Ông Hà Văn Thương (sinh năm 1953, bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) nguyên là Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hóa, không chỉ được biết đến là một cán bộ tận tâm mà còn là người say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc. Năm 2013, khi về hưu, ông dành trọn tâm huyết cho việc sưu tầm, bảo tồn chữ Thái.
Là người con của dân tộc Thái, ông Hà Văn Thương luôn tự hào về nguồn cội và văn hóa của dân tộc mình. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã cho ra mắt hai cuốn sách về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Thái, góp phần lưu giữ di sản quý báu của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nửa đời người miệt mài bảo tồn chữ Thái
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hà Văn Thương chia sẻ: “Tôi luôn ghi nhớ câu nói: ‘Văn hóa còn thì dân tộc còn’. Tôi hiểu rằng, chữ viết chính là linh hồn, là minh chứng cho sự tồn tại và bản sắc của một dân tộc. Xét riêng trong một phạm vi nhỏ hơn, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Thái cũng chính là bản sắc của dân tộc đó.
Đến nay, mỗi khi nhắc đến gìn giữ và bảo tồn tiếng mẹ đẻ, tôi lại cảm thấy thật đúng đắn khi thời trẻ, bản thân đã dốc tâm tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này”.

Năm 2020, hai cuốn sách về tiếng Thái, chữ Thái của ông Hà Văn Thương chính thức được xuất bản, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đến nay, những cuốn sách ấy đang trở thành nguồn tài liệu cho nhiều cán bộ công tác tại vùng miền núi học tập và nghiên cứu.
Ít ai biết rằng, để có được những trang sách dày dặn ấy, ông đã miệt mài gom nhặt, ghi chép tài liệu từ hàng chục năm trước.
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần được nghe các cụ cao niên trong bản ca những bài trường ca, trường thi bằng tiếng Thái. Khi ấy, dù chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của những câu hát, nhưng giai điệu và lời ca ấy đã dần trở thành một phần gắn bó với cuộc sống của tôi.
Năm 1979, khi lên dạy học tại Trường Trung học cơ sở xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá, tôi nhận thấy mê tín dị đoan vẫn còn ăn sâu trong đời sống người dân. Vì vậy, bên cạnh việc dạy Toán, tôi thường dành thời gian để trò chuyện với học sinh về những ảnh hưởng của mê tín đối với đời sống và học tập”, ông Thương bồi hồi nhớ lại.
“Ý kiến” của ông Thương “đến tai” một thầy mo (người thường tụng trường ca vào những buổi lễ đại sự của người Thái - PV) có uy tín ở bản lúc bấy giờ. Vị thầy mo liền cho người gọi ông Thương vào nhà để trao đổi.
“Ông nói rằng, đừng xem những việc ông ấy và các bạn ông làm chỉ là mê tín đơn thuần. ‘Được học hành như các cháu thì hãy nghiên cứu nó, tìm hiểu nó. Vì sao người ta lại ca như vậy, ai là người sáng tác’. Những lời của người thầy mo ấy cứ bám lấy tôi, thôi thúc tôi tìm hiểu về những ‘bài mo’ này”, ông Thương bộc bạch.
Kể từ ấy, mỗi khi có cơ hội, ông lại tìm đến các thầy mo để nghe họ cúng bái, ghi chép lại từng câu hát, từng nghi lễ. Ông nhận ra rằng, ẩn sau mỗi bài trường ca không chỉ là lời cầu khấn mà còn chứa đựng cả triết lý sống, kiến thức về lao động, giáo dục, y tế, quan niệm về tình yêu, vũ trụ, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. Từ những gì thu thập được, ông Thương dần ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình. Nếu không kịp thời sưu tầm và ghi chép, những giá trị này có thể sẽ mai một theo thời gian. Đồng thời trong quá trình thu thập, ông cũng thường xuyên có ý kiến góp ý để chống mê tín dị đoan trong các hoạt động tín ngưỡng.

Ông Thương bắt đầu hành trình tìm gặp các trí thức bản địa, lặn lội qua nhiều vùng đất để được nghe những bài trường ca tiếng Thái trong suốt hơn 36 năm. Ông kiên trì ghi chép, biên soạn, từng bước phục dựng kho tàng trường ca dân gian của đồng bào dân tộc Thái.
Quá trình công tác, từ một nhà giáo, ông đã kinh qua các chức vụ như Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Huyện ủy huyện vùng cao Quan Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Con đường sưu tầm, gìn giữ các bản trường ca tiếng Thái, rồi viết lại sang chữ Thái không hề dễ dàng.
“Trong những năm vừa đảm nhiệm trọng trách của một cán bộ tại Thanh Hoá, tôi vừa đi đến các tỉnh có người Thái sinh sống như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, để lắng nghe cách phát âm của từng địa phương. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có cách nói, cách dùng từ khác nhau.
Thêm vào đó, nguồn tài liệu tham khảo vô cùng ít ỏi, bởi lúc bấy giờ, rất ít nhà nghiên cứu, thạc sĩ hay tiến sĩ nghiên cứu chuyên sâu về chữ Thái, khiến việc tìm kiếm tài liệu gặp nhiều trở ngại”, ông Thương bày tỏ.
Dù khó khăn là vậy, nhưng vị cán bộ - nhà giáo này chưa từng nản lòng. Ông tâm sự, bản thân tin rằng những tư liệu mà mình đã sưu tầm và biên soạn sẽ trở thành nguồn tài liệu hữu ích cho những thế hệ sau.
“Nếu không có những bản sách này, về sau người trẻ muốn tìm hiểu cũng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ mong những gì mình làm sẽ giúp ích được phần nào cho thế hệ sau trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hoá dân tộc, bảo tồn tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình” - ông Hà Văn Thương chia sẻ.
Giữ gìn tiếng mẹ đẻ trong dòng chảy hiện đại
Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em dân tộc Thái không còn sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày. Thực tế này không chỉ xuất phát từ sự tác động của môi trường sống, mà còn do quá trình đô thị hóa, hội nhập khiến tiếng phổ thông dần chiếm ưu thế trong đời sống và học tập.
Nhiều bậc phụ huynh, với mong muốn con em mình học tập tốt, đã không còn chú trọng việc dạy tiếng dân tộc trong gia đình. Điều này vô tình khiến nhiều thế hệ trẻ dần xa rời ngôn ngữ của cha ông.
Ông Thương bộc bạch: “Trẻ con dân tộc Thái bây giờ ít biết nói tiếng dân tộc mình. Từ nhỏ, bố mẹ giao tiếp với các cháu bằng tiếng phổ thông, cho xem tivi, điện thoại… Ngay cả người lớn cũng có thể quên đi tiếng mẹ đẻ khi lớn lên, rời xa quê hương lập nghiệp.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta ép người trẻ phải biết nói tiếng mẹ đẻ, phải biết viết chữ Thái. Ngay cả tôi, già cả rồi, khi nhắc đến công nghệ, AI cũng cảm thấy vô cùng khó hiểu. Đó chính là sự khác biệt thế hệ mà dòng chảy thời gian đem lại”.

Ông Thương bộc bạch: “Việc bảo tồn tiếng dân tộc không có nghĩa là ép buộc hay áp đặt vào chương trình học chính khóa. Không nhất thiết phải đưa tiếng Thái vào giảng dạy như một môn học bắt buộc, bởi điều đó sẽ khiến học sinh cảm thấy khó khăn hơn.
Tại các địa phương miền núi, thầy cô giáo có thể vận dụng ngôn ngữ này để hỗ trợ quá trình học tập của học sinh, nhất là đối với những học sinh đã quen giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ”.
Thực tế, nhiều trẻ em dân tộc Thái khi mới đi học vẫn tư duy bằng tiếng mẹ đẻ, nên nếu giáo viên biết tận dụng lợi thế này, việc truyền đạt kiến thức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi học sinh hiểu bài nhanh hơn, tiếp thu tốt hơn, việc học sẽ không còn là áp lực mà trở thành niềm vui.
“Tôi cho rằng, có thể dạy tiếng Thái, chữ Thái cho các cán bộ ở vùng miền núi, những người có công việc đặc thù cần tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số. Thay vì chỉ cố gắng duy trì tiếng Thái như một giá trị văn hóa thuần túy, hãy biến nó thành một công cụ hữu ích trong đời sống và giáo dục”, ông Thương phấn khởi nói thêm.
Vị cán bộ về hưu cho hay, chỉ cần có người vẫn nói tiếng Thái, vẫn ca những bản trường ca về cuộc sống, về nhân sinh thì bản sắc luôn còn.
Sau khi về hưu, ngoài tổng hợp các tài liệu mà khi trẻ đã bôn ba mang về nhằm xuất bản thành sách, ông Hà Văn Thương còn miệt mài công việc truyền dạy tiếng Thái, chữ Thái cho mọi người.
Ông tận dụng thời gian rảnh rỗi để hướng dẫn con cháu, bà con trong vùng biết đọc, biết viết chữ Thái, giúp họ hiểu hơn về kho tàng tri thức dân gian của dân tộc mình.
“Tôi vẫn dạy tiếng Thái, chữ Thái miễn phí cho bà con gần nhà. Chỉ cần mọi người yêu thích và có hứng thú, tôi đều sẽ dạy. Đôi khi là vị bác sĩ về hưu, hay một người lính cụ Hồ lớn tuổi tỏ ý muốn học, tôi sẽ lấy hết những gì mình biết để kể, để hàn huyên. Đó chính là niềm vui nhỏ trong cuộc sống về già của tôi”, ông Thương phấn khởi chia sẻ.