Nếu tiến tới bỏ chia hạng, xét thăng hạng, GV sẽ đỡ "ì xèo", tâm tư về thu nhập

23/04/2025 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thời gian tới, khi Dự thảo Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ có nhiều điều chỉnh về nhà giáo, kỳ vọng sẽ tăng vai trò, trách nhiệm và vị thế nhà giáo trong giai đoạn mới, trong đó vấn đề lương, chia hạng nhà giáo được đặc biệt quan tâm.

Anhr nhà giáo.jpg
Ảnh minh họa

Các hạng nhà giáo hiện nay

Hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông đang hưởng lương theo các Văn bản hợp nhất 08-11/VBHN của Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp nhất Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, theo đó giáo viên mầm non, phổ thông được chia thành các hạng I, II, III.

Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.

Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Việc chia hạng giáo viên mầm non, phổ thông thời gian tồn tại nhiều bất cập khi có giáo viên giỏi ở hạng thấp, hiệu trưởng ở hạng thấp hay chuyển xếp lương từ cũ sang mới còn cào bằng, nhiều bất cập,…

Giáo viên hạng cao hay thấp đều thực hiện công việc như nhau, xét thi đua, khen thưởng như nhau,…nhưng lại nhận lương khác nhau, có giáo viên hạng II, I lãnh lương gần gấp đôi giáo viên hạng III nhưng hiệu quả công việc như nhau,…

Bên cạnh đó, giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II dù có làm công việc kém hiệu quả, bị kỷ luật vẫn hưởng lương ở hạng cao là bất hợp lý của việc chia hạng, bởi không có quy định, chế tài nào của việc “xuống hạng”.

Bỏ chia hạng, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc là mong muốn của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo cả nước.

Dự kiến bỏ chia, xét thăng hạng viên chức trong đó có nhà giáo

Theo Bộ Nội vụ, nhiều quốc gia thực hiện việc xét thăng hạng thể hiện con đường phát triển chức nghiệp của viên chức.

Đối với Việt Nam, còn tình trạng các viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các loại chứng chỉ theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp. Việc thăng hạng viên chức chủ yếu giải quyết vấn đề tăng lương, chưa phản ánh được bản chất của việc thăng hạng.

Bộ Nội vụ lấy ví dụ các trường phổ thông, không có sự khác biệt về chất lượng giảng dạy của giáo viên hạng 3 và hạng 2, trong lĩnh vực y tế; bác sĩ hạng 3 và hạng 2 cũng không có sự khác biệt về năng lực làm việc.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.[1]

Việc chia hạng đối với viên chức giáo dục các hạng không phản ánh đúng năng lực làm việc và thực tế trả lương chưa công bằng nên tiến tới xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tức là bỏ việc chia hạng, trả lương theo đúng vị trí việc làm, nếu có hiệu quả kèm theo tiền thưởng tương xứng là rất phù hợp.

Nếu không còn chia hạng, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc sẽ thúc đẩy được sự cố gắng thực chất. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Nhà giáo mới dự kiến lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, được hưởng phụ cấp ưu đãi và các khoản phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc theo vùng, theo quy định của pháp luật,…sẽ tiến tới trả lương công bằng, khoa học hơn, thu hút được nhiều sinh viên giỏi, nhà giáo giỏi, góp phần đưa giáo dục phát triển ngang tầm khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Trước đó tại Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 (năm 2024) vẫn còn chia hạng nhà giáo. Cụ thể tại Điều 12. Chức danh nhà giáo dự kiến phân hạng chức danh nghề nghiệp Nhà giáo như sau:

"1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo tương ứng với từng cấp học, trình độ đào tạo.

2. Căn cứ mức độ phức tạp trong hoạt động nghề nghiệp, chức danh nhà giáo được xếp hạng theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

3. Việc bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nhà giáo được thực hiện căn cứ vào loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Các hạng chức danh nhà giáo ở từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

5. Chức danh nhà giáo trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này." [2]

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong tháng 5 tới đây, dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục được thảo luận và dự kiến thông qua. Nếu dự thảo Luật Nhà giáo hướng tới chủ trương như Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, theo người viết sẽ rất phù hợp với thực tế và giải quyết được triệt để những bất cấp của việc xếp hạng, xét thăng hạng giáo viên tồn tại nhiều năm qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-bo-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-1491000.ldo

[2]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-nha-giao-119240513164257133.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam