Lương khởi điểm 15-20 triệu, Công nghệ kỹ thuật trắc địa vẫn "cung không đủ cầu"

30/09/2023 06:22
Tường San
GDVN-Những năm gần đây, Khoa chỉ tuyển sinh được 5-7 em, không đạt chỉ tiêu được giao đối với ngành Công nghệ Kỹ thuật trắc địa

Từ năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư 37/2017/TT-BLĐTBXH về danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, trong đó có nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa, và đưa ngành học Công nghệ kỹ thuật trắc địa vào danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ cao đẳng, trung cấp. Qua đó thu hút người học từ việc được giảm 70% học phí.

Thực tế hiện nay, theo lãnh đạo các khoa đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa, dù nhu cầu tuyển dụng nhân lực vẫn rất lớn cùng mức lương cao nhưng do ngại vất vả, nặng nhọc nên ít học sinh lựa chọn ngành học này. Vì vậy, nếu không có giải pháp hữu hiệu, nguy cơ Công nghệ kỹ thuật trắc địa phải đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực trong tương lai là khó tránh khỏi.

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Bá Quốc Thùy – Phụ trách khoa Xây dựng Cầu – Đường (Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V) bày tỏ, nhân lực Công nghệ kỹ thuật trắc địa có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành xây dựng. Vì bất kỳ công trình muốn thực hiện cũng phải được quan sát, đo đạc, tính toán thực tế một cách chính xác,…

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa - Trường Cao đẳng Công thương miền Trung trong giờ thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa - Trường Cao đẳng Công thương miền Trung trong giờ thực hành (Ảnh: Website nhà trường).

Thế nhưng, ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa hiện nay lại có rất ít người học. Những năm gần đây, Khoa chỉ tuyển sinh được 5-7 em, không đạt chỉ tiêu được giao dù nhà trường và khoa đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh tham gia.

Bởi đặc thù của ngành này là phải đi ra ngoài để đi quan sát, đo đạc, tính toán thực tế cho các công trình nên rất vất vả.

Chính vì vậy, theo thầy Thùy, hiện nay dù nhu cầu về nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa của xã hội cần nhiều, đơn cử như tại Khoa, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đặt hàng, cam kết có việc làm ngay nhưng Khoa lại không có người học để đáp ứng.

Cũng chia sẻ về thực trạng tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật trắc địa, Tiến sĩ Trương Thành Tâm – Trưởng khoa Công nghệ Hóa – Tài nguyên và môi trường (Trường Cao đẳng Công thương miền Trung) cho hay, trước kia, Khoa có thể mở được 2-3 lớp cho ngành Công nghệ Kỹ thuật trắc địa, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn mở được 1 lớp.

Theo thầy Tâm, mặc dù ngành học Công nghệ Kỹ thuật trắc địa hệ cao đẳng đã được giảm 70% học phí cùng cơ hội việc làm rộng mở khi có thể làm việc tại các cơ quan như các Sở, phòng Tài nguyên môi trường và ban địa chính, hoặc có thể làm việc các đơn vị thi công công trình như công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thủy điện,…

Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu tuyển dụng ngành này cũng rất lớn. Thầy Tâm chia sẻ, Khoa luôn có doanh nghiệp đặt hàng nhân lực làm Công nghệ kỹ thuật trắc và ấn định mức lương 15-20 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngộ; 100% người học đều được đảm bảo có việc làm khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, người học cũng như người làm Công nghệ Kỹ thuật trắc địa phải thực hiện các công việc đo đạc, tính toán, thành lập các loại bản đồ địa hình, địa chính, mặt cắt địa hình phục vụ quản lí đất đai, quy hoạch, thiết kế,…Do đặc thù phải đi thực địa cũng như phải tư duy về toán nhiều nhiều như vậy nên hiện nay, ngày càng nhiều người học và phụ huynh ngại cho con chọn ngành học này.

Với thực trạng như vậy, thầy Tâm bày tỏ lo lắng về việc Công nghệ kỹ thuật trắc địa sẽ khó tránh được nguy cơ đứng trước việc “cung không đủ cầu” trong tương lai không xa.

Hơn nữa, khi có ít người học ngành này sẽ dẫn nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan phải tuyển dụng những người học trái ngành. Do vậy, công việc có thể sẽ khó đạt được như mong muốn bởi chất lượng về nguồn nhân lực không đáp ứng được chuyên môn yêu cầu.

Đặc biệt là đối với những người làm ngành Công nghệ Kỹ thuật trắc địa tại các Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng quản lý đất đai,… càng cần nhân lực phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đơn cử như khi muốn thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất đòi hỏi phải có kết quả đo số liệu chính xác để trình cơ quan chức năng,…

Hơn nữa, thời gian làm việc của những người học đúng chuyên môn sẽ nhanh hơn, dễ dàng mang lại hiệu quả công việc hơn.

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho Công nghệ Kỹ thuật trắc địa trong tương lai, thầy Tâm đề xuất rằng, các nơi sử dụng lao động khi tuyển dụng người làm ngành này nên quan tâm đến vấn đề tuyển đúng ngành, đúng nghề để họ vừa có nguồn nhân lực chất lượng cao vừa giúp tăng số lượng tuyển sinh cho các trường đào tạo.

Ngoài ra, chương trình đào tạo đối với ngành học cũng cần được tiệm cận hơn với điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay để thu hút người học và doanh nghiệp đến tuyển dụng.

Tường San