Khi thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp thâm niên của giáo viên có còn không?

03/11/2023 06:44
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu như chính sách cải cách tiền lương năm 2024 được thực hiện đúng lộ trình, thu nhập của giáo viên các trường công lập sẽ có nhiều thay đổi.

Những năm vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần lên tiếng đề xuất với các cơ quan chức năng về việc thực hiện chính sách tiền lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau nên những đề xuất này chưa thành hiện thực.

Đặc biệt, thời gian qua Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024 tới đây.

Nếu như chính sách cải cách tiền lương năm 2024 được thực hiện đúng lộ trình, thu nhập của hàng chục triệu người lao động, trong đó có giáo viên các trường công lập sẽ có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, điều mà một bộ phận nhà giáo băn khoăn là khi thực hiện chính sách tiền lương theo theo Nghị quyết 27, phụ cấp thâm niên của nhà giáo bị cắt sẽ ảnh hưởng không ít đến đội ngũ nhà giáo, nhất là những thầy cô có thâm niên trong nghề cao.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, lương giáo viên sẽ thực hiện ra sao?

Theo Nghị quyết số 27 yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Đồng thời, bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Cùng với đó, xây dựng, ban hành hệ thống 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Bảng lương được xây dựng theo nguyên tắc mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Đặc biệt, khi thực hiện cải cách tiền lương đã được định hướng cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Chính vì thế, khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 thì thu nhập của giáo viên cũng có nhiều thay đổi so với hiện hành.

Theo Nghị quyết 27, khi cải cách tiền lương thì ngoài tiền lương, giáo viên có thể hưởng các phụ cấp như: phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp đặc thù, phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Điều giáo viên đang băn khoăn là khi thực hiện cải cách tiền lương thì cũng đồng nghĩa phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ bị cắt, không còn nữa. Bởi lẽ, theo Nghị quyết 27 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

Vì thế, việc bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thực hiện theo đúng Nghị quyết nhưng điều này trở thành nỗi trăn trở với nhiều thầy cô đã có thời gian công tác lâu năm trong ngành.

Một giáo viên đang công tác tại một trường tiểu học ở phía Bắc chia sẻ: nếu bị cắt thâm niên thì 2 vợ chồng tôi sẽ mất đi một khoản phụ cấp đáng kể bởi cả 2 người đều có thâm niên trên dưới 30 năm. Khi không còn phụ cấp thâm niên, thu nhập của chúng tôi có giảm đi, trong khi tuổi càng lớn thì bệnh tật cũng phát sinh nhiều hơn…

Tuy nhiên, một số thầy cô giáo có thâm niên trong nghề ít lại lạc quan cho rằng ai cũng mong có thâm niên nhưng một khi chính sách của Nhà nước như vậy thì giáo viên dù muốn cũng không được. Hơn nữa, khi trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo động lực cho nhà giáo cống hiến, công tác. Đặc biệt sẽ rút dần khoảng cách về lương của giáo viên hiện nay.

Không thể duy trì mãi chính sách cùng giảng dạy số tiết như nhau trong một đơn vị nhưng có những giáo viên có thâm niên cao gấp 3 lần giáo viên trẻ. Một khi chế độ tiền lương trả theo năm, trả theo thâm niên tạo ra một sức ì quá lớn đối với một bộ phận nhà giáo.

Dù không còn phụ cấp thâm niên nhưng cải cách tiền lương sẽ tạo ra những bước tiến mới

Nghị quyết 29-NQ/TW lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhưng thực tế số lượng biên chế của ngành giáo dục hiện nay đang chiếm hơn 1 nửa công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Suy cho cùng, ngành nghề nào cũng có những vai trò, sứ mệnh riêng và tất nhiên không có ngành nghề nào là không quan trọng. Việc lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp Nghị quyết 29-NQ/TW tất nhiên là muốn đề cao vai trò nhà giáo nhưng trong điều kiện hiện tại là điều khó thực hiện.

Ngân sách nhà nước có hạn, ngành nghề này muốn được trả lương cao thì ngành nghề khác sẽ phải thấp hơn, thua thiệt hơn. Vì thế, sự hài hòa chính sách tiền lương và các loại phụ cấp là phù hợp giữa các ngành nghề đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với nhau.

Hơn nữa, nếu vẫn tiếp tục duy trì chế độ trả phụ cấp thâm niên cũng chưa hẳn ưu việt bởi lẽ, bên cạnh những thầy cô cố gắng, là cây cao bóng cả ở các trường học vẫn có không ít những thầy cô làm việc nhì nhằng, cầm chừng để chờ hưu.

Lương gấp nhiều lần giáo viên trẻ nhưng có không ít thầy cô luôn thoái thác những công việc khó, các phong trào thi đua của ngành.

Vì thế, việc cải cách tiền lương tới đây không đơn thuần là tăng lương mà cách tính lương mới không theo thang bảng lương cũ. Tiền lương sẽ không được xếp theo thang bảng lương cũ và tăng dần theo thời gian cán bộ, công chức viên chức làm việc như trước đây.

Lương giáo viên sẽ được xếp theo yêu cầu công việc, nghĩa là ở một vị trí việc làm, tiền lương sẽ được ấn định là bao nhiêu và không phụ thuộc vào việc cán bộ, công chức viên chức đó đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác.

Vì thế, theo người viết, lương giáo viên sẽ không thấp hơn mà khoảng cách về lương, thu nhập hàng tháng của các giáo viên sẽ được rút dần khoảng cách so với trước đây và hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG