Cô giáo vùng cao có sáng kiến thu hút học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Anh

05/12/2024 06:50
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Cô giáo vùng cao trăn trở với sáng kiến kinh nghiệm khơi dậy tinh thần học tập, thu hút HS dân tộc thiểu số trong việc học tiếng Anh, để các em thực sự yêu thích.

Cô Hoàng Thị Nguyệt (sinh năm 1983), giáo viên dạy Tiếng Anh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) là tấm gương điển hình, đạt nhiều thành tích tiêu biểu và góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong ngành giáo dục tại địa phương.

Cô Nguyệt là một trong 27 nhà giáo đại diện cấp giáo dục trung học cơ sở được tuyên dương “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyệt cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngay sau khi ra trường, tôi về giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Thụy Liễn (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Ngay trong ngày cưới, chồng tôi nhận được quyết định lên công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Trung Thịnh, nay là Trường Tiểu học Trung Thịnh (huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang). Tết năm đó, anh rủ tôi lên trường chơi. Tôi vẫn nhớ mãi con đường “dốc dựng đứng”, khung cảnh tĩnh mịch mỗi khi trời tối vì chưa có điện. Đó là những ấn tượng đầu tiên trong tôi về mảnh đất này...

Sau đó, vì muốn gần chồng để chăm sóc chu toàn cho gia đình, tôi quyết định làm hồ sơ xét tuyển về Trường Phổ thông cơ sở Trung Thịnh (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh). Tháng 5/2008, cơ duyên gắn bó với học sinh vùng cao của tôi bắt đầu”.

anh-2.jpg
Cô Hoàng Thị Nguyệt - Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Ảnh NVCC.

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu bước vào nghề, cô Nguyệt nhớ lại: “Ngày đầu tiên đến trường là một dấu ấn khó quên với tôi. Hình ảnh các em học sinh khác xa so với những gì tôi tưởng tưởng. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh là trường thuộc vùng sâu, vùng xa, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông…

Khoảng cách di chuyển từ nhà tới trường ở các thôn xa nhất cũng tới hàng chục cây số. Có em nhà xa ở lại bán trú, có em cố gắng đi bộ, đi xe đạp về nhà. Cuộc sống của các em rất khó khăn, nhiều em không có đủ quần áo để mặc; điều kiện tiếp xúc với internet, báo chí, công nghệ còn hạn chế. Giới hạn về khoảng cách địa lý, môi trường sống, bất đồng ngôn ngữ, đường sá đi lại khó khăn, nhiều lúc đã làm tôi muốn bỏ cuộc.

Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, nên việc đầu tư cho việc học nói chung và học tiếng Anh nói riêng còn hạn chế. Nhiều em chỉ mới 9-10 tuổi, đã phải lên rừng, làm nương rẫy, chăn nuôi trâu bò, đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Thậm chí, nhiều em phải trở thành “trụ cột” gia đình từ khi còn rất trẻ.

Đặc biệt, với môn tiếng Anh, các em vẫn còn khá thờ ơ. Bởi, học sinh dân tộc thiểu số tiếp xúc với tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh lại càng muôn vàn bỡ ngỡ”.

anh-3.jpg
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh trong một tiết học tiếng Anh. Ảnh NVCC.

“Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Học sinh ở các vùng thuận lợi đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy ngay từ lớp 1. Tuy nhiên, với giáo dục vùng cao, năm 2022-2023, môn tiếng Anh mới được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học từ lớp 3. Thiếu giáo viên, các nhà trường phải thuê giáo viên dạy thỉnh giảng online, nên chất lượng đầu vào của học sinh trung học cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng những tình cảm ấm áp của các em học sinh, đồng nghiệp, dân bản khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi đã tự học tiếng mẹ đẻ của các em học sinh và dần thích nghi với vùng núi cao nơi đây” - nữ giáo viên tâm sự.

Cô Nguyệt chia sẻ, quá trình dạy học ở vùng cao đã mang đến nhiều kỷ niệm đáng nhớ. “Có một kỷ niệm tôi nhớ và tự hào về học sinh của mình. Đó là vào năm 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) tổ chức hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh.

Hôm ấy, 3 cô trò cùng nhau đến trường để tổng duyệt phần thi thuyết trình, trên đường đi, không may đã gặp tai nạn do xe mất phanh, 2 em học sinh bị thương nhẹ, còn tôi phải khâu 5 mũi ở tay. Đến giờ, vết sẹo vẫn còn đó và có lẽ sẽ theo tôi cả cuộc đời...

Ngay sau khi đến trạm xá gần nhất để xử lý vết thương, 3 cô trò lại tiếp tục hành trình. Buổi tối, tôi cùng học sinh gói bánh chưng ngũ sắc để kịp trưng bày cho gian hàng thuyết trình bằng tiếng Anh về ẩm thực của huyện Xín Mần.

Chính những khó khăn ấy đã tiếp thêm động lực cho cô trò cùng cố gắng. Khi thấy học sinh đạt giải, niềm vui như vỡ òa trong tôi, tràn ngập cả ngôi trường vùng cao. Tôi cảm thấy công sức của mình được đền đáp. Vết sẹo hằn trên da ấy minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cô và trò” - cô Nguyệt bồi hồi kể lại.

anh-4.jpg
Cô Nguyệt cùng học sinh trong một cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện. Ảnh NVCC.

Sáng tạo trong công tác giảng dạy giúp học sinh ngày càng tiến bộ

Quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Anh của cô giáo Hoàng Thị Nguyệt không hề dễ dàng. Do phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, các em thiếu tự tin trong giao tiếp, chưa được tiếp cận nhiều với tài liệu học tập.

Để khắc phục tình trạng này, cô Nguyệt đã không ngừng động viên và đón học sinh về nhà cô, sinh hoạt các ngày thứ 7 và chủ nhật để dễ dàng hơn cho việc ôn luyện.

Khi nhà trường bắt đầu trang bị máy tính, do học sinh chưa được sử dụng và tiếp cận công nghệ thông tin, nên các em chỉ biết gõ “mổ cò” từng phím. Cô đã hướng dẫn, hỗ trợ các em đến khi các em đánh máy thành thạo. Sau đó, cô Nguyệt lại tự bỏ tiền túi để mua một số phần mềm ôn luyện cho học sinh học thử, thi thử. Chính sự cố gắng mỗi ngày của cả cô và trò, mà học sinh ngày càng học tốt môn tiếng Anh cũng như biết sử dụng máy tính thành thạo hơn.

Ngoài ra, sáng kiến “Thủ thuật dạy Production” trong tiết Listen and Read của môn tiếng Anh lớp 8-9 của nữ giáo viên đã được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh vào các năm 2020, 2022.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Tôi nhận thấy, những học sinh trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi môn tiếng Anh tại trường thường chỉ qua được cấp trường. Trong vòng 3 năm đầu khi đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, dù tôi đã rất cố gắng nhưng không mang về kết quả như mong đợi.

Tôi không nhụt chí mà biến điều đó thành động lực, tìm hiểu các kênh thông tin, tài liệu tham khảo, từ đó xây dựng lại tài liệu ôn tập. Việc ôn luyện học sinh giỏi dần trở nên dễ dàng hơn. Tôi cũng đã biết cách phân loại học sinh, biết cách ôn cho từng đối tượng học sinh theo năng lực của các em. Ngay trong năm đầu áp dụng sáng kiến “Thủ thuật dạy Production”, học sinh của tôi đã có tiến bộ rõ rệt.

Các giải pháp, sáng kiến tôi đưa ra đã mang lại hiệu quả rất cao. Sáng kiến kinh nghiệm được đúc rút ra từ thực tiễn công tác giảng dạy và mang lại ý nghĩa thực sự trong hoạt động giáo dục. Đầu tiên, thu hút được học sinh dân tộc thiểu số trong việc học tiếng Anh, giúp các em tránh tâm lý e ngại, tự ti, nhút nhát. Thứ hai, tạo cảm giác thoải mái trong các tiết học, học sinh cảm thấy hào hứng, thú vị hơn trong quá trình học tập. Thứ ba, khơi dậy tinh thần học tập, giúp các em cảm thấy thực sự yêu thích môn học, không còn tình trạng học chống đối, học cho có”.

anh-5.jpg
Học sinh hứng thú trong tiết học tiếng Anh. Ảnh NVCC.

Để duy trì sự ổn định và đạt nhiều thành tích tốt trong công tác giảng dạy, cô Nguyệt luôn hết mình trong công việc, xây dựng mối quan hệ gắn bó với học sinh, đồng nghiệp cũng như nỗ lực cải tiến phương pháp giảng dạy.

“Trong suốt quá trình công tác, tôi thường ít khi làm giáo viên chủ nhiệm vì giáo viên tiếng Anh trong trường còn thiếu. Tuy nhiên, trong năm học 2023-2024, tôi chủ nhiệm lớp có 29 học sinh, trong đó có đến 15 học sinh thuộc hộ nghèo, 6 học sinh thuộc hộ cận nghèo. Đa phần gia đình các em làm nông nghiệp, có em học sinh bố mẹ ly hôn phải sống cùng ông bà và nhiều hoàn cảnh khó khăn khác.

Từ bối cảnh ấy, tôi đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ phải bằng cách nào giúp đỡ các em. Phong trào nuôi lợn đất và làm công tác xã hội hóa cũng từ đó hình thành.

Tôi thấy, việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập là công tác xã hội thể hiện lòng nhân ái, cao cả, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt nam. Động lực của tôi xuất phát từ mong muốn tạo ra sự tích cực trong cuộc sống, giúp các em vượt qua khó khăn trước mắt, tăng tỉ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Nguyệt tâm sự.

Nữ nhà giáo cũng luôn tâm niệm: “Không có thương tật thể xác nào sánh bằng sự thương tật trong tâm hồn. Với vai trò là một người giáo viên, tôi nhận thấy, bản thân cần có trách nhiệm quan tâm, xoa dịu những vết thương lòng của học sinh vùng cao.

Tôi mong các em được học tập, tiếp xúc thêm nhiều các tác phẩm văn học, hội họa, nhiều chương trình kỹ năng sống, để tâm hồn các em ngày càng phong phú. Bản thân tôi cũng luôn tiên phong trong việc tự học, tự nâng cao năng lực chuyên môn và tính sáng tạo khi giảng dạy”.

anh-1.jpg
Cô Hoàng Thị Nguyệt (thứ 4 từ trái sang) vinh dự là 1 trong 10 nhà giáo được nhận hoa từ Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh NVCC.

“Được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và biết ơn. Đặc biệt, là 1 trong 10 thầy cô đại diện cho hàng triệu nhà giáo cả nước được Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa tại buổi lễ gặp mặt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, niềm vui, sự tự hào về sự nghiệp “trồng người” của tôi được nhân lên gấp đôi.

Đây là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao nói riêng và cả nước nói chung” - nữ giáo viên bày tỏ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chào đón bài tham gia Cuộc thi viết "Sống Đẹp" từ học sinh, giáo viên và quý độc giả trên cả nước.

Nội dung bài viết tôn vinh những câu chuyện tử tế, người tốt - việc tốt trong nhà trường, xã hội nhằm nhân lên lối sống đẹp, văn minh, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là ở thế hệ trẻ;

Lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chỉ rõ, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn chưa đẹp trong nhà trường, xã hội;

Phát hiện, đề xuất các giải pháp, cách làm hay để giáo dục học sinh, lan tỏa góp phần xây dựng con người Việt Nam đủ năng lực, phẩm chất sẵn sàng đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về hình thức trình bày, tác phẩm dự thi là bài phản ánh (độ dài từ 600 từ - 1500 từ, được đánh máy cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman kèm ảnh minh họa), phóng sự ảnh, video...

Bài viết gửi kèm các thông tin bắt buộc bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại của tác giả; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 31/05/2025. Mỗi tác giả tham gia cuộc thi được gửi tham gia tối đa 5 tác phẩm.

Tác phẩm dự thi gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Khánh Hòa