Nghị định 66 đảm bảo quyền lợi cho học sinh bán trú nhưng vẫn còn băn khoăn

27/03/2025 09:20
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo một số trường, Nghị định 66 vừa giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt cho HS vùng khó khăn vừa tạo nền tảng vững chắc để các em yên tâm học tập.

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Theo đó, học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và hỗ trợ gạo.

Nghị định 66/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2025.

Ghi nhận ý kiến của nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú ở tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lai Châu…, đa số các trường đều bày tỏ sự vui mừng khi có Nghị định 66. Bởi đây không chỉ là chính sách hỗ trợ thiết thực mà còn là động lực giúp các em học sinh vùng khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn.

Bước tiến đảm bảo quyền lợi cho học sinh bán trú

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) nhận định, Nghị định 66 là một bước tiến trong việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh vùng khó khăn, đồng thời mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cả học sinh và nhà trường.

Theo thầy Phương, dưới tác động của việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ tháng 7/2024, mức hỗ trợ tiền ăn dành cho học sinh bán trú là 936.000 đồng/tháng. Điểm khác biệt quan trọng giữa Nghị định 116 và Nghị định 66 là thay vì quy định theo phần trăm, mức hỗ trợ tiền ăn nay được ấn định thành con số cụ thể.

Bên cạnh tiền ăn, khoản hỗ trợ dành cho học sinh tự túc chỗ ở được nâng lên 360.000 đồng/ tháng. Nhờ vậy, học sinh có thêm khả năng thuê trọ gần trường nếu nhà trường không thể bố trí chỗ ở hoặc khi các em muốn ở cùng người thân để thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày.

“Hiện nhà trường đang có khoảng 159 học sinh ăn bán trú, do đó, công tác kiểm tra định lượng và chất lượng bữa ăn được thực hiện hằng ngày để đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng. Nhà trường cũng ghi nhận ý kiến phản hồi từ học sinh và điều chỉnh khẩu phần kịp thời nếu cần.

Hơn nữa, Nghị định 66 còn mở rộng nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và sinh hoạt. Đồng thời, kinh phí hỗ trợ cho việc khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc y tế cũng được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh”, thầy Phương bày tỏ.

Thầy Phương cho biết, hiện nay, chỉ học sinh bán trú mới được nhận các khoản trợ cấp này, trong khi nhiều em dù không ở bán trú nhưng vẫn có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Nếu có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là đối với những học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo dù không ở bán trú, thì tính nhân văn của chính sách sẽ càng được nâng cao.

“Tóm lại, Nghị định 66 đã mang đến nhiều cải thiện trong điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, giúp các em an tâm học tập và phát triển toàn diện. Tuy nhiên vẫn cần có những điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Việc xác định mức hỗ trợ nên linh hoạt hơn, đặc biệt đối với tiền ăn và tiền nhà ở, nhằm tránh ảnh hưởng đến học sinh khi giá cả biến động. Bên cạnh đó, quá trình thực thi chính sách cần đảm bảo minh bạch, kịp thời và có sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho các em”, thầy Phương nêu quan điểm.

Cùng bàn vấn đề này, thầy Dương Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) chia sẻ: “Nhờ Nghị định 66 của Chính phủ, 260 học sinh bán trú của nhà trường sẽ được tăng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo, giúp cải thiện đáng kể chất lượng bữa ăn và điều kiện sinh hoạt của các em”.

mot-gio-tren-lop-cua-co-va-tro-truong-ptdtbt-thcs-xa-khoen-on.jpg
Một giờ trên lớp của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Than Uyên)

Thầy Nam cho hay, việc nâng mức hỗ trợ tiền ăn giúp nhà trường có thể cung cấp bữa ăn đầy đủ và dinh dưỡng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em ở vùng khó khăn, nơi điều kiện dinh dưỡng chưa đảm bảo.

Ngoài hỗ trợ về tiền ăn, chính sách cũng điều chỉnh mức trợ cấp tiền nhà ở cho học sinh bán trú. Theo quy định mới, học sinh nội trú trong trường sẽ được miễn phí hoàn toàn, còn học sinh ở bên ngoài được hỗ trợ 360.000 đồng/ tháng. Điều này góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Tuy nhiên, tại trường, đa số học sinh đều ở trong trường nên chính sách này không tác động nhiều. Trong khi đó, ở những địa phương có cơ sở bán trú hạn chế, mức hỗ trợ này có thể chưa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ngoài trường.

“Có thể thấy, Nghị định 66 đưa ra nhiều thay đổi so với các quy định trước đây. Cụ thể, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú được ấn định là 936.000 đồng/ tháng trong tối đa 9 tháng/năm học. Điều này giúp việc dự toán ngân sách dễ dàng hơn so với trước đây, khi mức hỗ trợ được tính theo 40% lương cơ sở. Tuy nhiên, nếu lương cơ sở tăng trong tương lai, mức hỗ trợ cố định này có thể không còn phù hợp với thực tế giá cả thị trường.

Một điểm đáng chú ý khác là chính sách cấp gạo cho học sinh bán trú, với mức hỗ trợ 15kg/tháng trong tối đa 9 tháng/ năm học. Đây là một giải pháp quan trọng giúp đảm bảo dinh dưỡng cho các em, nhất là tại các khu vực khó khăn. Tuy nhiên, một số trường học ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong khâu vận chuyển và bảo quản gạo, cần có giải pháp phù hợp để khắc phục”, thầy Nam bày tỏ.

Thầy Nam nhận định, mặc dù Nghị định 66 mang lại nhiều quyền lợi cho học sinh, nhưng một trong những vấn đề lớn nhất là đảm bảo nguồn ngân sách ổn định để thực hiện chính sách. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tình trạng chậm trễ hoặc thiếu hụt kinh phí có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

“Bên cạnh đó, thực tế cho thấy tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn diễn ra khá phổ biến dù có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số em phải nghỉ học do gia đình di cư hoặc do cha mẹ không coi trọng việc học của con. Dù nhà trường và chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động, nhưng vẫn có trường hợp học sinh bị gia đình cho nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Điều này cho thấy, ngoài hỗ trợ vật chất, cần có các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục”, thầy Nam thông tin.

Lo ngại tiền ăn cố định có thể thiếu linh hoạt nếu lương cơ sở tăng trong tương lai

Theo thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), trước khi Nghị định 66/2025/NĐ-CP có hiệu lực vào 1/5/2025, các trường học vùng sâu, vùng xa hiện đang thực hiện theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

z5846295956610-8e5c403f3303c3317f6142d4122e69aa-1-3306.jpg
Thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Lực, Nghị định 116/2016/NĐ-CP nêu rõ, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh. Bên cạnh đó, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh.

“Thực tế cho thấy, Nghị định 66/2023/NĐ-CP ra đời với mức hỗ trợ tài chính cụ thể hơn so với Nghị định 116 trước đó. Cụ thể, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng/tháng, tối đa 9 tháng/năm học. Ngoài ra, nếu học sinh ở nội trú trong trường thì sẽ được miễn phí tiền nhà ở, còn nếu thuê trọ bên ngoài sẽ nhận thêm 360.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, học sinh còn được hỗ trợ 15kg gạo/tháng để đảm bảo khẩu phần ăn tối thiểu. So với mức hỗ trợ trước đây của Nghị định 116, chính sách mới có nhiều điểm đột phá, nhất là việc tăng tiền hỗ trợ về nhà ở, góp phần giúp học sinh nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, theo tôi vẫn còn một số bất cập cần được xem xét. Trước hết, mức hỗ trợ tài chính theo Nghị định 66 được quy định cố định là 936.000 đồng/tháng. Đây là mức hỗ trợ được tính toán dựa trên mức lương cơ sở hiện tại là 2.340.000 đồng/tháng. Nhưng trong tương lai, trường hợp mức lương tối thiểu tăng lên, giá cả hàng hóa, thực phẩm cũng sẽ tăng theo, làm giảm giá trị thực tế của khoản hỗ trợ này. Nếu mức hỗ trợ không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu, học sinh có thể sẽ lại rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi nếu quy đổi sang phần trăm so với mức lương cơ sở sẽ giúp duy trì tính hiệu quả lâu dài, tránh tình trạng chênh lệch so với thực tế đời sống sau này”, thầy Lực nêu quan điểm.

Về chi phí hỗ trợ về chỗ ở, thầy Lực bày tỏ, trên thực tế, tại nhiều địa phương, chi phí thuê trọ không đồng đều. Do đó, Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ này theo vùng, tương tự như cách áp dụng mức lương tối thiểu vùng.

“Tuy nhiên, hiện nay, quy trình xét duyệt, cấp phát kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116 còn gặp nhiều khó khăn, chậm trễ do thủ tục hành chính rườm rà. Nếu những bất cập này không được khắc phục, Nghị định 66 dù có ưu việt hơn về chính sách nhưng khi thực hiện vẫn có thể gặp vướng mắc, làm chậm tiến độ hỗ trợ cho học sinh. Vì vậy, việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt, đảm bảo kinh phí đến tay học sinh đúng thời điểm là rất quan trọng để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất.

z5846219171588-c553ad272997291ac20b6442767ea583-5417.jpg
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: NTCC)

"Những điều chỉnh này sẽ giúp Nghị định 66 thực sự trở thành một chính sách bền vững, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công bằng trong hệ thống giáo dục quốc gia”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) kiến nghị một số giải pháp để Nghị định 66 thực sự phát huy hiệu quả.

Thứ nhất, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng khó khăn nên được tính dựa trên một tỷ lệ phần trăm nhất định của mức lương cơ sở thay vì áp dụng một con số cố định. Cách tính này sẽ giúp đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với thực tế biến động của giá cả thị trường, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm. Nếu tiếp tục giữ mức hỗ trợ cố định, khi giá cả tăng cao, khoản tiền này có thể không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu của học sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng học tập của các em.

Thứ hai, Nhà nước nên xem xét đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng ký túc xá và các công trình phụ trợ như bếp ăn, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch là rất cần thiết để đảm bảo học sinh có thể ở nội trú ngay tại trường. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí thuê trọ đối với phụ huynh mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chăm sóc học sinh, giúp các em có môi trường học tập ổn định, an toàn hơn.

Thứ ba, Nhà nước cần thiết lập một cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch nhằm đảm bảo các khoản hỗ trợ được phân bổ đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Theo đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh trong quá trình triển khai chính sách là cần thiết để tránh tình trạng thất thoát, sai lệch hoặc sử dụng không đúng mục đích. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh chế tài xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

“Theo tôi, Nghị định 66 là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện điều kiện học tập của học sinh tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự mang lại hiệu quả bền vững, Nhà nước cần có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế và đi kèm với các giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh về lợi ích của giáo dục. Hơn hết, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và toàn xã hội sẽ là yếu tố quyết định để mọi học sinh đều có cơ hội học tập công bằng, đầy đủ và phát triển một cách toàn diện”, thầy Nam bày tỏ.

Thu Thuỷ