Ngày 20/11 và đôi chút tâm tư về những lời chúc mừng "đồng loạt"

18/11/2022 06:50
Lê Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một lời chúc trang nhã, lịch sự cũng rất cần thiết trong văn hóa ứng xử của học trò đến thầy cô của mình trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những năm gần đây, phần lớn những người trưởng thành, thậm chí phần lớn học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên đều dùng mạng xã hội Facebook, Zalo cho riêng mình. Vì thế, các trang mạng xã hội giúp cho mọi người có thể trao đổi, trò chuyện với nhau thuận tiện hơn.

Đặc biệt là những người ở xa nhau thì mạng xã hội thực sự hữu ích khi chúng ta vẫn có thể tâm sự và chia sẻ với nhau hàng ngày mà không phải tốn kém về tiền bạc như gọi điện thoại trước đây.

Rõ ràng mạng xã hội đang kéo chúng ta xích lại gần nhau hơn cũng như nhắc nhở cho nhau nhiều kỉ niệm đã và đang có ở trong đời nhưng đôi lúc một số người dùng mạng xã hội chưa thực sự tế nhị khéo léo trong ứng xử hàng ngày. Nếu chúng ta để ý, ngày 20/11 hàng năm sẽ thấy rất rõ điều này nhất.

Ảnh minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Nhiều năm qua, có một điều mà chúng tôi đã chứng kiến và rất phân vân là vào dịp ngày 20/11- ngày mà xã hội dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy cô giáo thì chúng tôi lại thấy có nhiều người gửi lời chúc mừng đến thầy cô của mình một cách chưa thực sự tế nhị.

Vẫn biết tình cảm của học trò, của mọi người dành cho thầy cô của mình, cho những người đang công tác trong ngành giáo dục là đáng trân trọng nhưng cách thể hiện như thế nào để người nhận những lời chúc đó cảm thấy mình được tôn trọng và vui mừng.

Bởi lẽ, bản thân chúng tôi cũng đang công tác trong ngành giáo dục và tất nhiên là có rất nhiều thầy cô đã từng dạy mình giờ đây đều đã “kết bạn” trên Facebook, Zalo.

Vì thế, đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì tôi lại thấy bạn bè của mình gửi lời chúc mừng, gửi thiệp cho thầy cô của mình trên các trang mạng xã hội và liên kết với hàng mấy chục người khác nhau cũng đang công tác trong ngành giáo dục.

Tự nhiên, tôi cảm thấy thương cho thầy, cô của mình. Bởi trong cái danh sách dài dằng dặc đã được bạn bè tag vào ấy có thầy cô của tôi, có có cả học trò của tôi và thậm chí là rất nhiều người mà chúng tôi không hề quen biết nữa đều đứng chung với nhau để “cảm” chung một lời chúc…

Tôi có một suy nghĩ và hành động rất khác nhưng tôi xem đó là điều cần làm với thầy cô đã từng dạy mình mà mình cảm thấy trân quý.

Ngày chưa có các trang mạng xã hội, tôi thường điện thoại chúc mừng, hỏi thăm những thầy cô mà mình qúy trọng vào 2 ngày là ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày Tết Nguyên đán. Bây giờ, khi có mạng xã hội, tôi vẫn có thói quen này.

Có thể gửi lời chúc công khai, cũng có thể gửi lời chúc qua dạng tin nhắn đến thầy cô nhưng tuyệt đối chỉ gửi riêng từng tin nhắn đến từng thầy cô của mình. Không bao giờ liên kết nhiều người và bản thân không cho phép mình làm như vậy.

Tất nhiên, những lời chúc của tôi bao giờ cũng nhận được lời phản hồi của thầy cô. Và, tôi cảm thấy đó là niềm hạnh phúc và tôi cũng nghĩ thầy cô sẽ vui và hạnh phúc với cách làm của tôi.

Nhiều năm theo đuổi nghề giáo, những buồn vui với nghề có lẽ không bao giờ nhớ hết được. Nhất là đối với ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi nhận được rất nhiều lời chúc của học trò, có lời chúc trực tiếp, có lời chúc gián tiếp của học trò cũ.

Những khi học trò cũ gửi tin nhắn qua Facebook dạng “chúc riêng”. Những lời chúc như vậy tôi đều trả lời hết, không sót một lời chúc nào. Bởi, tôi quan niệm, học trò nhớ đến mình đó đã là một điều trân quí. Vì vậy, cớ gì mà mình lại không hồi đáp lại các em.

Ngược lại, những ai tag tôi vào trong một dòng trạng thái chung tôi rất ít quan tâm và trả lời. Bởi, những lời chúc như vậy không thể hiện được sự tôn trọng nhau.

Có lẽ, những suy nghĩ của tôi không giống với tất cả mọi người. Nhưng, với tôi - một thầy giáo đang trực tiếp đứng lớp để giảng dạy cho học trò, điều tôi luôn tâm niệm là lời chúc, hay tình cảm dành cho nhau không có một khuôn mẫu nhất định nào cả.

Tuy nhiên, nếu đã là học trò (nhất là học trò cũ) còn nhớ đến thầy cô thì chúng ta cũng cần có một “cái phông” ứng xử nhất định- cho dù là ở thế giới ảo.

Thầy cô không bắt buộc chúng ta phải gửi lời chúc, phải làm thế này, thế khác nhưng mỗi khi học sinh cũ còn nhớ và dành tình cảm cho thầy cô thì cần có một thái độ trân trọng với thầy cô đã từng dạy dỗ mình.

Một lời chúc hoàn chỉnh đến thầy cô chỉ mất khoảng 1-2 phút chứ không phải mất quá nhiều thời gian, không tốn về vật chất. Vì thế, một lời chúc trang nhã, lịch sự cũng rất cần thiết trong văn hóa ứng xử của học trò đến thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Văn Minh