Cùng nhìn lại bất cập bổ nhiệm, xếp lương GV bắt đầu từ năm 2015

02/05/2023 06:44
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên có bằng đại học, nhiều thành tích, giữ chức vụ cán bộ quản lý,…vẫn hưởng lương trung cấp.

Có thể nói đến giai đoạn hiện nay, chủ đề lương, chia hạng giáo viên ở các cấp học, bậc học được giáo viên, cán bộ quản lý rất quan tâm và cả nhiều bức xúc.

Thực tế, cả chùm Thông tư cũ 20-23/2015, chùm Thông tư 01-04/2021 đều có những vướng mắc, nhiều bất cập, khi triển khai, ngay cả Thông tư 08 cũng rất khó có phương án tối ưu để hài lòng tất cả giáo viên.

Còn nhiều bất cập trong chuyển xếp lương giáo viên - Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Còn nhiều bất cập trong chuyển xếp lương giáo viên - Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Người viết cho rằng việc bổ nhiệm, xếp lương, chia hạng giáo viên còn nhiều bất cập, khó tháo gỡ từ khi xuất hiện chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Sau khi chia giáo viên thành các hạng I-IV dựa theo hệ số lương hiện hưởng đã dẫn đến nhiều bất cập, khó tháo gỡ khi ban hành các Thông tư tiếp theo.

Trong bài viết này cùng nhìn lại những bất cập, vướng mắc khi chuyển xếp lương theo hạng của Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Bổ nhiệm, chuyển xếp lương, chia hạng theo chùm Thông tư 20-23/2015 như thế nào?

Trước 2015, giáo viên hưởng lương theo ngạch bậc theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Hiểu đơn giản, giáo viên có trình độ đại học được hưởng lương có hệ số 2,34 đến 4,98; giáo viên có trình độ cao đẳng hưởng lương có hệ số 2,1 đến 4,89; giáo viên có trình độ trung cấp hưởng lương có hệ số 1,86 đến 4,06.

Nếu giáo viên khi tuyển dụng có trình độ trung cấp, cao đẳng nâng cao chuẩn trình độ đào tạo lên đại học hoặc cao hơn thì được chuyển xếp lương theo đúng trình độ đào tạo.

Việc xếp lương theo quy định này cũng có một số hạn chế như chủ yếu trả lương theo thâm niên công tác, giáo viên công tác lâu năm sẽ nhận lương cao, không kể thành tích, hiệu quả công việc,…

Tuy nhiên, bất cập rất lớn trong việc xếp lương, chia hạng giáo viên nảy sinh khi xuất hiện chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.

Xin được lược qua những hướng dẫn về việc chuyển xếp lương, chia hạng giáo viên theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT

Đối với giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư Số: 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Theo đó, chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

Giáo viên mầm non hạng II, Mã số: V.07.02.04, hệ số lương 2,34-4,98;

Giáo viên mầm non hạng III, mã số: V.07.02.05, hệ số lương 2,1-4,89;

Giáo viên mầm non hạng IV, Mã số: V.07.02.06, hệ số lương 1,86 - 4,06.

Tại Điều 8 quy định các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non:

1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non cao cấp (mã số 15a.205); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,34 - 4,98 được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng II có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non chính (mã số 15a.206); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,1 - 4,89 được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

3. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non (mã số 15.115); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 1,86 - 4,06 được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng IV có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

Đối với giáo viên tiểu học được thực hiện theo Thông tư 21/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.

Tại Điều 2 quy định Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập gồm:

Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.07, hệ số lương 2,34 – 4,98;

Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08, hệ số lương 2,1-4,89;

Giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09, hệ số lương 1,86-4,06.

Việc chuyển xếp lương được thực hiện theo Điều 8 quy định các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp như sau:

1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên tiểu học cao cấp (mã số 15a.203); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,34 - 4,98 được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng II có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên tiểu học chính (mã số 15a.204); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,1 - 4,89 được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

3. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên tiểu học (mã số 15.114), có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 1,86 - 4,06 được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng IV có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

Đối với giáo viên trung học cơ sở được thực hiện theo Thông tư 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT

Tại Điều 2 quy định mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở trong các trường trung học cơ sở công lập bao gồm:

Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.10, hệ số lương 4,0-6,38;

Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11, hệ số lương 2,34-4,98;

Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12, hệ số lương 2,1-4,89.

Việc bổ nhiệm, chia hạng giáo viên được hướng dẫn tại Điều 8 quy định các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp

1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 4,0 – 6,38 được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng I có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở chính (mã số 15a.201); có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,34 – 4,98 được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

3. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202), có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,1 – 4,89 được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

Đối với giáo viên trung học phổ thông được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.

Tại Điều 2 quy định Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông trong các trường trung học phổ thông công lập bao gồm:

Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số: V.07.05.13, hệ số lương 4,4-6,78;

Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số: V.07.05.14, hệ số lương 4,0-6,38;

Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số: V.07.05.15, hệ số lương 2,34- 4,98.

Tại Điều 8 quy định các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông như sau:

1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112), có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 4,0 – 6,38 được bổ nhiệm giáo viên trung học phổ thông hạng II có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học (mã số 15.113), có nghĩa giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương 2,34 – 4,98 được bổ nhiệm giáo viên trung học phổ thông hạng III có hệ số lương tương đương, không thay đổi gì về lương.

Hàng loạt vướng mắc, bất cập khi chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 20-23/2015

Có thể nói quy định tại Thông tư 20-23/2015 khi tiến hành bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông dẫn đến hàng loạt bi hài, bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Xuất phát điểm là chùm Thông tư 20-23/2015 đã kéo theo hàng loạt bất cập, phát sinh khi bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo quy định của chùm Thông tư 01-04/2021 và cả Thông tư 08 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021.

Việc bổ nhiệm, xếp lương, chia hạng giáo viên theo chùm Thông tư 20-23/2015 nảy sinh các vướng mắc sau:

Thứ nhất, gần như không căn cứ các tiêu chuẩn để bổ nhiệm

Trong thông tư tại Điều 3 quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chung áp dụng cho cả 3 hạng, bên cạnh đó đối với giáo viên mầm non, phổ thông hạng I, II, III, IV đều được ban hành cụ thể các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp về Nhiệm vụ; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với rất nhiều tiêu chí.

Tuy nhiên, việc ban hành các tiêu chuẩn rất chi tiết, phức tạp nhưng việc bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 20-23/2015 lại không căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện gì, chỉ căn cứ vào hệ số lương đang hưởng để chuyển đổi tương đương.

Thứ hai, giáo viên mới tuyển dụng hưởng lương theo hạng thấp nhất ở từng cấp học

Bất cập lớn nhất của chùm Thông tư 20-23/2015 đó chính là việc quy định giáo viên trúng tuyển ở cấp học, bậc học nào thì hưởng lương ở hạng thấp nhất của cấp học đó, dẫn đến tình trạng giáo viên có bằng đại học hưởng lương trung cấp.

Giáo viên trúng tuyển bậc mầm non, tiểu học dù có bằng đại học hay thạc sĩ vẫn phải hưởng lương bậc 1 hạng IV của bậc tiểu học, mầm non có hệ số lương 1,86-4,06.

Giáo viên trúng tuyển bậc trung học cơ sở dù có bằng đại học hay thạc sĩ vẫn phải hưởng lương bậc 1 hạng III của bậc trung học cơ sở có hệ số lương 2,1-4,89.

Chính vì xếp hạng, xếp lương kiểu này rất thiệt thòi cho giáo viên, nhiều giáo viên có trình độ đại học phải hưởng lương trung cấp, họ rất bất mãn.

Việc thăng hạng lên hạng cao hơn là điều khó khăn, vất vả, đến thời điểm hiện nay dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định chuyển xếp lương giáo viên nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thể tiến hành bổ nhiệm hạng mới, vẫn còn rất nhiều trường hợp vẫn còn hưởng lương trung cấp.

Thứ ba, bổ nhiệm hạng mới nhưng chỉ căn cứ vào hệ số lương cũ để bổ nhiệm

Ban hành đầy đủ tiêu chuẩn nhưng bổ nhiệm lương mới chỉ căn cứ vào hệ số lương cũ để bổ nhiệm, tức là các tiêu chuẩn ban hành cho có.

Việc bổ nhiệm từ lương hiện hưởng sang chùm Thông tư 20-23/2015, chỉ căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng để bổ nhiệm hạng mới dẫn đến nhiều bất cập như: giáo viên không có thành tích gì chỉ cần trước đây được xếp hệ số lương 2,34-4,98 được bổ nhiệm giáo viên hạng II của bậc mầm non đến trung học cơ sở; giáo viên nhiều thành tích, có bằng đại học nhưng đang ở hệ số lương 1,86-4,06 được chuyển xếp lương hạng IV mầm non, tiểu học,…

Chính điều này dẫn đến hiện nay có người có bằng đại học 11 năm, nhiều thành tích, giữ chức vụ cán bộ quản lý,…vẫn hưởng lương trung cấp.

Xuất phát điểm từ việc ban hành Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, bổ nhiệm, xếp lương, xếp hạng giáo viên nhiều bất cập, vướng mắc nên dù sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, nhưng với hệ số lương bất cập đang hưởng ở chùm Thông tư 20-23/2015 thì việc chuyển xếp lương mới gặp vô vàn bất cập, nhiều địa phương chưa thể chuyển xếp lương.

Trong những bài viết tiếp theo, người viết sẽ tiếp tục nêu những bất cập, vướng mắc trong việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021 và cả những vấn đề còn băn khoăn trong Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 để thấy việc chuyển, xếp lương kiểu nào cũng gặp vướng mắc, bất công.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam