Cải cách tiền lương từ 01/7/2024, giáo viên có còn chia thành hạng I, II, III?

15/12/2023 09:00
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, theo các quy định về trả lương, giáo viên mầm non, phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được chia thành 3 hạng I, II, III .

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Vì sao nhiều giáo viên mong muốn bỏ chia hạng?

Hiện nay, theo các quy định về trả lương, giáo viên mầm non, phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được chia thành 3 hạng I, II, III.

Tuy nhiên, việc chia hạng gây nhiều phiền toái, bức xúc và rất nhiều bất công. Hiện nay và cả sắp tới, giáo viên mong muốn được thay thế việc trả lương chia hạng bằng việc trả lương phù hợp hơn vì các lý do sau đây.

Thứ nhất, chia hạng cào bằng, bất công

Hiện nay, nhiều giáo viên giỏi đang ở hạng III, còn một số giáo viên không hề có thành tích, cống hiến vẫn ở hạng I, II tạo ra sự bất công lớn.

Quy định hạng I, II mới chỉ cần ở hạng I, II cũ, đủ thời gian công tác sẽ được chuyển hạng I, II mới không đúng ý nghĩa của việc người làm việc giỏi ở hạng cao, lương cao.

Thứ hai, chia hạng nhưng làm việc như nhau, các công việc khác như nhau

Chia thành các hạng I, II, III nhưng công việc của hạng I, II, III không có gì khác nhau, giáo viên hạng I, II, III cùng giảng dạy đối tượng học sinh như nhau, cùng đánh giá học sinh như nhau, bồi dưỡng học sinh giỏi như nhau, cùng được xét thi đua như nhau, chịu kỷ luật như nhau, tham gia phong trào như nhau,…nên chia hạng kiểu gì cũng khó để có sự công bằng, hợp lý.

Hiện nay, có nhiều giáo viên hạng III nhưng đang giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn,…khiến việc chia hạng mất ý nghĩa, chia hạng không khoa học, phù hợp.

Thứ ba, chưa có quy định giáo viên hạng I, II phải “xuống hạng”

Giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II cho dù không thực hiện nhiệm vụ gì, không phấn đấu, cố gắng, gây mất đoàn kết, thậm chí bị kỷ luật cảnh cáo, mất chức (nếu có chức vụ) thì vẫn chưa có quy định nào giáo viên đó xuống hạng thấp hơn. Vì thế, khi giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II thì xem như suốt đời hưởng lương hạng I, II không cần cố gắng hay phấn đấu.

Trong khi những giáo viên hạng III dù có nhiều thành tích, cống hiến nhưng rất khó được lên hạng II vì phải trải qua kỳ thi/xét thăng hạng phức tạp, khó khăn.

Từ 01/7/2024, còn chia hạng giáo viên hay không?

Hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông chia thành hạng I, II, III tức là cán bộ quản lý, giáo viên đều được xếp thành các hạng khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện, tiêu chuẩn, đây không phải là trả lương theo vị trí việc làm.

Từ 01/7/2024, cải cách toàn diện tiền lương theo hướng trả theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Theo quan điểm người viết, đã trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc tức là vị trí lãnh đạo, quản lý có bảng lương riêng, giáo viên có bảng lương riêng (nếu không còn giữ chức vụ thì hưởng lương theo giáo viên), nếu làm việc có hiệu quả thì được thưởng thêm hiệu quả công việc, không phải chia giáo viên làm 3 hạng như hiện nay.

Như thế, có thể sẽ giải quyết được bất cập chia hạng như hiện nay.

Vì thế, nếu từ 01/7/2024 bỏ được xếp hạng giáo viên sẽ giảm thiểu tính chất phức tạp, hạn chế các bất cập đang tồn tại.

Tuy nhiên, theo Thông tư 19,20/2023/TT-BGDĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số người làm việc ở bậc mầm non, phổ thông mới ban hành có hiệu lực từ 16/12/2023 thì vẫn còn vị trí việc làm giáo viên các hạng I, II, III.

Theo quan điểm của người viết, Thông tư 19, 20 ban hành thời điểm này vẫn còn chia hạng là phù hợp vì theo các quy định hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông được chia làm 3 hạng I, II, III.

Đến thời điểm 01/7/2024, thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm có thể sẽ có nhiều thay đổi khoa học, phù hợp hơn.

Hiện nay, các Bộ ngành, các cơ quan liên quan trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng Đề án vị trí việc làm là cơ sở quan trọng để trả lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2024 sắp tới theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Theo đó trong Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, diễn ra sáng 8/12 Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024. [1]

Hàng triệu giáo viên đang chờ đợi việc cải cách tiền lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2024 với mong muốn được trả lương đủ sống, công bằng hơn, trả theo vị trí việc làm, ai làm tốt hơn thì được thưởng thêm và cũng mong muốn bỏ việc chia hạng nhiều bất cập như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/hoan-thanh-phe-duyet-tat-ca-cac-de-an-vi-tri-viec-lam-trong-quy-i-2024-102231208141551468.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam