Những băn khoăn, thắc mắc về bổ nhiệm, xếp lương mới của giáo viên

07/05/2023 06:48
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến giai đoạn hiện nay việc chia hạng giáo viên đã 8 năm nhưng chưa có minh chứng rõ ràng nào cho thấy giáo viên hạng cao công tác tốt,

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT được ban hành có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh, bổ sung để việc chuyển xếp lương giáo viên cả nước được đơn giản thống nhất, không còn mỗi nơi mỗi kiểu, cũng như điều chỉnh thống nhất tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp dùng chung các hạng, bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng,...

Sau loạt bài viết “Cùng nhìn lại bất cập bổ nhiệm, xếp lương GV bắt đầu từ năm 2015”, “Bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cũng rất khó làm hài lòng tất cả GV”, “Chỉ có trả lương giáo viên theo vị trí việc làm mới chấm dứt được sự bất hợp lý” đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ giáo viên cả nước.

Giáo viên rất kỳ vọng được trả lương công bằng - Ảnh minh họa Lã Tiến

Giáo viên rất kỳ vọng được trả lương công bằng - Ảnh minh họa Lã Tiến

Người viết xin được tổng hợp 10 điều còn vướng mắc, bất cập, cần làm rõ khi bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên theo Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ nhất, giáo viên hạng cao có giỏi, công tác tốt hơn hạng thấp?

Bắt đầu từ khi xuất hiện Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được ban hành, từ đó đến nay giáo viên được chia thành các hạng, giáo viên hạng cao có hệ số lương cao hơn, được hưởng lương cao hơn.

Dù còn rất nhiều tranh luận, phản ứng trái chiều nhưng đến giai đoạn hiện nay, giáo viên vẫn chia làm các hạng mặc dầu thực hiện công việc như nhau, thậm chí bằng cấp như nhau, có cả trường hợp giáo viên hạng thấp làm việc hiệu quả, chất lượng, uy tín hơn giáo viên hạng cao.

Từ Thông tư 20-23/2015 đến Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo các hạng nhưng chưa làm rõ việc chia hạng nhằm mục đích gì? Ai hưởng lợi khi chia hạng? Giúp gì cho sự phát triển giáo dục?

Đến giai đoạn hiện nay việc chia hạng giáo viên đã 8 năm nhưng chưa có minh chứng rõ ràng nào cho thấy giáo viên hạng cao công tác tốt, được tín nhiệm hơn giáo viên hạng thấp.

Giáo viên hạng I, II công tác từ tiểu học đến trung học phổ thông được hưởng lương từ 4,0- 6,78 rất cao so với người hưởng lương hạng III có hệ số lương 2,34-4,98 dù công tác như nhau, thực hiện nhiệm vụ như nhau, cùng dạy các khối lớp như nhau, định mức tiết giảng dạy như nhau, cùng xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật như nhau,…nhưng lại chia thành các hạng khác nhau, được hưởng lương khác nhau.

Việc chia hạng kiểu này không tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, không tạo công bằng mà còn có thể tạo thêm bất công. Thực tế, tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn luôn nhân được các câu hỏi ý kiến thắc mắc về việc chia hạng, xếp lương.

Chia hạng thì phải đúng, giáo viên giỏi, tốt, công tác hiệu quả, được tín nhiệm thì được bổ nhiệm ở hạng cao, giáo viên khác ở hạng thấp hơn.

Thứ hai, vì sao giáo viên mầm non hạng III, II, I có hệ số lương thấp hơn giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông?

Giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông ở hạng III mới có cùng hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Nhưng giáo viên mầm non ở hạng III chỉ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.

Ai cũng biết giáo viên mầm non nhiều vất vả, áp lực, thời gian công tác nhiều nhưng tại sao xếp hạng III, II, I của giáo viên mầm non lại thấp hơn giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông là không công bằng với giáo viên mầm non.

Nếu chỉ căn cứ chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm để xếp hạng thấp hơn các cấp học khác là không phù hợp.

Chia hạng giáo viên căn cứ vào vị trí việc làm, mức độ phức tạp công việc, thời gian làm việc chứ không phải dựa vào trình độ đào tạo.

Nếu chỉ dựa vào trình độ đào tạo thì tại sao cùng trình độ đại học nhưng có giáo viên hưởng lương hạng I, lại có giáo viên hưởng lương hạng II, III có hệ số lương khác nhau.

Theo tôi, nếu đã chia hạng giáo viên mầm non thì các hạng I, II, III phải tương ứng với hạng I, II, III của các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, không nên làm giáo viên mầm non thêm thiệt thòi.

Thứ ba, vì sao việc bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới lại quá dễ dàng?

Việc bổ nhiệm từ hạng I, II cũ gần như sẽ không căn cứ vào bất kỳ tiêu chuẩn, điều kiện gì, chỉ cần đủ thời gian công tác là sẽ được bổ nhiệm hạng I, II mới có hệ số lương tăng khá cao, trong đó có trường hợp hệ số lương 3,33-3,99 cùng được chuyển qua hệ số lương 4,0.

Trước khi bổ nhiệm hạng I, II cũ theo Thông tư 20-23/2015 đã không căn cứ vào tiêu chuẩn nào đã dẫn đến nhiều trường hợp được bổ nhiệm “nhầm hạng”.

Nay việc bổ nhiệm từ hạng I, II cũ được bổ nhiệm sang hạng I, II mới lại tiếp tục vướng vào lối mòn khi bổ nhiệm kiểu cào bằng, hên xui, sẽ khiến thêm nhiều giáo viên ở “nhầm hạng” hưởng lương cao nhưng lại công tác chưa tốt.

Thứ tư, vì sao việc thăng hạng lại quá khó khăn?

Việc bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới quá dễ dàng nhưng việc thăng hạng lên hạng I, II lại rất khó khăn.

Giáo viên có trình độ đại học, có nhiều thành tích,…đang ở hạng III nhưng muốn được thăng lên hạng II là vô cùng khó khăn.

Giáo viên muốn được thăng hạng phải trải qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng, phải được cấp thẩm quyền tổ chức kỳ thi, xét thăng hạng, phải đảm bảo 100% tiêu chuẩn, nhiệm vụ của các hạng và phải có chỉ tiêu, cơ cấu.

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022.

Giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn, minh chứng, phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, dự thi tin học, ngoại ngữ, chuyên môn,…

Thứ năm, giáo viên hạng I, II không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ra sao?

Theo Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, việc bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sẽ tương đối dễ dàng, hầu hết giáo viên hạng I, II công tác đủ thời gian sẽ được bổ nhiệm hạng I, II mới.

Bổ nhiệm hạng dễ dàng, nhưng người viết đọc rất kỹ Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023 tuyệt nhiên không thấy bất kỳ quy định nào về việc giáo viên sau khi bổ nhiệm hạng I, II khi không hoàn thành nhiệm vụ thậm chí bị kỷ luật, từ chối phân công của hiệu trưởng phải “xuống hạng”.

Có nghĩa là giáo viên được bổ nhiệm hạng I thì suốt đời sẽ ở hạng I, giáo viên ở hạng II thì chỉ ở hạng II hoặc hạng I, bất chấp người này công tác như thế nào? Đây chính là điều bất cập lớn của chia hạng, giáo viên hạng cao lại công tác yếu kém, bị kỷ luật vẫn giữ hạng cao.

Thứ sáu, ý nghĩa của việc ban hành các tiêu chuẩn các hạng để làm gì?

Việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới không cần tiêu chuẩn, điều kiện gì nhưng trong mỗi Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021 ở mỗi hạng đều có rất nhiều tiêu chuẩn rất chi tiết về nhiệm vụ; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Ban hành nhiều tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết nhưng bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới lại không căn cứ vào tiêu chuẩn gì cũng khiến nhiều người thắc mắc.

Nếu ban hành nhằm để áp dụng việc thi thăng hạng thì việc thi, xét thăng hạng đã được ban hành quy định theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.

Thứ bảy, vì sao giáo viên mới ra trường cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Theo Thông tư 08/2023, giáo viên mỗi hạng phải có “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04/2021 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2023 thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ.

Nhưng, giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự, giáo viên thi thăng hạng cao hơn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Theo người viết, giáo viên hoặc sinh viên sư phạm đã có thời gian học tập, nghiên cứu đã có kiến thức về giáo dục nên chỉ quy định giáo viên dự thi thăng hạng lên hạng I mới cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên mới nhận công tác, giáo viên thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì không cần có chứng chỉ trên, gây thêm áp lực, tốn kém cho giáo viên mà không có tác dụng gì.

Thứ tám, vì sao giáo viên chưa đạt chuẩn không được bổ nhiệm hạng mới?

Theo Thông tư 08/2023, những giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, sẽ tiếp tục hưởng lương theo hạng đang hưởng theo Thông tư 20-23/2015.

Như vậy, giáo viên hưởng lương theo các hạng khác nhau, Thông tư khác nhau khiến cho bộ phận kế toán gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Thông tư 20-23/2015 đã hết hiệu lực khi Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực, nên hưởng lương theo Thông tư 20-23/2015 là không đúng về pháp lý.

Theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hạng riêng dành cho những giáo viên chưa đạt chuẩn hoặc cho họ được hưởng lương hạng III mới vì họ vẫn còn trong lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

Thứ chín, bổ nhiệm hạng mới không kết hợp nâng lương khiến nhiều người thiệt thòi?

Tại điểm b khoản 5 Điều 5 điều khoản thi hành quy định việc bổ nhiệm “Khi chuyển chức danh nghề nghiệp không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp, không kết hợp nâng bậc lương” khiến nhiều giáo viên băn khoăn.

Giáo viên đến thời điểm nâng bậc lương nhưng khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp quy định không được kết hợp nâng bậc lương khiến giáo viên trên thiệt thòi.

Giả sử giáo viên tiểu học hạng 2 có hệ số lương 3,66, thời điểm nâng lương là năm 2023.

Theo Thông tư 08/2023 thì trong năm 2023 phải bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới cho giáo viên trên, được chuyển xếp hệ số lương 4,0, nếu được kết hợp nâng lương sẽ được nâng hệ số lên 4,34.

Tuy nhiên, do quy định không được kết hợp nâng bậc lương nên nếu giáo viên trên được nâng lương lên 3,99 thì giáo viên trên không được bổ nhiệm hạng II mới và đến năm 2024 mới được bổ nhiệm hạng II mới, chỉ được chuyển hệ số lương 4,0.

Thứ mười, vì sao 3,33- 3,99 cùng được chuyển qua hệ số lương 4,0?

Việc chuyển tất cả những người có hệ số lương 3,33 đến 3,99 đều qua 4,0 khiến rất nhiều người băn khoăn.

Không căn cứ vào tiêu chuẩn, nhiệm vụ nhưng khi chuyển xếp tất cả từ 3,33-3,99 đều qua 4,0 sẽ dễ khiến việc bổ nhiệm cào bằng, hên xui và mất công bằng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định cụ thể giáo viên ở hệ số lương 3,33 có tiêu chuẩn nào để được bổ nhiệm qua hệ số lương 4,0.

Trên đây là những điều mà người viết cho rằng việc bổ nhiệm theo Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023 còn nhiều vướng mắc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam