Nhiều người lầm tưởng học ngành Công nghệ tài chính xong sẽ kinh doanh tiền ảo

18/10/2023 06:30
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều người học chưa hiểu rõ về Công nghệ tài chính và hiểu nhầm đây là ngành học để kinh doanh tiền ảo nên còn lo ngại lựa chọn đăng ký học.

Theo lãnh đạo trường, khoa tại một số cơ sở giáo dục đại học, trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, ngành Công nghệ tài chính đang là một ngành hot khi rất cần thiết đối với các ngân hàng và hệ thống quản trị các doanh nghiệp với mức lương cao ngất ngưởng.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, một số trường đại học ở nước ta đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành học này. Tuy nhiên, giảng viên đạt chuẩn của ngành Công nghệ tài chính còn hạn chế nên các cơ sở vẫn gặp một số khó khăn nhất định trong công tác đào tạo.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tùng Lâm – Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho hay, trong bối cảnh của sự phát triển công nghệ, ngành tài chính đã ứng dụng và sử dụng công nghệ số từ rất sớm thông qua việc số hóa các dịch vụ tài chính. Và công nghệ tài chính (Fintech) là sự kết hợp giữa tài chính (Finance) và công nghệ (Technology) để hình thành nên những sản phẩm, những mô hình và nền tảng kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính.

Có thể thấy, hiện nay, nhu cầu về nhân lực công nghệ tài chính đối với thị trường lao động là rất lớn, đặc biệt là tại các tỉnh/thành phố lớn.

Theo thầy Lâm, tại thành phố Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy và phát triển theo mục tiêu đã đặt ra, Ủy ban nhân dân thành phố đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, các viện nghiên cứu và các trường đại học trên địa bàn triển khai xây dựng các đề án trọng điểm, trong đó có đề án "Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực", theo hướng phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm công nghệ tài chính, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và nghiên cứu phát triển (R&D).

Sinh viên Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Website nhà trường).

Hơn nữa, với lợi thế là một đô thị trẻ có tốc độ tăng dân số cao, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng internet và thuê bao băng rộng di động (chủ yếu là smartphone) cao nhất toàn quốc với tỷ lệ 173 máy/100 dân, thành phố Đà Nẵng đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp Fintech phát triển.

Với các định hướng trên, theo thầy Lâm, một trong những vấn đề được thành phố Đà Nẵng quan tâm hiện nay là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Và trên thực tế, hoạt động công nghệ tài chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá mới mẻ và ở giai đoạn sơ khai.

Do vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực có đủ kiến thức về các sản phẩm tài chính trong kỷ nguyên số và có khả năng bắt kịp với xu hướng công nghệ tài chính, ngân hàng hiện đại được dự báo sẽ ngày càng tăng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mặt khác, thầy Lâm cho rằng, trước những hệ quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi, phát triển tri thức, nghiệp vụ và công nghệ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng được dự đoán sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục.

Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ tài chính có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc liên quan trong các doanh nghiệp và tổ chức, cụ thể: các công ty Fintech, ngân hàng và các định chế tài chính khác, các công ty cung ứng dịch vụ tài chính, các công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ; các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech hoặc làm việc trong các bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại công ty khởi nghiệp Fintech.

Mặc dù chương trình cử nhân công nghệ tài chính của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng mới bắt đầu tuyển sinh vào năm 2022. Tuy nhiên, theo thầy Lâm, trong cả 2 năm qua, số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành là khá lớn.

Và trong cả hai khóa tuyển sinh đầu tiên này, khoa đều tuyển đủ chỉ tiêu cho ngành Công nghệ tài chính với chất lượng thí sinh đầu vào rất tốt (được thể hiện thông qua điểm chuẩn đầu vào tương đối cao với điểm chuẩn xét tuyển thi tốt nghiệp phổ thông là 23.5 (năm 2022) và 24.25 (năm 2023).

Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng là một trong những đơn vị đang đào tạo ngành học Công nghệ tài chính.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, công nghệ tài chính là một trong những ngành đi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và được cho là có sự phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực cũng tăng cao. Hiện nay, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam và tại các nước trên thế giới, trong khu vực đều đang khát nhân lực công nghệ tài chính.

Thầy Song chia sẻ, theo thông tin từ Công ty Tư vấn và Quản lý toàn cầu McKinsey (Hoa Kỳ), dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn cầu lên 3 - 5 năm. Thị trường công nghệ tài chính thế giới dự kiến đạt 325,3 tỷ USD vào năm 2030 nhờ sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số, đầu tư vào blockchain và sự bùng nổ theo cấp số nhân của các sàn thương mại điện tử.

Không những vậy, đây cũng là ngành đang có mức lương khá cao. Tại báo cáo Vietnam IT Market Report - Developers Recruitment State 2022 của TopDev, mức lương ngành công nghệ tài chính ở mức cao và đứng trong Top 3 các ngành về công nghệ, dao động từ 1.000$ - 3.500$/tháng (khoảng trên 23 triệu đồng đến hơn 80 triệu đồng) tùy vị trí và kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, thầy Song cũng cho biết, cơ hội việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ tài chính là khá lớn.

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm tại các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán hoặc công ty Fintech, công ty chuyên về phát triển sản phẩm công nghệ, các cơ quan nhà nước, nghiên cứu – giảng dạy,…

Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành này nên vẫn gặp một số vướng mắc nhất định. Bởi, hiện nay, nhiều em chưa hiểu rõ về Công nghệ tài chính và hiểu nhầm đây là ngành học để kinh doanh tiền ảo nên lo ngại lựa chọn đăng ký học.

Mặt khác, Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết thêm, việc đào tạo ngành học công nghệ tài chính có một số khó khăn nhất định. Công nghệ tài chính là một ngành mới, mặc dù phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng giảng viên được đào tạo bài bản đúng ngành còn khá ít.

Để khắc phục vấn đề này, khoa đã khuyến khích và đưa những giảng viên thuộc chuyên môn tài chính đào tạo thêm về công nghệ và chuyển sang nghiên cứu về công nghệ tài chính; tuyển dụng giảng viên có chuyên môn công nghệ như khoa học dữ liệu, AI, … để đào tạo thêm về tài chính.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có nhiều công ty lớn, chuyên môn sâu về công nghệ tài chính để tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thực tế cho sinh viên. Đây là một khó khăn chung đối với nhiều tỉnh/thành phố hiện nay, không chỉ riêng ở Đà Nẵng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng cho rằng, do là ngành mới nên giảng viên đạt chuẩn của ngành Công nghệ tài chính còn khan hiếm, đặc biệt là là giảng viên có trình độ Tiến sĩ.

Chính vì vậy, hiện trường đang chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn và tận dụng mời các chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất: phòng máy vi tính tốc độ cao, các phần mềm mô phỏng các ứng dụng tiên tiến nhất…

“Nhân lực công nghệ tài chính có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Vậy nên, chúng tôi mong rằng, nhà nước và xã hội cần quan tâm hơn đến sinh viên theo học được và giảng viên để được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự như ngành công nghệ thông tin; các doanh nghiệp tài chính – Fintech, các định chế tài chính… cần kết hợp chặt chẽ với các trường đang đào tạo lĩnh vực này hơn nữa để có thể đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho chính các doanh nghiệp”, thầy Song bày tỏ.

Tường San