Nhận xét học sinh được "sản xuất" theo mẫu, liệu có mang lại hiệu quả?

29/12/2023 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 27 quy định đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét, giáo viên ghi “Hoàn thành”, “Hoàn thành tốt” là mức đạt được không phải là nhận xét.

“Sơ kết giữa kỳ I, tôi đã căng mắt, đau tay đánh máy mấy trăm lời nhận xét. Sắp tới là nhận xét cuối kỳ I. Mỗi năm chỉ nhận xét 4 lần nhưng cứ kiểu này cũng đủ tẩu hỏa nhập ma”, cô giáo M.H. (đề nghị không nêu tên), giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc một trường tiểu học tại khu vực Tây Nguyên bức xúc cho biết.

Liên hệ với đồng nghiệp hiện đang giảng dạy tại một số trường tiểu học nơi đây, người viết được biết, nhiều yêu cầu giáo viên ghi lời nhận xét từng học sinh về môn học, về từng năng lực và từng phẩm chất.

Thầy giáo D. (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Hiệu phó chuyên môn trường mình nói: Thông tư 27 quy định đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét còn giáo viên ghi “Hoàn thành”, “Hoàn thành tốt” là mức đạt được không phải là nhận xét.

Yêu cầu ghi nhận xét trên phần mềm quản lý học sinh là thực hiện theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học, không phải do nhà trường tự nghĩ ra để làm khó giáo viên”.

Giữa kỳ giáo viên phải nhận xét học sinh. (Ảnh giáo viên cung cấp)

Giữa kỳ giáo viên phải nhận xét học sinh. (Ảnh giáo viên cung cấp)

Không ít nhận xét học sinh được "sản xuất" theo mẫu

Hiện nay, các trường học trong cả nước đang sử dụng một số phần mềm như Smas để đánh giá học sinh. Phần đánh giá học sinh cũng chỉ giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô trong Ban giám hiệu biết được. Học sinh và phụ huynh cũng không có cơ hội được đọc những lời nhận xét này.

Vì thế, yêu cầu giáo viên ghi những lời nhận xét từng học sinh liệu có tác dụng gì? Trong thực tế, do phải viết quá nhiều nhận xét và lời nhận xét nên giáo viên thường làm đối phó, làm cho có để khỏi bị nêu tên nhắc nhở.

Khổ nhất phải kể đến những giáo viên dạy nhiều lớp. Đơn cử như giáo viên Thể dục; Âm nhạc; Mỹ thuật...Có thầy cô giáo phải nhận xét gần nghìn em mà mỗi em khá nhiều nhận xét. Nào là nhận xét về môn học, nhận xét về năng lực và phẩm chất.

Năng lực lại có nhận xét chung và 3 nhận xét riêng (như Tự phục vụ, tự quản; Hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề). Phẩm chất cũng có nhận xét chung và 4 phẩm chất riêng (như Chăm học chăm làm; Tự tin, trách nhiệm; Trung thực, kỷ luật; Đoàn kết, yêu thương).

Cứ nhìn vào phần nhận xét của một vài giáo viên, chúng ta thấy ngay các nhận xét thường trùng lặp và giống nhau đến không tưởng. Giáo viên thường chia học sinh theo từng nhóm trình độ để dễ copy, dán lời nhận xét.

Ví dụ nhóm yếu, kém sẽ có những mẫu nhận xét như “Học còn yếu, phải cố gắng hơn ở học kì 2”; “chưa nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học”; “đọc bài còn nhỏ, tính toán còn chậm…”…

Nhóm trung bình - khá thường có những câu: “Con cần cố gắng học tập ở học kỳ 2 nhé". Học sinh ở nhóm khá sẽ là những câu: "Em đã tự giác học tập, có tiến bộ hơn ở cuối năm". Học sinh ở nhóm tốt: “Tính toán nhanh, giải toán đúng”; “Thực hành thành thạo các bài tập”; “Đọc to, rõ ràng lưu loát. Câu văn ngắn gọn, dễ hiểu”…

Với các môn đánh giá bằng nhận xét cũng tương tự, chưa đạt (CĐ), đạt (Đ), cùng mức, có nhận xét đánh giá giống hệt nhau, rất ít khi có khác biệt.

Nhận xét về các năng lực, phẩm chất cũng vậy. Những lời nhận xét chung chung, giống nhau, chưa biết giúp gì được cho sự tiến bộ của học sinh nhưng lại chiếm khá nhiều thời gian và công sức của các thầy cô giáo.

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học quy định thế nào?

Khoản 2, Điều 4, Quy định đánh giá học sinh kèm theo Thông tư 27 yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học nêu rõ:

"Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất".

Rõ ràng, Thông tư quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét nên trong thực tế giáo viên ở các trường học hiện nay chủ yếu nhận xét bằng lời đối với từng học sinh.

Thông tư cũng quy định, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét mà không ghi rõ nhận xét bằng lời hay nhận xét bằng chữ. Vì thế trong thực tế ở nhiều trường học hiện nay, giáo viên cũng không phải ghi nhận xét bằng chữ trên các phần mềm quản lý học sinh.

Thế nhưng, việc một số giáo viên ở Tây Nguyên phản ánh nhà trường bắt buộc các thầy cô giáo phải ghi nhận xét bằng chữ là đang làm khó giáo viên, đặc biệt là những thầy cô giáo dạy nhiều lớp phải viết có khi đến gần nghìn lời nhận xét mỗi kỳ đánh giá.

Đây không phải là lần đầu tiên, giáo viên đề cập đến chuyện nhận xét bằng lời hay bằng chữ. Trước đó, câu chuyện về ghi nhận xét sau khi Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhiều thầy cô giáo đã than thở chuyện phải dành quá nhiều thời gian ngồi ghi nhận xét học sinh vẫn chưa kịp (có giáo viên mỗi tháng phải ghi nhận xét vài trăm em).

Sau hơn một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành Thông tư số: 22/2016/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 30. Theo đó, giáo viên có thể nhận xét bằng lời hoặc nhận xét bằng chữ để đánh giá học sinh.

Theo Bộ Giáo dục, giáo viên được quyền chủ động vận dụng linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là "viết" phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra, sử dụng tin nhắn, email… để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên luôn phải tự học, tự tìm hiểu để giảng dạy. Bởi, ngoài một số môn học quen thuộc còn có thêm những môn học mới cần rất nhiều sự đầu tư mỗi ngày của giáo viên. Giảm áp lực sổ sách cũng là cách để thầy cô có thêm nhiều thời gian hơn đầu tư cho từng bài giảng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết