Tiếp nối thành công của hội nghị “International Conference in Accounting, Finance and Business 2019” (Hội thảo Quốc tế về Kế toán, Tài chính và Kinh doanh năm 2019), Business Administration International Scientific Conference BAIC 2025 (Hội nghị Khoa học Quốc tế) tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế của IUH trong nghiên cứu khoa học.
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức cùng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) và Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM), sự kiện chào đón sự hiện diện của nhiều học giả tên tuổi như Tiến sĩ Mohd Hanafiah Bin Ahmad (Đại học Malaysia Pahang Al-Sultan Abdullah); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Adnen El Amraoui (Đại học Artois, Pháp) cùng đại diện các trường đại học và doanh nghiệp trong nước.
Với chủ đề “Sức mạnh đổi mới của AI và AI tạo sinh trong quản trị”, Hội nghị BAIC 2025 đã trở thành diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và chuyên gia trong và ngoài nước, cùng chia sẻ tiềm năng và ứng dụng thực tiễn của AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản trị. Sự kiện góp phần thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển tri thức trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Sân chơi học thuật quy mô lớn, lan tỏa xu hướng quản trị số
Sự kiện vinh dự đón tiếp hơn 500 đại biểu, khẳng định sức hút mạnh mẽ và tầm vóc ngày càng lớn của BAIC 2025. Hội nghị là diễn đàn học thuật uy tín, quy tụ các chuyên gia quốc tế danh tiếng, nhà khoa học đầu ngành, nhà quản lý doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, cùng đông đảo giảng viên và sinh viên nhiệt huyết đến từ nhiều trường đại học trên cả nước.
Tại phiên toàn thể, Tiến sĩ Mohd Hanafiah Bin Ahmad trình bày nghiên cứu về việc ứng dụng Chat GPT giúp tăng cường sự tự tin khởi nghiệp trong giới trẻ thông qua khả năng nhận diện cơ hội kinh doanh. Trong khi đó, tại tiểu ban số 3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Adnen El Amraoui nhấn mạnh vai trò của AI trong “xanh hóa” ngành Logistics, đặc biệt là trong mô hình trung chuyển hàng hóa nhằm cắt giảm khí thải và tối ưu chi phí vận hành.

Sự kết hợp giữa AI và logistics xanh không chỉ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái vận chuyển thân thiện hơn với môi trường. Đây đang là xu hướng tất yếu, mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững.
Khai phá AI từ góc nhìn toàn diện: Quản trị - Công nghệ - Con người
Không chỉ dừng lại ở các ứng dụng kỹ thuật, nhiều nghiên cứu tại hội nghị còn đi sâu vào khía cạnh con người trong môi trường số. Một nghiên cứu từ Malaysia đặt vấn đề về việc làm sao để ứng dụng công nghệ hiệu quả mà không gây áp lực quá tải cho người lao động? Trong bối cảnh chuyển đổi số, năng lực lãnh đạo, khả năng thích ứng với công nghệ mới và sức khỏe tinh thần của nhân viên trở thành những yếu tố then chốt để giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới từ bên trong.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: “BAIC 2025 không chỉ là một diễn đàn khoa học đơn thuần mà còn là bệ phóng kết nối tri thức toàn cầu, nơi những ý tưởng sáng tạo được ươm mầm và chắp cánh, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao công nghệ”.
Cô Mai cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đơn vị đồng tổ chức, các diễn giả, tác giả bài báo và toàn thể đại biểu đã góp phần vào thành công của hội nghị.

Thành công của Hội nghị Khoa học Quốc tế BAIC 2025 một lần nữa khẳng định cam kết của IUH cùng các trường đối tác trong việc xây dựng một cộng đồng học thuật vững mạnh trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với vai trò là cầu nối tri thức và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang không ngừng phát triển, BAIC hứa hẹn sẽ tiếp tục là một sự kiện khoa học uy tín, góp phần kiến tạo một tương lai quản trị thông minh và hiệu quả hơn.
Với gần 100 bài báo khoa học chất lượng từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia hội nghị, BAIC 2025 đã tạo ra một sân chơi trí tuệ sôi nổi. Trong đó, ban chuyên môn đã phản biện và lựa chọn hơn 50 bài báo xuất sắc nhất nhằm đăng Kỷ yếu toàn văn của hội nghị. Đồng thời, hội đồng chuyên môn cũng đã được tuyển chọn 10 bài báo xuất sắc trình bày tại các tiểu ban chuyên môn và 12 bài báo trình bày poster. Hội nghị cũng đã chia thành 3 tiểu ban chuyên sâu, tập trung vào các khía cạnh nóng hổi của ứng dụng AI trong quản trị:
1. AI in Business and Management: Khám phá những ứng dụng đột phá của AI trong các hoạt động kinh doanh và quản lý.
2. AI in Marketing and Consumer Behavior: Phân tích tác động của AI đến chiến lược marketing và hành vi người tiêu dùng.
3. AI in Technology and Innovation: Nghiên cứu vai trò của AI trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và tạo ra lợi thế cạnh tranh