Ngành Chăn nuôi-Thú y: Doanh nghiệp cần tuyển 2.500 nhưng chỉ 200 SV tốt nghiệp

07/07/2023 06:40
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Chăn nuôi - Thú y, cần có sự phối kết hợp từ phía nhà nước, cơ sở đào tạo và cả doanh nghiệp.

“Ngày hội việc làm của trường vừa tổ chức cuối tháng 6/2023, có đến 42 công ty tham gia tuyển dụng với hơn 2500 chỉ tiêu cho ngành Chăn nuôi và Thú y, nhưng chỉ có hơn 200 sinh viên dự kiến tốt nghiệp”, cô Phúc cho biết.

So với những ngành khác cùng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang gặp khó khăn về tuyển sinh, ngành Chăn nuôi – Thú y được đánh giá có tình hình khả quan.

Nhiều khoa Chăn nuôi – Thú y của nhiều trường đại học vẫn đảm bảo đủ số lượng thí sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu hàng năm. Nhu cầu nhân lực ngành Chăn nuôi - Thú y hiện cũng đang rất lớn, nhiều doanh nghiệp “chạy đua” để tìm kiếm nhân lực.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh giỏi đăng ký vào ngành Chăn nuôi - Thú y vẫn chưa cao. Nhiều sinh viên giỏi khi tốt nghiệp được giữ lại và gửi đi học nâng cao trình độ ở nước ngoài nhưng khi kết thúc khoá học rất ít người quay trở lại trường công tác.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên thực hành tại bệnh viện Thú y

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên thực hành tại bệnh viện Thú y

Khó thu hút và giữ chân sinh viên giỏi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết hiện mỗi năm Khoa tuyển sinh hơn 200 chỉ tiêu cho hai ngành là Chăn nuôi (chuyên ngành: Chăn nuôi thú y) và Thú y (chuyên ngành: Thú y, Thú cưng, Dược thú y).

Dù tuyển sinh đủ, Khoa vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo do trình độ, năng lực của người học.

Theo số liệu mà cô Phúc cung cấp, sinh viên của trường có khoảng 40% là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khu vực miền núi phía Bắc. Chất lượng đầu vào không cao là điều khiến vị trưởng khoa này trăn trở.

Với mức điểm chuẩn trong các năm 2020, 2021, 2022 đều quanh mức 15-15.5, đặc biệt có rất ít thí sinh trúng tuyển đạt điểm khá giỏi 22-25 điểm. Còn lại đa số ở mức trung bình 15-17 điểm xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong những năm gần đây, Khoa đã thu hút nhiều sinh viên từ các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, miền Nam theo học.

Đây được coi là tín hiệu tốt giúp Khoa đa dạng thành phần sinh viên và tạo hiệu ứng truyền thông tích cực để thu hút nhiều thí sinh hơn trong các năm tiếp theo.

“Do chất lượng đầu vào chưa cao, thầy cô phải rất vất vả để đào tạo và định hướng cho sinh viên. Chúng tôi phải theo sát, kèm cặp, chỉ bảo các em một cách sát sao nhất.

Ngay từ kỳ đầu năm nhất để sinh viên có cái nhìn đúng về ngành nghề, chúng tôi đã đưa sinh viên đi tiếp cận nghề tại các doanh nghiệp, trung tâm, viện nghiên cứu…

Và từ năm thứ 3 sinh viên có thể đi thực tập nghề tại doanh nghiệp trong và ngoài nước (Đan Mạch, Úc, Israel, Nhật Bản…), việc này giúp cho các em bắt nhịp được luôn với công việc ngay sau khi tốt nghiệp”, cô Phúc chia sẻ.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y đi thực tập tốt nghiệp tại Nhật Bản

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y đi thực tập tốt nghiệp tại Nhật Bản

Khoa hiện có hơn 68 giảng viên, trong đó trên 90% đạt trình độ tiến sĩ, trên 17% có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Với nguồn lực hiện có của Khoa và Trường, cũng như để đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, số lượng tuyển sinh cần tăng lên từ 500-600 chỉ tiêu/năm.

Tuy nhiên, năm 2023 Khoa chỉ đăng ký 200 - 250 chỉ tiêu cho 4 chuyên ngành đào tạo vì dựa vào số lượng tuyển được của các năm gần đây cho thấy khả năng rất khó tuyển sinh.

Mỗi năm, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên tổ chức Ngày hội việc làm 2 lần/năm, vào mỗi dịp trước khi sinh viên ra trường.

Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi đợt Ngày hội việc làm có khoảng 30 - 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với hàng nghìn chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Trong đó, chỉ tiêu tuyển dụng ngành Chăn nuôi và Thú y là cao nhất. Mức thu nhập được xác định khởi điểm khi tuyển dụng khác nhau ở nhiều vị trí việc làm dao động trong khoảng từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Ngày hội việc làm vừa được Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên tổ chức cuối tháng 6/2023

Ngày hội việc làm vừa được Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên tổ chức cuối tháng 6/2023

“Ngày hội việc làm của trường vừa tổ chức cuối tháng 6/2023, có đến 42 công ty tham gia tuyển dụng với hơn 2500 chỉ tiêu cho ngành Chăn nuôi và Thú y, nhưng chỉ có hơn 200 sinh viên dự kiến tốt nghiệp”, cô Phúc cho biết.

Bên cạnh sự khát nhân lực của ngành ở trong nước thì các quốc gia như Úc, Đan Mạch, Israel, Nhật Bản… cũng có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và trả mức thu nhập hấp dẫn (40-60 triệu đồng/tháng) dành cho nhân sự ngành Chăn nuôi, Thú y.

Các thị trường này hiện đang thu hút được số lượng lớn nguồn nhân sự tốt nghiệp loại Giỏi đến làm việc.

Để bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các giai đoạn phát triển của Khoa, mỗi khoá tốt nghiệp, Khoa đều chọn những sinh viên ưu tú, tìm kiếm và giới thiệu học bổng gửi đi học nâng cao trình độ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khoá học rất ít người quay trở lại trường công tác, bởi mức lương khởi điểm quá thấp, không đủ cho các sinh hoạt phí hàng tháng.

Cô Phúc chia sẻ thêm: “Để đào tạo một giảng viên ‘cứng’ có thể đứng lớp cần tới 10 năm. Nhưng có trường hợp cán bộ được cử đi học nước ngoài rồi không về công tác. Bởi sức hút trong nước đối với ngành chăn nuôi, thú y không đủ lớn nên khó giữ chân họ”.

Cần có sự phối kết hợp từ nhiều phía

Tiến sĩ Phan Thị Hồng Phúc nhận định, số lượng sinh viên theo học lĩnh vực nông nghiệp trong nhiều năm giảm đến trên 70% so với giai đoạn năm 2020 trở về trước.

Thậm chí có ngành chỉ có vài sinh viên, có ngành không có sinh viên đăng ký học mà nhu cầu tuyển dụng của các công ty doanh nghiệp lại đang rất cao.

Từ đó dẫn đến tình trạng Khoa và Trường gặp khó khăn trong việc tổ chức đào tạo, còn doanh nghiệp thì “khát” nguồn lực lao động.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Chăn nuôi – Thú y nói riêng và các ngành nông, lâm, ngư nghiệp nói chung, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Phúc đề xuất một số kiến nghị.

Trước hết, Nhà nước cần có sự kết nối giữa dự báo nhân lực và đào tạo. Cần tính toán để đưa ra con số dự báo nguồn nhân lực của ngành nghề trong tương lai 5 - 10 năm.

Trên cơ sở đó, quy định mức trần mở ngành, xác định và phân bổ chỉ tiêu về các trường theo các bậc học trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực quốc gia, tránh tình trạng cho mở ồ ạt theo xu hướng từng thời điểm đến khi sinh viên ra trường ngành nghề thì thiếu, ngành nghề thì thừa dẫn đến mất cân đối như hiện nay.

Ngoài ra, cần xây dựng đề án xác định danh mục các ngành đào tạo đại học đặc thù, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho sinh viên đăng ký học các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn như chính sách miễn giảm học phí, cấp sinh hoạt phí.... giao nhiệm vụ đặt hàng cho các đơn vị đào tạo.

Cần xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nâng cao chất lượng, năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo đặc thù lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích cho các doanh nghiệp khi tham gia cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Về phía các nhà trường, cần xây dựng đề án theo giai đoạn và cơ chế chính sách hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước; Nắm bắt và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành nghề;

Rà soát, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, chuyển đổi số trong đào tạo có sự tham gia của các bên liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và một nền kinh tế số.

Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ (đặc biệt kỹ năng giao tiếp), tin họckỹ năng mềm cho sinh viên.

Còn đối với các doanh nghiệp, cần xây dựng đề án đào tạo và thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao.

Những đơn vị sử dụng lao động cũng cần đưa ra dự báo số lượng nguồn nhân sự cần tuyển dụng trong 5 - 10 năm cho từng vị trí việc làm; hợp tác với các nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trịnh Trang