong chúng ta quá háo hức với chuyến du học mà không nghĩ về tương lai sau khi tốt nghiệp. Việc biết mình muốn gì khi trở về rất quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn tận hưởng những năm tháng xa nhà với nhiều “lợi nhuận” hơn khi có được mục đích định sẵn. Chẳng hạn, nếu định làm việc trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn khi về Việt Nam, bạn có thể vạch ra kế hoạch xin việc làm lễ tân, phục vụ tại các khách sạn ở nước ngoài cho công việc làm thêm. Đây cũng chính là lí do nhiều nhà tuyển dụng mong muốn biết được kế hoạch tương lai của ứng viên để tuyển lựa. Việc xác định được kế hoạch làm việc lâu dài cũng sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định đối với ngành học mà bạn được tự do chọn lựa môn học.
Chúc bạn một chuyến đi nhiều trải nghiệm thú vị!
hotcourses